Nhọc nhằn những người đàn bà đi biển

Thứ Hai, 15/05/2017, 15:36
Ở miền ruộng, cảnh phụ nữ làm những công việc nặng nhọc như cày, bừa có nhưng ít, thậm chí hiếm! Khi người chồng không may qua đời, hoặc vì một lý do nào đó, người vợ trở thành trụ cột gia đình, họ thường thuê mướn cánh đàn ông làm giúp, hoặc đổi bằng công cấy, làm cỏ lúa.


Còn ở miền biển thì sao? Tôi về vùng biển Cửa Việt và Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị, hỏi kế mưu sinh của những phụ nữ vất vả, kém may, được họ trải lòng với những điều ít ai biết.

Ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ của bà Bùi Thị Tình, 63 tuổi, ở cuối khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, trên một trảng cát bạc màu. Con hẻm vào nhà bà Tình rộng chỉ 3 đến 4 gang tay người lớn.

Khi tôi đến, bà Tình đang ngồi bệt ở một góc sân, đôi bàn tay chai sần, đen sạm vì nắng gió, nước biển, với cây dao thoăn thoắt cắt bỏ lớp lưới đã cũ nát đính xung quanh những cái khuôn sắt hình chữ nhật dùng để rập cua (bẫy bắt cua), để đính lưới mới vào.

Bà Quýt ở thị trấn Cửa Việt đang đẩy thuyền giúp ngư bạn ra khơi.

Hỏi chuyện đi biển, bà Tình trầm ngâm cho biết: "Tui biết nghề biển từ lúc còn nhỏ do ba tui dạy lại. Nhưng sau khi lấy chồng vào khoảng 18 tuổi, thì tui nghỉ ở nhà nuôi con. Đến năm khoảng 30 tuổi, con đông, là 6 đứa cả trai lẫn gái, một mình ông nó chèo chống không nổi, nên tui đã cùng với ông nó ra biển; từ đó cho đến cách đây hơn 1 năm thì tạm nghỉ".

Tôi nói với bà Tình, bây giờ già cả, sức yếu nên ở nhà để con cái chăm nuôi. Nhưng khuôn mặt bà bỗng đượm buồn, nước mắt chảy ròng ròng.

"Bây giờ con cái đã trưởng thành, 4 con gái thì 3 đứa đã đi lấy chồng, con trai đứa dạy học ở trường huyện, đứa đang học tiếng nước ngoài để đi xuất khẩu lao động. Việc đi biển không còn cấp bách, hối thúc như trước nữa, nhưng tui nhớ biển lắm, nhất là từ sau khi ông nó mất". "Từ đó đến nay, ngày mô mà tui chẳng bắt mặt nhìn ra biển. Dự định rồi cũng phải đi lại thôi chú nờ", bà Tình trải lòng, cho biết thêm.

Được biết, cách đây hơn 1 năm, chồng bà Tình đang mạnh khỏe, bỗng bệnh nặng phải nhập viện, rồi phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Bà Tình cùng các con đã chạy chữa cho chồng cho cha khắp nơi, nhưng được hơn 1 năm thì ông ấy mất.

Bà Tình ngày ngày mặc dù có con cháu ở cùng, nhưng bà vẫn quay quắt với nỗi nhớ chồng, nhớ biển. "Tui đã cùng với ông ấy suốt hơn 30 năm gắn bó với biển, đủ mọi sướng khổ, vui buồn, thậm chí không ít lần vợ chồng tưởng đã phải bỏ mạng giữa biển khơi vì sóng to gió lớn, nhưng rồi cũng trụ được, vượt qua. Vậy mà bệnh tật đã cướp mất ông ấy", bà Tình lại khóc, với bà thật khó dứt được những kỷ niệm xưa cũ với chồng, với biển cả luôn như nhà cửa của mình.

Bà Tình đang ngồi cắt bỏ lưới cũ rập cua để làm mới lại ngư cụ.

Bà Trần Thị Dạ kém bà Tình 1 tuổi, nhà ở xã bên (Gio Hải), cách nơi ở bà Tình không xa, chỉ vài trăm bước chân. Con gái bà Dạ, chị Trần Thị Thảo, 30 tuổi, bảo tôi may mắn vì hôm nay bà có nhà mà không đi biển.

"Mấy hôm nay, mẹ em bỗng nhức đầu, chóng mặt, đứng lên ngồi xuống khó khăn. Em động viên mẹ nghỉ ngơi, lên bệnh viện tỉnh khám xem bệnh tình thế nào, song mẹ không chịu, lại bảo rằng tuổi về già ai mà chẳng có lúc như vậy!", chị Thảo cho biết.

Nghe con bảo với khách, bà Dạ nói xen vào: "Chừ không đi biển mấy ngày cũng chẳng chết đói, nhưng nhớ biển lắm chú à!". Rồi bà lấy ghế ngồi trò chuyện, đôi mắt luôn nhìn về phía biển.

"Sau khi ba nó không may lâm bệnh nặng, qua đời, nó lúc đó còn nằm trong bào thai với hơn 7 tháng, tui đã từng ngồi đây hàng giờ chỉ để nhìn bọt biển. Rồi chợt ngẫm ra một điều, ngay cả khi bọt biển bị sóng gió dập vỡ tung, thì nó vẫn là niềm vui cho mặt sóng, cho biển cả mênh mông. Khi cuộc sống của mình không may mỏng manh, dễ vỡ như bọt biển ấy, thì mình cũng nhất định phải ráng làm điều có ích cho người thân, nhất là với con cái chúng luôn cần hơi ấm, sự chở che của đấng sinh thành. Nhận ra điều đó, tui bỏ hết mọi suy nghĩ tiêu cực trong đầu, gượng dậy, vượt qua nỗi đau, sống mạnh mẽ vì các con mình".

"Vậy là sau đó chị đã quyết định đi biển để mưu sinh?", tôi hỏi bà Dạ. "Khi con Thảo tròn 1 tuổi, tui sang nhà hàng xóm, hỏi dò, muốn được đi biển. Nhưng bà con thấy tui gầy gò, xanh xao, với lại phụ nữ, việc đi biển chưa có tiền lệ, nên ai cũng tìm cách từ chối khéo, khuyên tui làm nghề bán buôn cho phù hợp với điều kiện của mình. Nhưng tui đã không bỏ cuộc. Ngày tui và đứa con lớn nổ máy con thuyền ra khơi, ai nhìn vào cũng ái ngại", bà Dạ trầm ngâm nhớ lại.

"Thế rồi thời gian trôi đi thật nhanh, ngoảnh lại đầu mình đã hai thứ tóc, hai đứa con lớn cũng đã đi lấy chồng. Hai con rể của tui đều làm nghề biển, hai con gái thì ở nhà lo chuyện bếp núc, nội trợ, với kinh tế không khá giả lắm, nhưng chúng sống với nhau bao năm qua rất hạnh phúc. Còn con Thảo, tuần trước, nhà chồng đã đi lễ hỏi, đến giữa tháng 5 ni thì cưới. Tui nhìn vào con vào cháu mà mừng, cảm giác đời mình không may có chồng mất sớm, nhưng giờ đây cũng đã viên mãn lắm rồi!".

Ra biển, chị phải xoay xở thế nào khi một mình vừa phải lái thuyền vừa buông lưới? "Cái đó thì tui không lo, vì nghề biển và kinh nghiệm học được từ ba tui qua nhiều năm nên tui rất khéo. Hơn nữa, mình đánh bắt gần bờ và trung bờ, chỉ đi sáng tối về nên không ngại sóng gió, cũng như sức khỏe".

Ra khơi chị thường đánh bắt gì? "Tui làm nghề chủ yếu lưới rê, đánh những con cá hố, cá nục, rồi câu mực các loại. Nói chung tùy theo từng mùa, ngọn nước mà mình có thể đánh bắt được con gì. Bên cạnh kinh nghiệm nhìn luồng nước đoán loại cá, hay nhìn mặt sóng và vùng trời để chọn ngư trường, người làm nghề biển còn có những linh cảm riêng đặc biệt, giống như ông trời ban cho mình vậy, mà người làm nghề khác không có được", bà Dạ cho hay.

Ở biển Cửa Việt và Gio Hải, huyện Gio Linh, trường hợp như bà Tình, bà Dạ không phải là hiếm. Bà Trần Thị Quy, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, nay cũng đã 63 tuổi, nhưng nghỉ biển cách đây cũng chỉ mới 2 năm.

Hỏi duyên nợ đến với nghề biển, bà Quy bảo rằng, chuyện dài lắm, nhưng nôm na có những việc trên đời, khi mình muốn thì khó đạt được, khi không muốn nó lại tự tìm đến, gắn chặt vào mình, như phận số mình bắt buộc phải gánh vác nó vậy! Rồi bà bỗng trầm ngâm, trải lòng về cuộc đời, nó đúng như câu nói của bà đã chiêm nghiệm, rút ra, như một triết lý cho riêng bà và người khác.

"Năm 20 tuổi, tui lấy chồng làng bên, chồng theo nghề biển truyền thống. Ba tui bảo, số con may, lấy được tấm chồng lo làm ăn, thương vợ con. Rồi ông khuyên tui ở nhà lo việc bếp núc, nội trợ cho chồng, không nên đi biển mặc dù từ nhỏ đã theo ông suốt nhiều ngày lênh đênh trên sóng nước, không thua kém gì cánh đàn ông. Nhưng tui lúc đó thực tình không mấy thuận theo lời ông bảo, bởi mình đã gắn bó với biển từ lâu trở nên yêu nó như máu thịt mình vậy. Hơn nữa, tui muốn theo chồng nhằm khi sóng to gió lớn, có thêm người ở bên phụ giúp. Nhưng chồng tui cũng bảo như ba tui, nên tui đành phải ở nhà, lo việc nội trợ. Về sau, tui sinh con, rồi công việc ở nhà trở nên bận rộn hơn, nhưng rất vui, nhất là tâm trạng được đợi chờ, ra bờ biển đón chồng sau mỗi chuyến ra khơi trở vào. Vậy mà ông trời chẳng cho tui giữ niềm hạnh phúc ấy được lâu. Ba nó một hôm ra biển trở về, bỗng ngã bệnh rồi mất đột ngột".

Bà Quy quệt nước mắt nhớ lại quãng thời gian vất vả, một mình bươn chải giữa trùng khơi, đánh bắt con cá con tôm, nuôi con khôn lớn: "Chồng mất khi khói nhang chưa nguội, thì ba tui cũng đổ bệnh nặng rồi qua đời. Thân con gái, với con nhỏ biết phải làm gì để sinh sống, để lo cho con ngày 2 bữa cơm mặn nhạt. Mẹ tui lúc đó bảo, cứ để cháu cho bà, ra chợ kiếm gì bán buôn nuôi thân và lo cho con, chứ mẹ già rồi cũng không giúp gì được. Tui nhìn mẹ với tấm lưng như gập hẳn xuống, những nếp nhăn trên da thịt vì tuổi tác, cộng với nỗi đau mất mát chồng con làm nó co kéo lại, trở nên rúm ró, sạm đen đến tội nghiệp. Nhưng tui cũng không thực hiện được lời khuyên của mẹ, bởi biết rằng mình không có khiếu bán buôn. Vậy là tui quyết định đi biển trở lại từ những tháng ngày buồn bã đó cho đến cách đây gần 2 năm thì nghỉ hẳn".

Bà Trần Thị Quýt, tuổi cũng đã ngoài lục tuần, ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, có  số phận may mắn hơn bà Dạ, bà Tình, bà Quy, song cũng đã 30 năm nay, ngày nào cũng theo chồng ra biển để đánh bắt cá tôm, nuôi các con ăn học, trưởng thành.

Hỏi chuyện đi biển, bà cười hiền, kể lại rằng: "Chuyện đàn bà đi biển, lúc đầu tui và ông nó cãi nhau dữ lắm. Lúc đó, ông nó bảo, từ xa xưa, ông cha làm nghề biển đã đúc rút kinh nghiệm đàn bà không được lên thuyền. Bởi lên thuyền sẽ rất xui, khi ra khơi đánh bắt thủy sản, cá tôm sẽ như được báo trước, bỏ đi nơi khác, thuyền bè vì vậy bao giờ cũng về không. Việc lên thuyền còn không được, chừ mạ mi còn đòi đi biển là răng? Xưa nay, có ai bước qua được "lời nguyền" đó đâu, mà chừ mạ mi đòi làm thế? Tui không nói không rằng, chờ khi ông ấy nổ máy, tui leo lên thuyền, với suy nghĩ không bao giờ xảy ra những chuyện nhảm nhí như vậy. Rồi hôm đó, con thuyền của vợ chồng tui cũng  trở về với đầy ắp cá tôm...".

Ngư dân Cửa Việt đang chuẩn bị lại tàu thuyền, ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi.

Nghe vợ kể, ông Hoàng Sỹ Tiến thỉnh thoảng liếc mắt sang phía vợ, bảo: "Thì mạ mi không ưng (muốn) sướng lại ưng khổ!"…

Tôi đem câu chuyện những người đàn bà đi biển kể cho ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị. Ông Hòe chăm chú lắng nghe, gật đầu đồng cảm với những khổ cực của họ, và cho biết thêm, ông cũng đã từng chứng kiến, tìm hiểu hoàn cảnh của không ít gia đình như vậy, ở những vùng biển bãi ngang của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Những năm qua, không chỉ Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và bà con nhân dân địa phương đã hết mực quan tâm, giúp đỡ họ, mà riêng ngành nông nghiệp cũng đã có những việc làm thiết thực, như kêu gọi hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để những trường hợp phụ nữ là trụ cột của gia đình, có thêm điều kiện vượt khó, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống bền vững.

Phan Thanh Bình
.
.
.