Nương tựa vào nhau sau sóng gió cuộc đời

Thứ Năm, 10/03/2016, 11:46
Cũng như không ít thôn, xã chịu ảnh hưởng bởi "cơn bão" đào vàng, những người phụ nữ thị trấn Hùng Sơn và xã Cù Vân- huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vừa chịu cảnh nuôi con một mình, vừa phải chiến đấu với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nhưng họ đã cố gắng, nỗ lực vươn lên để nuôi con và hy vọng thế hệ sau sẽ đổi khác.


1."Nhiều phụ nữ bất hạnh, nhưng bất hạnh như chúng tôi thì không nhiều". Câu nói của người phụ nữ ở nương chè buổi đó đã khiến tôi quyết đi tìm sự thật. Ẩn khuất sau câu nói ấy, hẳn là một bi kịch. Quả nhiên không sai, theo bà Trương Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đại Từ, trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn có quá nhiều hoàn cảnh đau khổ như chồng mất vì nghiện hút, vì bệnh AIDS, rồi lan truyền sang cho vợ. Sau thời gian dò hỏi, lần tìm người phụ nữ nọ, tôi được biết chị là Đinh Thị Xuân, hiện sống ở xóm Bàn Cờ - thị trấn Hùng Sơn.

Chị Xuân và chị Mười (thị trấn Hùng Sơn) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi.

Hỏi chuyện quá khứ, chị Xuân khóc nức nở. Lúc bình tĩnh lại, chị kể rằng: Vào năm 2001, chị từ vùng quê Nam Định vào Bình Dương làm công nhân và gặp người cùng công ty là anh Bùi Văn Dũng, ở thị trấn Hùng Sơn. Họ quyết định về quê hương anh Dũng tổ chức hôn lễ và làm ăn. Lấy chồng xa, chị Xuân chỉ ước mình có một mái ấm bình dị và hạnh phúc. Nhưng ước nguyện nhỏ nhoi ấy chị không thực hiện được.

Vào thời gian ấy, thanh niên trai tráng từ các thôn bản ở Đại Từ bị cuốn vào vòng xoáy đào vàng ở những vùng núi cao của Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Chị Xuân nhấn mạnh: "Đa số đàn ông khi đi trai tráng, khi về bủng beo. Rất nhiều người đã mắc bệnh xã hội, nghiện ngập từ môi trường ấy. Chồng tôi cũng vậy. Vừa nghiện, vừa bệnh. Năm 2004 anh ấy mất, sau khi tôi vừa biết mình nhiễm HIV.

Chị Mười cố gắng sống lạc quan, nuôi các con nên người.

Lúc ấy, mọi thứ trong tôi như vỡ vụn. Thật tiếc là chúng tôi còn chưa kịp có con để tôi còn có chỗ dựa". Chưa hết, số phận còn bắt chị phải lận đận, vất vả khi sau này nhà chồng hắt hủi, thường xuyên mắng nhiếc, lại còn đuổi chị ra khỏi nhà khiến chị phải đi thuê tạm một chỗ để ở, và đi làm thuê lấy tiền sống qua ngày.

Cùng gặp và chia sẻ với tôi hôm ấy là chị Ninh Thị Mười, người cùng cảnh ngộ với chị Xuân và hai người đã rất thân nhau. Nhưng chị Mười may mắn hơn bởi đã có ba đứa con, và không đứa nào mắc bệnh. Chị Xuân chỉ ước được bằng một phần chị Mười, là có một đứa con và nó không bị lây bệnh. Nhưng nào được…

Chị Mười là người rất tin và hy vọng vào chồng. Chị hồi tưởng: Năm đó, dù biết nhà anh Phan Văn Sáu rất nghèo, nhưng hai người vẫn quyết tâm cưới nhau. Bệnh của chồng âm ỉ, lây sang vợ, nhưng phải đến năm 2002 khi sinh đứa con thứ ba, chị mới biết mình nhiễm "H". Chị đã không rõ là mình nhiễm bệnh từ đâu.

Cùng chồng đi xét nghiệm thì ngày đó các bác sĩ đều không dám nói thật, chỉ bảo bị viêm gan B. Xét nghiệm đến lần thứ ba mới biết bệnh thật. Lúc ấy, anh em, hàng xóm nhiều người đã ngã bệnh. Đa số nhiễm "H". Mười chẳng biết ngày nào thì đến lượt hai vợ chồng mình. Rồi năm 2007, anh Sáu chết, bỏ lại bốn mẹ con chị. Chị một nách nuôi ba con.

Tìm hiểu rộng ra, ở thị trấn Hùng Sơn, có hơn 80 chị em khác nhiễm "H" từ chồng, cùng với hơn 20 đứa trẻ lây nhiễm từ cha mẹ. Thống kê của Hội Phụ nữ Đại Từ, toàn huyện có tới 300 trẻ em bị ảnh hưởng hoặc mắc bệnh, là hậu quả của "bão AIDS" khủng khiếp. Có chị chưa kịp có con, nay ở một mình làm thuê cuốc mướn. Có chị chồng mất, vừa nuôi con bệnh tật, vừa phải gắng gượng vươn lên làm chỗ dựa cho mẹ già.

2. "Cơn bão" khai thác vàng sa khoáng, đá đỏ đã xua những người đàn ông ở xã Cù Vân (Đại Từ) vào rừng. Vất vả, chịu đói khát bới đất, đá tìm nguồn sống nhưng cũng chính điều đó đã gây nên hậu quả là nhiều người đã mắc căn bệnh thế kỷ. Họ mất đi, bỏ lại vợ góa, con côi và bao nỗi nhức nhối.

Ông Dương Văn An, xóm 1 - xã Cù Vân, người có hơn 20 năm lang bạt khắp nơi tìm đá quý cho biết: "Thường chúng tôi tổ chức những nhóm tự phát, có khi cõng cá khô, gạo và nồi niêu mấy ngày trời xuyên rừng rồi khi tìm được chỗ khai thác sẽ làm lán ở đó. Có những lần vất vả đào cả ba tháng mà chẳng kiếm được gì, lại chuyển đi nơi khác để tìm".

Nguồn lợi đã làm cho nhiều nhóm đi cả năm mới về. Bởi về thì chẳng có việc làm, ruộng nương cũng ít ỏi, vả lại cái "máu nghề nghiệp" đã đeo đẳng họ, khiến chẳng ai muốn bỏ nghề để ở nhà. Khổ về công việc, thời tiết khắc nghiệt hay các tai nạn đã đành, người thợ tìm vàng còn phải đối mặt với tình trạng cá lớn nuốt cá bé, nhóm này đánh nhau với nhóm kia để giành địa bàn.

Cuộc sống nơi thâm sâu thiếu thốn, buồn tẻ, không ít thanh niên đã giải trí bằng cách tiêm chích ma túy, hút thuốc phiện. Các đối tượng gái mại dâm cũng "ngửi" thấy khách nên đi theo để phục vụ, có khi cả tháng trời. Đó là nguyên nhân khiến nhiều phu vàng mắc nghiện, nhiễm căn bệnh thế kỷ, về nhà lại lây sang vợ làm cho con số người nhiễm bệnh ở địa phương tăng lên.

Trong ngôi nhà nằm vắt vẻo trên sườn đồi của ông Trần Văn Sinh, bà Nguyễn Thị Nga (xóm 12) lúc nào cũng nghi ngút khói hương bởi hai con trai và một người con dâu của ông đã không còn. Suốt từ năm 2003 tai họa liên tục đổ xuống đầu ông bà, bởi đó là năm mà cậu con Trần Văn Hiếu của ông bà mất vì tai nạn giao thông.

Năm 2006, anh Trần Văn Đức mất vì bệnh AIDS và đầu năm 2012, chị Dương Thị Mến cũng mất vì lây bệnh từ chồng. Em Trần Trung An (10 tuổi) và Trần Văn Dũng (7 tuổi) giờ lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cũng lâm vào cảnh khốn đốn, là một trong những nạn nhân điển hình, hiện bà Nguyễn Thị Kinh (xóm 1) phải một mình nuôi hai đứa cháu nhỏ tội nghiệp. Một đứa cháu có mẹ chết vì bệnh, bố đang ở tù và nhiễm AIDS; Một đứa bố chết vì AIDS, mẹ bỏ đi biệt tích. Bà Kinh đã quá già yếu, lại không còn con cái nên việc nuôi dưỡng hai cháu vô cùng khó khăn. Bà thể hiện một lo lắng, rằng sau này mất thì không biết hai cháu sẽ sống thế nào.

Theo thông tin của Công an xã Cù Vân, địa phương này hiện còn 48 trường hợp nghiện ma túy, 54 người nhiễm HIV, không ít người chưa đi khai báo, làm xét nghiệm hoặc có đi làm xét nghiệm nhưng do mặc cảm, không dám nói mình là người của xã Cù Vân, gây khó khăn cho việc thống kê, kiểm soát của Công an xã.

Hiện tại, địa phương có hơn 70 em nhỏ mồ côi, trong đó 9 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đảng ủy xã Cù Vân đã chỉ đạo, vận động các ban, ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ những gia đình nghèo, neo đơn, trẻ em mồ côi.

Bà Kinh (xã Cù Vân) không biết vài năm nữa, còn đủ sức chăm hai cháu tội nghiệp.

Đặc biệt, lãnh đạo xã quan tâm nhiều hơn đến các em nhỏ mồ côi, quyết không để em nào phải mù chữ. Hàng năm, Quỹ khuyến học cũng đã trao nhiều phần quà cho học sinh vượt khó vươn lên học tập tiến bộ, tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

3.Vào năm 2008, những người phụ nữ nhiễm "H" ở Hùng Sơn được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam giúp đỡ, thành lập CLB Hoa Hướng Dương để có nơi chốn gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ. Khi tham gia CLB, các chị đã được đồng cảm, chia sẻ, cấp thuốc và được tập huấn kỹ năng để phòng chống lây lan sang người thân và cộng đồng.

Từ chỗ nhiều chị em ôm nỗi mặc cảm, không dám tiếp xúc với người ngoài, không dám đối mặt với bệnh tật, nhờ những hội viên năng nổ, đã tự tin, lạc quan hơn. Chị Đinh Thị Xuân, được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Chị cho biết: "Được tập huấn, chúng tôi tự tin giao tiếp với cộng đồng.

Từ đó, nhiều chị em cũng có cách để sống, không làm lây ra cộng đồng, con cái, ảnh hưởng đến người dân khác. Chúng tôi đã đi làm chè, buôn bán nhỏ. Cuộc sống vất vả, nhưng chúng tôi hướng tới tương lai của bọn trẻ".

Để có được tinh thần lạc quan đâu có dễ. Các thành viên CLB Hoa Hướng Dương đã phải vượt lên rất nhiều nỗi mệt mỏi của sự kỳ thị và khó khăn trước mắt. Trước đây, có chị xin đi cấy thuê mà chẳng ai nhờ, hỏi ra họ bảo lội xuống ruộng, chẳng may con đỉa nó cắn, nó làm lây bệnh. Hay có chủ nhà phải đập đi chiếc cốc mà một phụ nữ nhiễm "H" vừa sử dụng… Đến nay, nhờ công tác tuyên truyền, tiến bộ, sự kỳ thị đã giảm rất nhiều.

Nể phục trước những người phụ nữ nhiễm "H" giàu nghị lực, bà Trương Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đại Từ phát biểu: "Hiện mô hình CLB Hoa Hướng Dương hoạt động khá tốt. Những người phụ nữ nhiễm bệnh này trên toàn huyện cũng đã chọn cách sống lạc quan, tự tin để không bị gục ngã trước sóng gió cuộc đời".

Ngô Thục Miên
.
.
.