Rùng mình nghe chuyện sinh nở trên cao nguyên đá

Thứ Tư, 28/11/2012, 16:05
Người miền non cao, sống thu lu cách biệt với thế giới văn minh vẫn còn ủ giấu trong đời sống của mình nhiều tập tục lạ đời mà mới thoảng nghe qua không khỏi giật mình. Chúng tôi đã trải qua cảm giác ấy khi nghe chuyện sinh đẻ của những người mẹ chốn thâm sâu của tỉnh Hà Giang. Họ sinh con và phó mặc sự an nguy của đứa con mình cho tạo hóa và sự may rủi, tựa như cây cỏ, chim muông ở xứ này.

Quét nhà…để đẻ

Hà Giang là tỉnh nghèo của nước ta, cái nghèo lan đến từng con ngõ, luồn sâu vào từng nếp nhà. Mèn mén, món ăn được chế biến từ bột ngô trở thành lương thực chính để họ cầm cự với cái đói quanh năm. Chính sự thiếu thốn về vật chất đó dẫn đến nhiều hệ lụy như thất học, thiếu hiểu biết và đó là cơ hội để nhiều tập tục lạc hậu vẫn có đất để sinh sôi.

Vốn đã nghe nhiều chuyện sinh đẻ ở miền núi, có những dân tộc vẫn còn tập tục ngay sau khi sinh con, người mẹ liền bế ẵm đứa con còn đỏ hỏn ra suối, nhúng lấy nhúng để xuống con suối lạnh ngắt. Họ quan niệm, đó là cách để đứa trẻ thích nghi với điều kiện sinh tồn khắc nghiệt. Nếu chẳng may đứa trẻ đó chết đi, thì coi như là mệnh của tạo hóa không cho nó đủ sức khỏe mà sinh sống. Chuyện “hậu sản” đã thế, chuyện khi sinh đẻ cũng ly kỳ không kém. Đó là điều khiến cho chúng tôi phải vật vã vượt qua đèo Mã Pì Lèng chênh vênh bên dốc núi, lướt qua cao nguyên đá lô chô những đá là đá để lầm lụi mất cả ngày trời đi vào tận thôn bản, tìm đến từng nhà mà hỏi chuyện.

Dọc đường đi, chúng tôi được một cán bộ của tổ chức Plan (Tổ chức phát triển nhân đạo), hiện đang có dự án về đào tạo cô đỡ thôn bản mở mang thêm kiến thức  cho biết rằng: Sở dĩ lớp lớp các bà mẹ ở Hà Giang chiếm đến khoảng hơn 80%, có nơi lên đến xấp xỉ 100 % sinh con tại nhà, bắt nguồn từ quan niệm, người phụ nữ Mông khắt khe với việc để cho người ngoài thấy bộ phận sinh dục của mình. Hơn thế nữa, các bộ y tế xã phần đa lại là nam giới, thế nên việc sinh đẻ tại trạm xá chưa trở thành thói quen trong suy nghĩ của họ.

Tìm đến một gia đình, người lớn tuổi nhất năm nay mới 60 nhưng mặt đã lồ lộ những nếp nhăn sần sùi như một bà lão dưới xuôi lọ mọ ra chào những vị khách xa lạ. Bên cạnh, con dâu của bà năm nay cũng mới ngót ngét tuổi 20 nhưng cũng đã kịp 2 lần làm mẹ và từng ấy lần sinh tại gia. Lát sau chúng tôi mới được biết, người phụ nữ “cao niên” nhất trong nhà ấy tên là Lửng.

Được hỏi về chuyện sinh đẻ của người Mông, bà Lửng khua khua tay nói hồ hổi: “Không ra trạm xá đâu, đẻ ở nhà đây thôi”. Hỏi, đẻ như thế nào? Bà Lửng đáp: “Quét sạch cái miếng đất dưới nhà này này, lấy cái dây thả từ trên nóc nhà xuống này. Đứa con nó cầm vào cái dây đó, ngồi lên ghế rồi rặn xuống cái đất kia”.

Khi đứa trẻ đã oe oe khóc trên nền nhà lạnh ngắt, mẹ chồng của cô con dâu sẽ dùng một mảnh nứa được chuốt chẻ cho sắc, nắm lấy rốn của cháu mình mà cắt phựt một phát. Sinh đẻ trong môi trường như thế, lại bị cắt rốn bằng một dụng cụ không hợp vệ sinh, nên chuyện những hài nhi vừa kịp chào đời đã vội sang thế giới khác vẫn lắt nhắt diễn ra. Chưa kể là có những trường hợp, cả mẹ và con đều chết tức tưởi.

Dính, chàng thanh niên dẫn đường, cũng là con trai của trưởng thôn thầm thì, năm kia ở bản trên có con Giàng, sinh đứa thứ 3 tại nhà. Chồng nó là Xá đỡ đẻ. Sinh xong thì cả mẹ và con đều tím ngắt. Phải đưa lên huyện mới thoát cái chết. Chuyện sinh đẻ mà con cái chết đi không phải là chuyện hiếm, nhưng thay vì than khóc ỉ ôi, có người lại coi đó là số phận của đứa con, chứ chẳng mảy may xét đoán nguyên nhân chính là do việc sinh đẻ không khoa học, thiếu vệ sinh.

Bác sỹ nghĩ mưu cứu mẹ con thai phụ

Nếu như ở đâu đó của miền xuôi, người nhà thai phụ muốn được mổ và thăm khám sớm phải lúi dúi đưa tiền cho từ bác sỹ đến cô hộ lý, thì khi chúng tôi đề cập việc này cho một bác sỹ phụ sản, chỉ thấy vị này cười khùng khục mà rằng: làm gì có chuyện đó, ở đây thấy một người ì ạch vác bụng đến chờ sinh là chúng tôi đã mừng lắm rồi, chưa kể là có gia đình khốn khó quá, không có gì cho sản phụ dưỡng sinh chúng tôi còn phải cho thêm tiền nữa ấy chứ.

Đó chưa phải là chuyện kỳ lạ duy nhất ở đây, mà chuyện kỳ lạ nhất, khó khăn nhất và cũng hao tâm tổn trí nhất đối với bác sỹ chính là việc thực hiện các ca mổ hay các phương pháp y học trong những ca khó sinh, mà tính mạng sản phụ và cả thai nhi đã treo lòng tòng như sợi dây rừng mùa nước lũ, nhưng tuyệt nhiên người thân đi cùng khăng khăng không cho người lạ động tay vào.

Bác sỹ Hùng, một bác sỹ ở một bệnh viện tuyến huyện còn nhớ như in lần phải cứu một ca khó, đó là một sản phụ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó đẻ, trước đó gia đình cũng đã cho sản phụ đẻ bằng cách cho ngồi lên ghế, quét nhà để hứng thai nhi nhưng bất thành.

Qua thăm khám, bác sỹ Hùng quả quyết, phải mổ đẻ ngay lập tức. Rồi yêu cầu các bộ phận chuẩn bị tiến hành ca mổ. Tuy nhiên, vừa nghe thấy thế người chồng đi cùng đã ngay lập tức bổ đến ôm ngang bụng vợ, miệng nói liên hồi: Không được banh bụng vợ tao đâu. Lỡ con vợ tao nó chết thì sao. Tao đem nó về thôi. Tình huống bất ngờ, bác sỹ Hùng phải ra sức thuyết phục nhưng vẫn không thay đổi được ý chí của ông chồng. Bí quá, anh đành phải nghĩ ra cách “dụ hổ ra khỏi hang”. Theo đó, anh hỏi với người chồng đi cùng: Thôi không mổ nữa vậy, nhưng phải về nhà lấy đồ cho vợ sinh chứ? “Đường xa lắm, không đi đâu”- ông chồng trả lời. “Bệnh viện có ôtô đấy, ngồi ôtô về nhà lấy đồ cho vợ nhé” - Bác sỹ Hùng đề nghị.

Vừa nghe thấy được ngồi ôtô về bản thì ông chồng mắt đã hấp háy sung sướng, gật đầu đồng ý. Một chiếc xe của bệnh viện được điều tới chở ông chồng khó tính rời bệnh viện, xe vừa ra khỏi cổng viện thì ở bên trong ê kíp mổ cũng tiến hành mổ đẻ cho sản phụ. Còn lái xe, đã được bác sỹ dặn dò kỹ cứ thế đưa ông chồng đi lượn một vòng xung quanh huyện, đợi đến khi có thông báo đã mổ xong thì mới đưa trở lại viện. Khi về đến nơi, thấy đứa con đỏ hỏn đã khóc ré lên thì ông bố cũng quên mất việc vạch áo vợ ra xem có bị bác sỹ banh bụng mổ không.

Cũng rơi vào một trường hợp tương tự, bác sỹ Hương ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang lại gặp một ca nguy kịch hơn, đó là một sản phụ cũng được cho sinh ở nhà, thai thi đã ra được một phần. Lúc chuyển đến viện thì cả phần cơ thể của thai nhi và mẹ đã tím tái rất nguy hiểm. Bác sỹ Hương đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp can thiệp cần thiết thì người nhà sản phụ không đồng ý với lý do “Phải chờ về nhà cúng con ma đã”.

Theo giải thích của bác sỹ Hương, cùng với tập tục sinh đẻ tại nhà thì tập tục cúng ma trước khi sinh cũng là nguyên nhân khiến gia tăng nhiều trường hợp nguy hiểm cho sản phụ. Thường trước khi chuẩn bị sinh, thầy mo sẽ được mời về lập bàn thờ, còn người mẹ thì cứ phải nằm ở giữa nhà đợi cho thầy mo và người thân sì sụp khấn vái. Thế mới có trường hợp, khi mọi người đang khấn vái thì sản phụ đã ngất từ lâu.

Nói một cách công bằng, tập tục ghê người trong sinh đẻ của bà con các dân tộc ở Hà Giang cũng như nhiều địa phương miền núi khác không chỉ do bởi nhận thức hạn chế, trình độ dân trí thấp mà còn có nguyên nhân thường trực hơn đó là do địa hình rừng núi nhiều chia cắt. Có những gia đình ở sâu trong thung lũng, lại có những gia đình ở chon von trên núi cao. Mỗi khi đau ốm, họ đành lệ thuộc vào thiên nhiên bằng những cây cỏ tự kiếm và các phương pháp chữa bệnh do họ tự nghĩ ra hoặc được các thầy mo truyền dạy. Thói quen đó lâu dần trở thành nếp nghĩ khó thay đổi trong bà con.

Để hạn chế tình trạng sinh con ghê người này, tổ chức Plan, một tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế cũng đã triển khai một dự án đào tạo y tá thôn bản, với mục tiêu đào tạo được một đội ngũ cán bộ có thể làm công tác hỗ trợ các sản phụ ngay tại nhà. Tuy nhiên, công tác này cũng không đơn giản chút nào. Ban đầu là việc thuyết phục các học viên đi học, bắt họ bỏ con nương, xa con rẫy gắn với cơm ăn, áo mặc hàng ngày của họ để đi học đúng là còn khó hơn trèo bộ lên đỉnh Mã Pì Lèng.

Nỗ lực lắm, mới vận động được 22 học viên, thì đến giờ cũng chỉ còn 16 học viên bám trụ. Nguyên nhân cũng nhiều như mùa ngô trổ bắp. Có học viên chồng lên tận lớp học, nắm tay lôi về như lúc bắt vợ, có học viên đang học lại kêu đau đẻ…đành xin phép thầy giáo cho về nhà...đợi sinh tại nhà. Thế nên, những câu chuyện rùng rợn về sinh con tại nhà vẫn cứ dài như đá núi Đồng Văn, chẳng biết bao giờ mới hết

Cầm Sơn
.
.
.