Nhu cầu ba lô chống đạn cho học sinh tăng cao ở Mỹ

Thứ Tư, 14/08/2019, 18:04
Trong một xã hội được cho là khá nguy hiểm như ở Mỹ, ngày càng nhiều công ty cung cấp ba lô chống đạn cho học sinh và tiếp thị sản phẩm với các bậc cha mẹ đang cố hết sức bảo vệ con cái họ khỏi các tay súng điên rồ.


Trước năm thứ nhất Đại học Connecticut, J.T. Lewis nhận được một món quà bất thường từ mẹ: Một chiếc ba lô chống đạn. Lewis xuất thân từ một gia đình tan vỡ vì bạo lực súng đạn: Em trai anh, Jesse, đã bị giết trong vụ xả súng năm 2012 tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown bang Connecticut. Lewis cho biết khi nhận được chiếc ba lô màu xám đen từ mẹ, anh hiểu ngay ra vấn đề.

Bây giờ Lewis luôn đeo chiếc ba lô chống đạn trong khuôn viên trường vì điều đó khiến anh cảm thấy an toàn hơn, cho dù khi điều đó có nghĩa là phải đổ mồ hôi nhiều hơn một chút do tải trọng cồng kềnh. Lewis nói: “Tôi không biết chiếc ba lô chống đạn có tác dụng hay không? Nhưng tôi có thể bị bắn từ phía sau”.

Thử nghiệm ba lô chống đạn.

Khi các vụ xả súng hàng loạt trở thành một thực tế bi thảm trong xã hội ở Mỹ - tại các trường học, cửa hàng, rạp chiếu phim và nhà riêng - không chỉ các gia đình đầu tư vào thiết bị bảo vệ cho con cái. 

Trong một xã hội được cho là khá nguy hiểm như ở Mỹ, ngày càng nhiều công ty cung cấp ba lô chống đạn cho học sinh và tiếp thị sản phẩm với các bậc cha mẹ đang cố hết sức bảo vệ con cái họ khỏi các tay súng điên rồ. Cameron Volsky, Giám đốc Guns Down America - một nhóm ủng hộ kiểm soát súng, bình luận: “Tâm lý của các bậc cha mẹ ở Mỹ hiện nay là bất an thấy rõ. Thị trường đang cố gắng giải quyết một vấn đề mà các chính trị gia của chúng ta đã từ chối giải quyết”.

Nhu cầu về ba lô học sinh chống đạn tăng mạnh sau vụ nổ súng tại một trường trung học ở Parkland thuộc bang Florida vào tháng 2-2018. Khi mùa tựu trường đến gần, vụ xả súng vừa qua ở El Paso bang Texas và Dayton bagn Ohio đã khiến các bậc phụ huynh chú ý đến loại sản phẩm ba lô chống đạn. Trước đây, một số cửa hàng đã bán hết ba lô, thường có giá từ 100 đến 200 USD. 

Nhiều tháng trước vụ nổ súng ở Parkland, một trường Thiên chúa giáo tư nhân ở Miami đã bán các tấm bảo vệ chống đạn có thể nhét vào ba lô với giá 120 USD. Năm 2019, ArmorMe - một công ty bảo vệ cá nhân được điều hành bởi một cựu chỉ huy người Israel tên là Gabi Siboni - bắt đầu bán sản phẩm ba lô chống đạn có thể mở bung ra thành một vỏ bọc lớn hơn. Siboni quản cáo: “Trước hết, ba lô được thiết kế rất phong cách và đẹp mắt. Và nó có các tấm bảo vệ bạn chống lại đạn một cách hiệu quả. Ba lô sẽ tăng cơ hội sống sót của bạn”.

Một công ty khác tên là Guard Dog Security giới thiệu ba lô chống đạn kể từ sau vụ xả súng ở Sandy Hook. Các sản phẩm có bán tại Office Max, Office Depot và Kmart; và công ty còn phát hành một mô hình có giá dưới 100 USD. Yasir Sheikh, Giám đốc điều hành Guard Dog, cho biết: “Đây có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết”.

Ba lô chống đạn của ArmorMe.

Trước đây, các công ty đã bị chỉ trích vì tuyên bố không đúng sự thật rằng ba lô “bọc thép” của họ đã được chứng nhận bởi Viện Tư pháp Quốc gia (NIJ), cơ quan giám sát sản phẩm áo giáp chống đạn được sử dụng bởi các cơ quan thực thi pháp luật. Mollie Timmons, người phát ngôn của bộ phận cho biết, cơ quan này - một phần của Bộ Tư pháp Mỹ - không hề cấp giấy chứng nhận, hoặc thậm chí thử nghiệm ba lô chống đạn sành cho học sinh và cũng không có kế hoạch để làm điều đó. 

Tuy nhiên, ông Sheikh nhận định ba lô chống đạn của Guard Dog được thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn của NIJ đối với áo giáp có khả năng chống đạn bắn ra từ súng ngắn và súng săn. Những chiếc ba lô được thử nghiệm tại một cơ sở ở bang Oregon. 

Nhưng Sheikh thừa nhận rằng những chiếc ba lô kém hiệu quả hơn trong việc chống đạn từ những vũ khí bán tự động mạnh mẽ, giống như vũ khí mà tội phạm sử dụng tại Sandy Hook. Và những người ủng hộ kiểm soát súng nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy ba lô bọc thép, dù được kiểm tra cẩn thận, sẽ bảo đảm giữ an toàn cho trẻ em trong một vụ nổ súng. 

Shannon Watts, người sáng lập tổ chức kiểm soát súng Moms Request Action for Gun Sense ở Mỹ, cho biết: “Chúng tôi mong muốn trẻ em dũng cảm chống lại các tay súng bởi vì các nhà làm luật ở Mỹ rất sợ phải chống lại thế lực vận động hành lang ủng hộ súng. Đây là nỗi kinh hoàng. Các công ty này đang tận dụng điều đó”. 

Siboni, Giám đốc điều hành ArmorMe, nói rằng thật không công bằng khi cáo buộc công ty của ông khai thác nỗi sợ quốc gia về bạo lực súng đạn để kiếm lợi nhuận. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ đáp ứng nhu cầu”.

Trong một số bài đăng trên Twitter gần đây, nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris bang California - một ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ - đã giơ cao ba lô chống đạn như một biểu tượng cho vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ. 

Celeste Green, một sinh viên năm cuối Đại học Charleston ở Nam Carolina, cho rằng những chiếc ba lô có thể được xem là biện pháp đề phòng cần thiết. Khi nhìn thấy tin tức về vụ nổ súng ở El Paso, Green nghĩ về em gái mình đang bắt đầu học trung học. Green đã gửi cho mẹ cô một vài video và siêu liên kết với thông tin về ba lô chống đạn. 

Duy Minh
.
.
.