Xót xa cảnh chị gái gần 30 năm chăm sóc em trai mắc bệnh tâm thần

Thứ Hai, 16/11/2020, 18:07
26 năm ròng rã trôi qua cũng là khoảng thời gian mà bà Vũ Thị Nhuận, ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, phải nuốt những giọt nước mắt vào trong, ngày đêm chăm sóc cho người em trai của mình ở trong cũi sắt do mắc bệnh tâm thần...


"Làm mẹ" người em trai tâm thần

Về thôn Nam Sơn, xã Hòa Bình hỏi thăm về người phụ nữ quyết dành trọn tuổi thanh xuân để chăm sóc người em trai tâm thần ngơ ngẩn, người dân nơi đây không ai là không biết. Vừa bước vào đến cổng, chúng tôi nghe thấy tiếng nói của một người phụ nữ trong gian buồng tăm tối, ẩm thấp vừa đút từng thìa cháo vừa nói vọng ra: “Ngoan nào, ăn đi em, rồi ngày mai chị đi mua bánh kẹo, quần áo mới cho em đi chơi”.

Căn nhà nơi chị em bà Nhuận đang sống do bố mẹ để lại đã nhiều năm nay.

Bên trong căn nhà cấp 4 lợp ngói cũ nát là căn phòng nhỏ hẹp, ông Vũ Văn Hiến (sinh năm 1960) đang ở trong chiếc cũi sắt, lúc tỉnh lúc mê, cười nói một mình khiến những ai chưa từng tiếp xúc không khỏi sợ hãi, xót xa.

Bà Nhuận kể, năm 1984, ông Hiến khi ấy vẫn là chàng thanh niên ngoài 20 tuổi khỏe mạnh và là trụ cột của gia đình. Theo chính sách của Nhà nước, ông Hiến đi làm ăn kinh tế mới ở vùng Tây Nguyên. Ngày ấy, ông Hiến vẫn thường xuyên gửi tiền về để chăm lo cuộc sống gia đình, lo cho bố mẹ già ở quê.

“Khi làm ăn trong vùng kinh tế mới, em tôi có đem lòng yêu thương một người con gái nhưng do không đến được với nhau nên cậu ấy sinh ra buồn phiền, chán nản. Năm 1988, cậu Hiến về quê rồi phát bệnh tâm thần từ lúc nào không hay. Em tôi thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, đập phá đồ đạc, la hét, chửi bới, thậm chí hành hung họ hàng, làng xóm xung quanh”, bà Nhuận nhớ lại.

Ngày đó, thời gian đầu, ông Hiến có biểu hiện giống trầm cảm, không nói không rằng. Gia đình chạy vạy khắp nơi, cho đi điều trị ở bệnh viện 2 tháng nhưng không ăn thua. Sau đó ông đi lung tung khắp nơi đánh người, lột quần áo, đập phá đồ đạc nên bố mẹ bà Thuận phải xích chân, xích tay lại nhốt trong nhà… mặt ông trở nên hung dữ, ăn uống nhồm nhoàm, liên tục chửi bới rồi nói những câu tục tĩu.

Ngày đó, mỗi khi bệnh tình tái phát, ông Hiến đi đến đâu là dân làng sợ hãi, tránh xa, nhất là những cô gái trẻ. Có lần lên cơn, ông Hiến đã cắn nát tay một người em họ của mình. Thời gian đầu, hầu như ngày nào họ hàng cũng có người đến phàn nàn, chửi bới vì tai họa do ông Hiến gây ra, nhưng lâu rồi thành quen. Thương người con bệnh tật, bà Lương Thị Xuân (mẹ của bà Nhuận, ông Hiến) đã phải bán mọi đồ đạc trong nhà để đưa ông đi tìm thầy lang chữa bệnh, nhưng nhiều năm không có tiến triển. Vốn là trụ cột trong gia đình, ông Hiến trở thành gánh nặng, nỗi buồn lo cho cả gia đình.

Đã hơn 20 năm qua, bà Nhuận phải chăm sóc người em bệnh tật trong cảnh nghèo khó.

“Khi mới phát bệnh, bố mẹ tôi thường xuyên phải đưa cậu Hiến đi khám ở bệnh viện tâm thần. Trong nhà có cái gì đều bán sạch, từ đồ đạc, con lợn, con gà… nhưng nhiều năm mà bệnh không có tiến triển. Có lần buồn quá, gia đình lại túng quẫn, bố tôi đưa cậu Hiến đi ra sông để hai bố con cùng chết, nhưng mọi người ngăn lại”, bà Nhuận tâm sự.

Một thời gian sau đó, bố ông Hiến qua đời. Bệnh tâm thần của ông càng thêm nặng, gia đình lại càng khánh kiệt, vì chỉ có mỗi mẹ già ở nhà nên bà đã quyết định đóng chiếc cũi sắt đưa ông Hiến vào đó để chăm lo, ngăn ông không đi ra ngoài đập phá, chửi bới, nguy hiểm cho làng xóm xung quanh.

Bà Trần Thị Nhung (sinh năm 1942) - hàng xóm với nhà bà Nhuận cho biết: “Khổ lắm, nhà bà Thuận tội nghiệp vô cùng. Không thể nói hết nỗi khổ của bà ấy khi có một đứa em “hâm hâm dở dở”. Hiến khôn không ra khôn, dại không ra dại. Đã nhiều lần nó cầm dao, vác gậy hành hung người làng.

Cuộc sống trong cũi sắt

Bà Nhuận lấy chồng ở huyện khác cách nhà 30km. Do hoàn cảnh bố mẹ già mất đi, chồng lại qua đời sớm do bạo bệnh nên bà đã quyết định xin chồng chuyển về nhà ngoại để tiện bề cuộc sống và chăm sóc người em bệnh tật. Từ khi bố mẹ mất đi, một mình bà Nhuận nuôi người em của mình trong bao nhiêu nỗi khó khăn, vất vả.

“Năm 1981, bố tôi bị bệnh qua đời. Mẹ tôi khi ấy cũng già yếu, đến năm 2013 thì mất. Là người phụ nữ, nhiều lúc tôi cũng khao khát yêu đương lắm. Ở tuổi thanh xuân đẹp như trăng tròn, tôi cũng có nhiều người đàn ông đến tìm hiểu, dạm ngõ nên nhiều lúc tôi cũng định đi bước nữa nhưng vì thương đứa em trai bệnh tật ngây ngô như đứa trẻ lên 3 trong cũi sắt kia mà tôi không đành lòng vì hạnh phúc riêng của mình. Cứ vậy, dần dần tuổi xuân cứ trôi đi nên tôi càng không thiết đến đời mình”, bà Nhuận ngậm ngùi.

Khi bố bà Nhuận qua đời, bệnh của ông Hiến nặng thêm nên bà Nhuận bàn với mẹ và quyết định đóng chiếc cũi sắt nhốt ông vào đó để không đi phá phách, chửi bới, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hằng ngày, bà vẫn phải đưa cơm cho người em của mình qua song sắt nhỏ. Ban đầu, mỗi lần đưa cơm cho em, bà Nhuận lại phải thay bát đũa khác vì ông Hiến ném, đập vỡ liên tục. Bà Nhuận cũng cho biết, suốt 26 năm qua, mọi sinh hoạt, ăn ngủ, đến tắm giặt, vệ sinh cá nhân… cho ông Hiến đều do một tay bà làm. Tất cả chỉ diễn ra trong chiếc cũi sắt đó.

Đã hơn 20 năm ông Hiến sống trong cảnh vô thức.

“Đến bữa ăn thì tôi cho cơm và thức ăn ra chiếc cặp lồng rồi để đó, đa phần thì cậu Hiến cũng tự xúc được, nhưng nhiều hôm tôi phải cho ăn từng chút một. Vì không dám thả ra ngoài nên việc vệ sinh cá nhân cậu ấy cũng làm luôn ở trong cũi sắt, xong thì tôi dọn dẹp sau. Hàng ngày nhìn em mình bị nhốt trong cũi, sống một cuộc sống không giống người, tôi đau lòng lắm. Nhưng với mấy mẹ con tôi lúc đó thực sự không còn cách nào khác. Cậu ấy bị bệnh đến nay cũng đã 30 năm thì 26 năm nằm trong cũi sắt ”, bà Nhuận cho biết.

30 năm ông Hiến phát bệnh tâm thần, 26 năm nằm trong cũi sắt là bao ngày tháng bà Nhuận hết lòng chăm người em của mình. Nhiều đêm thấy tủi hờn với mọi người, họ hàng, làng xóm, nhưng những lúc ấy bà Nhuận lại thấy thương em trai mình nhiều hơn.

“Cứ hôm nào lên cơn thì cậu Hiến lại la hét, hát hò, chửi bới loạn lên. Chiếc bát ăn và thìa ăn cơm bằng inox nó cứ ném choang choang, những đêm như thế hàng xóm xung quanh đây mất ngủ, nhưng họ cũng thông cảm bởi chẳng ai chấp người điên. Những lúc như thế tôi chỉ ứa nước mắt, vừa thương em, lại buồn cho bản thân mình vì chẳng biết làm sao được. Đôi lúc buồn bã, tôi nghĩ đến cái chết, nhưng vì lo cho người em bị bệnh nên tôi cố gắng gượng bao năm qua và cũng là để thỏa di nguyện của bố mẹ tôi trước khi mất", bà Nhuận tâm sự.

Gia đình cũng nhiều lần đã cho ông Hiến đi chữa bệnh nhưng 3 lần đi bệnh viện tâm thần là 3 lần ông Hiến trốn bỏ về. Những lúc ấy gia đình, làng xóm lại được phen náo loạn, mất ăn mất ngủ. Có lần ông Hiến trốn viện rồi bỏ đi vào tận trong Tây Nguyên, đúng chỗ ngày trước đi làm kinh tế mới, may sao có người bà con gần nhà đang sinh sống ở trong đó phát hiện ra và đưa ông Hiến về quê.

Bà Nhuận thở dài chia sẻ thêm: “Là người thân ruột thịt ai nỡ lòng nào giam cầm, nhốt lại một chỗ. Chẳng qua cũng vì muốn tốt cho xã hội, xóm làng mà thôi. Đã nhiều lần đưa đi điều trị ở bệnh viện, gia đình còn muốn cho nó (ông Hiến) lưu trú trong đó để có người chăm sóc, thuốc men cầm chừng được căn bệnh của nó. Nhưng bây giờ bệnh viện họ cũng không nhận nữa. Gia đình tôi đã hết cách với đứa em tâm thần, đành nhốt ở trong cũi sắt trong gian buồng tối tăm ẩm mốc bốc mùi xú uế để nó không phá làng phá xóm”.

Bà Nhuận cũng chia sẻ, hiện nay, bản thân bà cũng hay ốm đau do bệnh tim, lại không có lương hay trợ cấp gì, cộng thêm bà phải chăm lo cho ông Hiến và 2 đứa cháu nội còn nhỏ do mẹ chúng bỏ đi nhiều năm nay. Cả gia đình chỉ trông vào người con trai làm công nhân lương "ba cọc ba đồng". "Tôi cũng mong đưa cậu ấy đi viện tâm thần để được chăm sóc chu đáo hơn nhưng chỉ lo cậu ấy bỏ về như những lần trước. Rồi còn 2 đứa cháu nội tôi nữa, mẹ nó bỏ đi nhiều năm nay. Tôi chẳng biết phải sống thế nào những ngày tháng về sau nữa ”, bà Nhuận nghẹn ngào.

Trần Toản
.
.
.