Những bảo tàng... thất bại nhưng lại thành công rực rỡ

Thứ Năm, 18/01/2018, 17:03
Hai bảo tàng “Tình tan” (Museum of Broken Relationships) ở Croatia và Mỹ. Hai bảo tàng này trưng bày hiện vật của những câu chuyện tình cảm thất bại, nhưng lại vô cùng thành công khi nhận được sự đón nhận, viếng thăm của nhiều lượt du khách.


1. Hiện vật được trưng bày tại đây toàn là những đồ mà người khác không muốn lưu giữ. Đó là những người từng trải qua mối tình tan vỡ, họ không muốn lưu giữ lại những kỷ vật gợi nhiều kỷ niệm và đem tặng cho bảo tàng kèm theo vài lời giới thiệu để mọi người ít nhiều hiểu được ý nghĩa của món đồ được quyên tặng và trưng bày, cũng như câu chuyện đi kèm với chúng.

Đến với viện bảo tàng tình tan, người ta sẽ bắt gặp nhiều trạng thái cảm xúc sau khi một người bước ra khỏi một mối quan hệ gắn bó: buồn có, vui có, và có cả sự hài hước, phấn khích ở những món quà...  

Qua từng câu chuyện gắn với những đồ vật được trưng bày mọi người sẽ có được những trải nghiệm thú vị, và còn có thể thấy câu chuyện của chính mình trong đó - niềm hạnh phúc hay những nỗi đau đớn không phân biệt tầng lớp, văn hóa, sắc tộc.

Bảo tàng Museum of Broken Relationships.

Viện bảo tàng tình tan đầu tiên xuất hiện trên thế giới cách đây một thập kỷ, ban đầu nó chỉ đơn thuần là một ý tưởng sắp đặt nghệ thuật được nhà làm phim Olinka Vištica và nhà điêu khắc Drazen Grubisic mở ra tại thủ đô Zagreb, Croatia, sau khi cuộc tình 4 năm của họ tan vỡ. Đến năm 2010, dù không còn chung nhà nhưng họ đã dựng lên một viện bảo tàng tại Zagreb. 

Hiện bảo tàng này còn trưng bày một hiện vật mang tính ẩn dụ, đó là chiếc rìu có tên “Chặt phăng quá khứ”. Mỗi năm có khoảng 40.000 du khách ghé thăm viện bảo tàng độc đáo này. Năm 2011, bảo tàng còn giành được danh hiệu “Sáng tạo nhất” tại Giải thưởng Bảo tàng châu Âu.

Ngoài bảo tàng tình tan ở Croatia, năm 2016 có thêm một viện bảo tàng tình tan nữa được mở ra ở Los Angeles, Mỹ. Song những câu chuyện được chia sẻ tại đây đã được mở rộng hơn, không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, mà đó có thể là những món đồ kỷ niệm gợi nhớ lại một tình bạn, hoặc tình thân đã từng bền chặt nhưng cuối cùng vì một lý do nào đó bị “sứt mẻ”, tan vỡ.

Có một tiêu chí duy nhất mà những người muốn gửi hiện vật cho viện bảo tàng phải tuân thủ, đó là không được mang những nội dung xúc phạm, gây tổn thương hoặc hé lộ thông tin cá nhân của người trong cuộc.

2. Bảo tàng Thất bại (Museum of Failure Innovation), nằm tại thành phố Helsinborg, Thụy Điển. Các hiện vật được trưng bày tại đây đều là những đồ vật được sản xuất ra nhưng không thể đưa ra thị trường, hay các phát minh chưa từng được ứng dụng, thậm chí còn bị cho là... thảm họa.

Bảo tàng Museum of Failure Innovation.

Tại Bảo tàng Thất bại du khách có thể bắt gặp mọi thứ từ đồ uống cho tới các loại đồ chơi công nghệ, phương tiện giao thông... Chẳng hạn như thương hiệu thức uống nổi tiếng Coca Cola cũng có sản phẩm trưng bày tại đây, đó là Coca Cola Blak - một sản phẩm kết hợp giữa Coca và cà phê. 

Sản phẩm này thậm chí chưa từng được bày bán vì quá dở. Hay như chiếc mặt nạ có tính năng căng da mặt nhưng lại bằng phương thức sử dụng điện. Chẳng có ai dám sử dụng chiếc mặt nạ này vì có vẻ như nó khá nguy hiểm. Thế là nó có cơ hội có mặt tại bảo tàng thất bại.

Các cụ ta có câu “Thất bại là mẹ của thành công”, có lẽ việc lưu lại các phát minh thất bại như bài học cho việc phát triển thương hiệu và sản phẩm!

Tiến sĩ Samuel West -  Người sáng lập Bảo tàng Thất bại ở Helsinborg, Thụy Điển, cho biết: “Nó thực sự cần thiết để người ta có thể nhìn lại chính mình. Ngắm nhìn những thứ đã rơi vào quên lãng, họ sẽ có thêm động lực để cải tiến công nghệ hoặc thay đổi bản thân để ngày một hoàn thiện”.

3. Museum of Bad Art – Bảo tàng các tác phẩm mỹ thuật xấu xí

Bảo tàng này được nhà buôn đồ cổ Scott Wilson thành lập vào năm 1994, khi ông nhìn thấy bức tranh vẽ người phụ nữ nhảy múa ở cánh đồng bị vứt bên cạnh thùng rác khi đi dạo phố. Ban đầu ông dùng ngay tầng hầm của nhà bạn mình, ông bà Reilly, để làm bảo tàng. Thế nhưng sau một thời gian, khi có quá nhiều tranh được nhặt nhạnh và đóng góp từ khắp các bạn bè thì căn hầm chật chội trên không còn đủ chỗ nữa. 

Năm 1995, bảo tàng chuyển đến trụ sở mới là tầng hầm một rạp hát cũ ở Dedham. Vì ở dưới hầm nên giờ mở cửa phụ thuộc vào rạp hát bên trên, khi nào rạp có vở diễn thì bảo tàng mới mở cửa, khách có vé xem hát được miễn phí vé vào cửa. Bị động như thế nên bảo tàng không có giờ mở cửa cố định mà chỉ tổ chức các tour tham quan được đặt trước.

Bảo tàng Museum of Bad Art.

Hiện bảo tàng này không chỉ có website riêng mà còn thu thập được 600 mẫu vật bày ở 3 địa điểm cố định tại bang Massachusetts, Mỹ. Và hầu hết các tác phẩm tại đây đều được tặng hoặc tìm thấy ở bãi rác. Nhiều người tới thăm quan bảo tàng cho biết:  “Những bức tranh này gây cảm giác cực kì khó chịu nhưng lại không làm sao rời mắt được chúng”.

Các nhà phê bình cho rằng bảo tàng này là sự nhạo báng nghệ thuật. Tuy nhiên chủ nhân của bảo tàng lại cho rằng thất bại cũng là một bước quan trọng trong quá trình sáng tác nghệ thuật.

Trần Đức Tân
.
.
.