Không có gì mà ầm ĩ cả

Thói quen khó bỏ

Thứ Ba, 17/03/2020, 17:08
Cách tiếp cận khác nhau nên số ca nhiễm ở ta ở mức rất thấp và chưa có tử vong. Nhân dân thực hiện khuyến cáo hạn chế di chuyển bằng cách nhắc nhau hóm hỉnh "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy".

Vũ Hán bình phục, tháo dỡ bệnh viện dã chiến thì châu Âu trở thành tâm dịch lớn nhất. Tuy vậy, "lục địa già" có vẻ coi chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu rằng, nước này không cần cấm tụ tập nơi công cộng, đóng cửa trường học nhưng cần thay đổi hành vi. Ngài khuyến cáo rằng từ bây giờ hãy ngừng bắt tay. Có thể thay thế bằng chạm chân, huých khuỷu tay, bất cứ điều gì các bạn muốn.

Kết thúc bài phát biểu, quên béng, ngài thò tay bắt tay vị chuyên gia y tế Jaap van Dissel. Giật mình biết lỡ, ngài Thủ tướng làm lại để sửa sai và hai ông vui vẻ huých khuỷu tay nhau. Rồi lại quên, ngài Thủ tướng bá cổ vị kia rời sân khấu. Bá cổ nguy hiểm kém gì bắt tay.

Thói quen khó bỏ. Trong cuộc họp báo, bác sĩ Sara Cody tại Trung tâm Sức khỏe cộng đồng quận Santa Clara, bang California đọc diễn văn khuyên mọi người hãy ngừng đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thế mà thoáng cái, bà đã nhấm nước bọt ngón tay để lật một trang giấy.

Covid - 19 không phân biệt sang hèn, nhiều người nổi tiếng khắp thế giới đã dương tính như: Phó Tổng thống Iran, Thứ trưởng Y tế Iran, Bộ trưởng Nội vụ Australia, Bộ trưởng Văn hoá Pháp, Phu nhân Thủ tướng Canada, luật sư của Tổng thống Brazil, huấn luyện viên đội Arsernal… Những ca tử vong do Covid - 19 có cái chết của Chủ tịch Hiệp hội Y tế Italia, tướng cao cấp Iran, nghị sĩ Iran, cố vấn Ngoại trưởng Iran… Đó có đáng là một thông điệp không?

Minh họa Lê Tâm.

Người châu Âu có câu "rồi mọi chuyện sẽ ổn" thôi. Họ vẫn tiếp tục tụ tập nhảy múa trên quảng trường phớt lờ mọi sự cảnh báo. Đến khi Italia phong toả quốc gia bởi y tế quá tải hơn 24000 ca nhiễm thì thực sự "vỡ trận". Vũ khí duy nhất chống dịch đứng ở ban công ca hát cổ vũ tinh thần nhau. Hình ảnh thì cảm động nhưng nó cho thấy lãnh đạo đã sai một ly rồi.

Tổng thống Mỹ D. Trump coi COVID-19 chẳng khác gì cúm mùa: "… Trung bình mỗi năm có từ 27.000 đến 70.000 người chết vì cúm. Chẳng có nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra…" Nhưng rồi ngài cũng ban bố tình trạng khẩn cấp cho nước Mỹ và chọn ngày 15/3/2020 là ngày cầu nguyện. Giống y Bộ trưởng Y tế Indonesia kêu gọi toàn dân cầu nguyện nhưng không ngăn nổi các ca tử vong vì dịch.

Cố vấn trưởng khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance cho rằng có thể tạo ra sự miễn dịch COVID-19 cho cộng đồng mà không chờ đến khi sản xuất được vaccine. Dựa trên lý thuyết về "Miễn dịch cộng đồng" thì cần có 60% dân số nhiễm COVID-19 để tự họ tạo ra các kháng thể một cách tự nhiên. Hãy thử tính xem 60% dân số Anh Quốc khoảng 33.000.000 thì trên dưới 5% tử vong đâu đó khoảng 1.650.000 người? Ai chấp nhận rơi vào con số đó? Nghĩ thôi đã toát mồ hôi.

Trong khi "nước người ta" "gối cao ngủ ngon" thì hệ thống phòng chống dịch Việt Nam đã kích hoạt quyết liệt. Trong khi "nước người ta" trấn an rằng sẽ ổn thôi thì lãnh đạo nhà mình thức đêm cùng nhau vạch kịch bản ứng phó tầm gần tầm xa. 

Trong khi "nước người ta" quay trở về với "chọn lọc tự nhiên" khoẻ sống yếu chết thì bên mình dùng mọi biện pháp để giành sự sống cho tất cả nạn nhân. Trong khi "nước người ta" đùn đẩy trách nhiệm điều trị cho công dân và tính phí thì bên mình đón tất cả đồng bào vùng dịch về chăm sóc miễn phí. 

Cách tiếp cận khác nhau nên số ca nhiễm ở ta ở mức rất thấp và chưa có tử vong. Một số nghệ sĩ chung tay góp hàng tỷ đồng để ủng hộ chống dịch. Cá biệt có bệnh nhân dương tính di chuyển, tiếp xúc phức tạp gây khó cho ban chỉ đạo nhưng đại bộ phận thì rất tuân thủ và sẻ chia. Nhân dân thực hiện khuyến cáo hạn chế di chuyển bằng cách nhắc nhau hóm hỉnh "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy".

Bạn có tin  không? Trong mùa dịch này, ở yên một chỗ cũng là đóng góp.   

Lê Tâm
.
.
.