Nơi tìm lại những nụ cười

Thứ Năm, 08/09/2016, 11:00
Làng Hữu Nghị (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là địa chỉ nuôi dưỡng những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, các thương binh nặng. Trong số đó có không ít em nhỏ đã học tập, rèn luyện tốt, thạo nghề và hòa nhập với cộng đồng. Mỗi năm, hàng trăm lượt khách và tình nguyện viên đã đến với các em. Đón trung thu 2016, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến tặng quà, tổ chức vui chơi cùng các em, thắp cho những em nhỏ khiếm khuyết thêm nụ cười.


Những nụ cười không tắt

Chúng tôi bước vào lớp giáo dục đặc biệt số 4 khi những em nhỏ đang thực hành bài làm tranh xé dán. Những bông hoa tươi rói vừa hoàn thành, thể hiện tình yêu và ước mơ của các em. Em Nguyễn Thị Linh lên bảng dán bức tranh của mình và cười vui vẻ, xin được chụp hình.

Khi tôi chụp cho em và một số bạn khác xong, các em nói: "Anh rửa cho chúng em mỗi đứa một chiếc nhé" và cười giòn tan. Để có được những nụ cười đó là nhờ các thầy cô của làng Hữu Nghị dày công dạy dỗ, hướng dẫn các em, giúp các em thêm yêu đời, quên đi nỗi đau tật nguyền, giảm bớt sự thiểu năng về trí tuệ.

Tâm sự với các em, nhiều người sẽ không khỏi ứa nước mắt. Lẽ ra giờ này vẫn những nụ cười đó, thậm chí vui tươi hơn, các em được vui vẻ sống bên gia đình và người thân. Cô giáo Bùi Thị Thu Hà, người có 11 năm công tác tại Làng Hữu nghị tâm sự: "Do hậu quả của chiến tranh để lại, các em là những người gánh chịu hậu quả khắc nghiệt này. Nhưng dù sao các em vẫn được chăm sóc tận tình chu đáo, bởi chúng tôi thật sự là người giàu tình yêu thương, sẵn sàng chắp cánh ước mơ cho các em. Và nhiều em đã học tập rất tốt, phát huy năng khiếu, hòa nhập với cộng đồng".

Nụ cười hồn nhiên.

Gặp lớp học thêu, hiện có 10 em thì đến 6 em đã thêu tranh rất tốt. Điển hình là các em Nguyễn Văn Thành, Đặng Bá Ái, Chung Thị Thanh Bình. Nhiều em khi được tiếp nhận, chưa từng biết đến đường kim mũi chỉ. Nay các em đã có thể thêu những bức tranh phong cảnh đẹp, dành bán cho những du khách đến Làng Hữu nghị.

"Em sẽ cố gắng học giỏi, thêu tốt để sau này có thể sống được bằng chính sức lao động của mình". Đó là lời tâm sự của em Chung Thị Thanh Bình, người thêu giỏi nhất trong lớp học thêu của làng.

Bình sinh ra trong một gia đình 5 anh chị em thì cả 5 đều nhiễm chất độc da cam từ bố. Bình là người nặng nhất. Nếu không nhiễm chất độc da cam, cơ thể không teo tóp lại thì có lẽ em đã là một thiếu nữ xinh đẹp, với đôi bàn tay khéo léo, em đã có thể có chồng, hoặc đang độ tuổi học đại học.

"Ông trời bắt tội, khiến cho cả 5 anh chị em chúng em đều phải chịu thiệt thòi. Nhưng em quyết không chịu đầu hàng số phận" - em Bình tâm sự. Bình là một cô gái khéo léo, chịu thương chịu khó. Trong 3 ngày cần mẫn, em có thể thêu xong bức tranh đẹp, trị giá 300 nghìn đồng. Em là niềm hy vọng của Làng Hữu nghị, là tấm gương cho những bạn khác noi theo. Em Bình kể rằng, cũng tại lớp học thêu này, đã có nhiều anh chị học giỏi, ra ngoài xã hội làm nghề.

Bình nói: "Một là anh Ngô Văn Sơn, quê ở Thường Tín. Học xong, anh ấy về thêu cùng gia đình. Hai là anh Đặng Huy Đông, anh về xưởng thêu ở Bắc Giang làm việc…".

Một tấm gương khác mà nhiều thầy cô và học trò rất mến mộ, là em Ngô Hải Mai, học lớp cắt may, quê ở Bắc Giang bị bệnh xương thủy tinh. Em được tiếp nhận vào năm 2012. Tuy Mai là người chỉ được học hết lớp 4 và tự học, nhưng em đã chứng tỏ khát vọng và nghị lực sống phi thường. Mai chẳng những hát hay, dẫn chương trình tốt, cắt may giỏi, mà em học tiếng Anh, tiếng Đức cũng rất tốt.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hà tâm sự: "Em Mai đã xin ra ngoài, đi học thêm thiết kế thời trang và tới đây, em ấy sẽ mở một tiệm cắt may của riêng mình. Em ấy thật sự là tấm gương truyền nghị lực sống, nụ cười cho nhiều em thiệt thòi khác".

Những đường thêu đầy ước mơ của các em nhỏ.

Nơi hội tụ những tấm lòng

Làng Hữu Nghị cách Hà Nội chưa đầy 20 km, ở đó có những người cựu chiến binh (CCB) và con em họ đang phải từng ngày vật lộn với di chứng chất độc da cam, hậu quả của chiến tranh. Làng được khởi xướng xây dựng từ năm 1991, nhưng đến đầu tháng 3 năm 1998 mới chính thức khai trương và đón các thành viên đầu tiên.

Làng Hữu Nghị gắn bó với tên tuổi một cựu chiến binh Mỹ tên là George Mizo. Ông từng tham chiến ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Trở lại thăm chiến trường xưa, ông đã khóc khi thấy những nạn nhân chất độc da cam phải sống khổ cực và đau đớn do hậu quả của di chứng chiến tranh để lại.

Trở về Mỹ, ông đã vận động những nhà hảo tâm quyên góp tiền bạc và dành dụm tiền kiếm được sang Việt Nam xây dựng làng Hữu Nghị. Ông George Mizo được cử làm Chủ tịch Ủy ban xây dựng Làng Hữu nghị. Ông qua đời năm 2003.

Hiện nay tại làng Hữu Nghị có một khu trường học mang tên cựu chiến binh Joomizo. Ông Đinh Văn Tuyên - Giám đốc làng Hữu Nghị cho biết: "Từ năm 1998 đến nay, làng đã tiếp nhận hơn 2000 lượt cựu binh và hơn 600 lượt trẻ em nạn nhân chất độc da cam về chăm sóc. Có lẽ ở Việt Nam, đây là địa chỉ duy nhất tồn tại bằng nhiều nguồn đóng góp. 60% trong số này là đóng góp của các cựu binh năm nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức".

Mục tiêu của làng Hữu nghị Việt Nam là chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp các em nhiễm chất độc da cam, những cựu chiến binh (CCB). Làng cũng đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và CCB nhằm tạo điều kiện cho họ có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Tại đây, các em nhỏ được chăm sóc nuôi dạy theo các phương pháp khoa học nên sức khoẻ ngày một ổn định, những đối tượng có khả năng học nghề và học văn hoá được Làng gửi đi học tại các trường đào tạo và các trung tâm dạy nghề. Hàng năm có khoảng 1.000 khách nước ngoài từ 60 nước trên thế giới đến thăm, tổ chức văn nghệ, tổ chức Tết, Tết Trung thu… trao quà và động viên các em.

Làng Hữu Nghị đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của tình người và lòng nhân ái, của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các thế hệ cha anh tham gia các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước.

Các em nhỏ được dạy làm hoa lụa.

Tại làng, nhiều em bị bại não, cơ thể co cứng đặt đâu nằm đấy, không thể tự xúc ăn. Các em được phục hồi chức năng và luyện tập. Sau một thời gian luyện tập, điều trị, các em đã tự cầm thìa xúc cơm vẽ được những bức tranh đơn giản. Có em hai bàn chân bị quặt ngược lại phía sau. Sau thời gian phẫu thuật chỉnh hình và qua luyện tập phục hồi chức năng đã đi lại được bình thường. Những kết quả đó thể hiện sự cố gắng không biết mệt mỏi của những cán bộ làm công tác chữa trị, điều dưỡng. Với những thành tích đã đạt được, năm 2008, làng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Để nụ cười tỏa sáng

Tôi được cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải dẫn đi tất cả các phòng học, từ phòng đặc biệt nhất cho đến phòng học làm hoa lụa. Gặp từ những em chưa bao giờ nhớ được tên mình, đến những em thành thạo việc cắt may.

Tôi biết rằng, sự thiệt thòi mà các em phải chịu lớn lao biết nhường nào. Dù không muốn nói ra nỗi phiền muộn của mình, nhưng rất nhiều em khao khát được làm người bình thường. Nhưng không thể được, các em không chọn được gia đình mình sinh ra. Nỗi day dứt sẽ đeo bám nhiều em đến hết cuộc đời. Bù lại, các em có một gia đình trong Làng Hữu nghị, nơi tìm lại những nụ cười, nơi làm ấm lại tâm hồn trẻ thơ.

Bước vào phòng học cắt may, cả thảy 8 em đang tất bật vừa cắt vừa  may những tấm áo mới. Đây là công việc thường ngày của các em, vì các em được đào tạo chuyên nghiệp, để may đồng phục cho học sinh và CCB của Làng. Các em đảm nhận nhiệm vụ, cắt may cho một học sinh 2 bộ/năm.

Mỗi năm có vài trăm CCB đến điều dưỡng ở Làng và mỗi người được nhận một bộ. Khi nhận áo, tất cả đều vui mừng và ghi nhận công lao của những em nhỏ. Tôi biết rằng, khi các em nhỏ nhận áo mới, cũng là lúc các em vui hơn trong tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Vào các dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, các em đều nhận được thêm nhiều niềm vui, từ những tình cảm dạt dào của khách trong nước và quốc tế, các tình nguyện viên. Anh Nguyễn Khắc Mão - tình nguyện viên CLB Tình nguyện Việt Nam chia sẻ: "Các em rất quấn quýt, thân thiện. Cái gần gũi của những đứa trẻ ở đây có chút gì đó ngây ngô khiến tôi xúc động. Chúng tôi đến đây từ sớm để giúp các em nhổ cỏ trồng cây, làm vườn, xong việc thì trò chuyện và chơi đùa với các em. Lời ca, tiếng hát và tình yêu thương sẽ làm các em quên đi nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần".

Năm nay Làng Hữu nghị dự kiến sẽ tổ chức Tết Trung thu vui vẻ vào sát đêm Rằm, với sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái. Sinh viên trường Đại học Công nghiệp sẽ làm tình nguyện, giúp hoạt động diễn ra vui tươi, sôi nổi. Giám đốc Làng Hữu nghị Đinh Văn Tuyên cho biết, tổ chức Tết Trung thu cũng là dịp để ghi nhận, động viên những nỗ lực, cố gắng của các em nhỏ, giúp các em thêm trải nghiệm, hòa nhập và tiếp tục sống làm người có ích.

Hải Miên
.
.
.