Tranh cãi “Luật ký sinh”, chuyện nhỏ…

Thứ Tư, 03/05/2017, 09:08
Một sắc lệnh đánh thuế người thất nghiệp của Tổng thống Belarus đã khiến dân Belarus biểu tình từ suốt 2 tháng qua.


Sắc lệnh này, được gọi với tên “Luật ký sinh”, nhằm xử lý “bọn sống ăn bám xã hội”, do Tổng thống Alexander Lukashenko buộc công dân không có việc làm hơn 183 ngày/năm phải đóng tương đương 250 USD cho chính phủ, để số tiền bồi thường bị thất thu thuế.

Sắc lệnh gây tranh cãi trở nên nổi tiếng với cái tên “Luật ký sinh”, sau khi Tổng thống Lukashenko nói luật này ở Belarus. Phe chỉ trích nói đấy là số tiền quá lớn đối với một người dân, ở một quốc gia mà mức lương trung bình hàng tháng chưa tới 500 USD. Công đoàn thương mại REP ở Minsk vận động chống “Luật ăn bám xã hội”, kêu gọi mọi giai cấp ký tên tập thể phản đối luật này.

Biểu tình khiến Tổng thống xuống nước, cho hoãn thi hành đến năm 2018, để xem xét lại. Thừa thắng xốc tới, các cuộc biểu tình vẫn bùng lên.

Cảnh sát và người biểu tình ở Minsk dịp Ngày tự do (kỷ niệm ngày lập Cộng hòa Belarus năm 1918).

Cảnh sát chống bạo loạn triển khai vòi rồng ở nhiều thành phố để trấn áp, mời các nhà hoạt động và thủ lĩnh các phe đối lập “lên làm việc”. Cho đến ngày 15-3, đúng dịp lễ Ngày Hiến pháp Belarus, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tán đoàn người biểu tình, bắt khoảng 200 người.

Các tổ chức nhân quyền gọi đấy là vụ trấn áp lớn nhất ở Belarus, kể từ năm 2010.

Phe đối lập đang vận động Liên hiệp châu Âu (EU) nối lại lệnh trừng phạt.  Hồi tháng 2-2016, EU đã dỡ bỏ hầu hết sự trừng phạt những cá nhân trong giới lãnh đạo Belarus. Động thái này được coi là “phần thưởng” cho Belarus, nhờ có công tổ chức đàm phán hòa bình giữa Nga với Ukraine.

Ông Lukashenko nắm quyền lực ở nước này từ 23 năm nay. Gần đây, ông tuyên bố những “phần tử xấu có nước ngoài chống lưng” đang muốn hạ bệ ông. Một cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George Bush từng gọi ông Lukashenko là “Nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”.

Lần gần đây nhất, chính quyền đàn áp mạnh các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ là năm 2010, đã khiến Minsk bị quốc tế cô lập. Ngày nay, ông Lukashenko chẳng lo ngại về sự lạnh lẽo của phương Tây. Vì phương Tây đang có quan hệ căng thẳng với chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin, nên họ quyết bình thường hóa quan hệ với Belarus.

Hiện các chính khách phương Tây thường xuyên đến Minsk. Ví dụ vào ngày xảy ra những vụ biểu tình gần đây nhất, ông Lukashenko tiếp chuyện Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynder. Truyền hình Belarus thì cảnh cáo toàn dân rằng bất kỳ các cuộc biểu tình chống chính phủ có nguy cơ trở thành một sự hỗn loạn tương tự ở Ukraine.

Họ bỏ ngoài tai lời kêu gọi trừng phạt Belarus của phe đối lập. Thậm chí còn ra ý “bênh” Tổng thống Lukashenko khi cho rằng tình hình hiện nay ở Minsk không thể so với tình hình ở Kiev năm 2014: “Belarus có chế độ cứng rắn hơn Ukraine thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich”.

Khi đang cần Belarus, phương Tây lờ đi các cách “xử lý biểu tình nội bộ”, không chơi các bài cũ về “tố cáo vi phạm nhân quyền” nữa…

Trong vụ này, ông Lukashenko có vẻ đang “có thế” hơn… Biểu tình, tranh cãi, muôn kiểu dẹp biểu tình… Kệ, đó là chuyện nhỏ, chuyện riêng của quý vị - phương Tây lại ra mặt nhân từ…

Thảo Hương (tổng hợp)
.
.
.