Người kể chuyện Mường

Thứ Hai, 05/01/2015, 21:30
Nói đến Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Thực năm nay 78 tuổi, ai cũng kể lắm chuyện lạ. Ông ở xóm Chăm, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, nhưng thực ra nhà ông ở ngay mặt đường số 6, ở gần ngã ba đi lên dốc Cun. Nhà nào ở mặt đường quốc lộ đều xây nhà gạch lớn, làm cửa hàng hay cho thuê kinh doanh, riêng nhà ông lại làm nhà sàn. Đó là cái lạ đầu tiên, bởi trên con đường đẻ ra tiền ấy, suốt năm bảy cây số dọc thành phố, ngôi nhà sàn của ông là duy nhất còn lại.

Mê chiêng hơn mê gái

Mới đây tôi có dịp gặp ông, nghe nói các con ông muốn phá ngôi nhà sàn này để xây nhà tầng và có ý tưởng kinh doanh lâu dài. Ông buồn rầu tỏ ra tiếc nuối và nói với tôi chụp giúp một số ảnh ngôi nhà sàn này để làm kỷ niệm. Ông còn dặn nhớ chụp cả biển số nhà cũ đã gắn với ngôi nhà gỗ này mấy chục năm qua. Đó là số nhà 910 đường quốc lộ số 6. Thế rồi ông kể chuyện…

Ông làm cái nhà sàn này để lưu giữ những nề nếp của văn hóa Mường. Hơn thế nữa tại đây ông còn trưng bày bộ nhạc cụ Mường mà ông đã sưu tầm 50 năm qua. Ai cũng cho ông là dại dột khi bỏ hết cả tiền của vào việc nhặt nhạnh những đồ bán cho đồng nát cũng không được mấy đồng. Vậy mà ông đã làm đủ các nghề kiếm tiền cốt chỉ để mua nó về. Ông đi khắp nơi để tìm mua những chiếc chiêng cổ của những người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Có lần ông vượt hàng trăm cây số tận Sơn La để năn nỉ mua một chiếc chiêng đã han rỉ. Gia chủ cứ ngỡ ông gàn tính vì chung quanh bản làng mọi người đem bán đồng nát để lấy tiền mua gạo cứu đói. Có mấy ai muốn giữ chiêng đâu. Vậy mà ông cứ đòi mua cho bằng được. Lại có lần ông vay mượn tiền đi tận Thanh Hóa để lùng một chiếc chiêng cổ. Ông vào tận lò đúc chiêng ở xứ Thanh để dò tìm. Cuối cùng ông cũng vác về cho bằng được chiếc chiêng quý mà đã nửa đời tìm kiếm. Với ông chiếc chiêng đó còn quý hơn cả ngọc vàng châu báu khác.

Khi tôi tò mò hỏi thì ông mang ngay ra chiếc chiêng quý đó cho xem và còn xoa núm chiêng cho tôi nghe tiếng ngân vang của nó. Ông kể, vào năm 2011, kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, ông được cầm trịch cho cả một dàn chiêng 1.500 nghệ nhân, tấu lên những bản nhạc âm vang hùng khí của đất nước. Đôi mắt nghệ nhân sáng lên khi ông bất ngờ hát lên một bài ca Mường có tên là “Mười thương”. Đây có lẽ là bài hát cùng dàn cồng chiêng mà ông đã dùng để hòa tấu khi tổ chức đám cưới cho con gái. Khi ấy nhiều người gàn và muốn thuê một dàn nhạc điện tử về biểu diễn nhưng ông không nghe và cứ nhất quyết dùng đội ca nhạc Mường biểu diễn đón khách. Không ngờ sự khác đời ấy lại làm nên một điều kỳ lạ, tối đó cả xóm Chăm rủ nhau đến nghe dàn cồng chiêng biểu diễn chật kín cả đường. Ông luôn tâm niệm người Mường phải dùng nhạc Mường, bài hát Mường và múa điệu Mường.

Chính vì thế mà đội văn nghệ “Hương rừng Tây Băc” mà ông thành lập đã từng đi khắp nơi để biểu diễn và cũng đoạt nhiều huy chương. Thậm chí ông còn cho phát hành hai video ghi lại chương trình ca nhạc Mường của đội để tung ra thị trường nhằm quảng bá âm nhạc Mường và những bài ca cổ đã được ông sưu tầm và ghi âm lại. Nhìn quanh phòng âm nhạc của ông, tôi thấy có một chiếc loa lớn và một chiếc đàn phong cầm. Ông kể mình cũng đã từng tự học đàn phong cầm, nhưng rồi cuối cùng cái còn lại là chiêng Mường và những cây sáo, cây nhị. Sau đó ông chỉnh lại dây nhị rồi kéo cho tôi nghe một giai điệu Mường rất lạ, réo rắt như đàn chim đang bay đang đùa vui trên ngọn cây. Giọng ông vẫn trong trẻo ngân nga: “Em không hát nhiều thì hát lấy một ít. Không hát hết thì hát lấy môt vài phân. Mai sau lấy chồng xa hay lấy chồng gần. Còn có lúc nhớ lại đêm xuân em đi trẩy hội…”. 

Ông nói mình thuộc nhiều bài hát Mường cổ từ khi còn bé. Ông lấy được vợ đẹp cũng nhờ những bài hát đó. Sau này vợ con cùng theo ông đi hát và biểu diễn khắp mấy Mường trong cả tỉnh Hòa Bình. Ông còn kể từ khi năm tuổi đã được nghe người đẹp nổi tiếng xứ Mường hát những lời về tình yêu…

Chuyện Hoa hậu xứ Mường

Ấy là cô gái đẹp nhất bốn xứ Mường. Ông bồi hồi nhớ lại trong thời Pháp còn cai trị đã từng tổ chức tới 5 cuộc thi Hoa hậu cho người đẹp Mường. Người ta nói những cô gái Mường ở khắp các tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La và kể cả Hà Tây cũ, đều rất đẹp. Đó là những bông hoa rừng thanh tú, nguyên sơ nhưng lại đầy huyền bí. Người Pháp thật kỳ công tìm cho được một Hoa hậu ở xứ Mường này. Cuối cùng một nhan sắc thơ ngây có nét đẹp mơ màng cùng dáng vóc thanh mảnh, cao sang đã xuất hiện và chiếm ngôi Hoa hậu xứ Mường, đó là người đẹp Hà Thị Tẻo, sinh năm 1917 ở Hòa Bình. Bà đã đoạt vương miện vào năm 1933, khi 16 tuổi.

Ông Thực kể lúc đó ông mới năm tuổi. Mọi câu chuyện ly kỳ về Hoa hậu Hà Thị Tẻo mấy năm sau ông vẫn còn nghe người lớn kể lại. Ông đã từng xem ảnh Hoa hậu hồi đó. Cô Tẻo da trắng, mặt mũi thanh tú, dáng dong dỏng cao với eo lưng đúng như các cụ nói dạng thắt đáy lưng ong, dáng đẹp và đầy sức quyến rũ.

Ông lim dim mắt như để nhớ lại những câu chuyện về người đẹp này. Thực ra cô Tẻo đã bị bố bán cho quan Chánh lang tên là Quách Vị, quan đầu tỉnh. Bố cô Tẻo là ông Trung, nghe nói nghiện thuốc phiện nặng đã phải bán con đi từ khi còn bé. Cả ba bốn người con cũng đều bị ông bán để lao vào bàn đèn. Hai người con gái khác cũng rất đẹp nhưng bị bán đi khá xa. Có người sau này còn vào cả Sài Gòn sinh sống. Bị bán đi, cô Tẻo phải lấy họ Quách của bố nuôi nên khi ban tổ chức tuyên bố người đoạt vường miện Hoa hậu là Quách Thị Tèo.

Lại có chuyện sau này chính ông Quách Vị đã đưa con gái nuôi khi đã trở thành Hoa hậu vào Huế để “tiến” vua Bảo Đại. Cuối cùng người đẹp này về lại Hòa Bình, lấy chồng là ông Quách Hàm và có một cuộc sống đầy bi thảm khi thời thế đổi thay. Sau khi chế độ quan làng sụp đổ, gia đình bại hoại, chính bà cũng xa vào vòng nghiện ngập giống như người bố đẻ một thời là nô dịch của nàng tiên nâu.

Có thể nói 5 cuộc thi Hoa hậu xứ Mường là những cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở nước ta do người Pháp tổ chức tại Hòa Bình. Ngày ấy người ta còn tuyên bố cô Tẻo sinh ra để làm Hoa hậu xứ Mường và là Hoa hậu của mọi thời đại. Nhưng lại có một thời người ta khám phá ra cô Tẻo có sắc đẹp dịu dàng, đài các thế chính là nhờ gien của bố cô, một người Việt gốc Hoa hòa với nước da trắng và khuôn mặt trái xoan của mẹ, chính gốc là người Hà Nội theo chồng lên sống ở Hòa Bình. Cuộc đời thăng trầm của người đẹp Hoa hậu xứ Mường này đã trở thành nhiều dị bản biến hóa, tạo nên một chân dung người đẹp miền sơn cước đầy bi kịch. Và nó đã trở thành mạch nguồn cảm xúc cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác, với nhiều thể loại, từ tiểu thuyết đến phim và nhiều giai thoại để lại.

Chuyện về lời chào

Khi tôi đưa cho nghệ nhân Nguyễn Văn Thực xem mấy ảnh chụp về ngôi nhà sàn của ông, hình ông đang đứng bên cửa sổ với chiếc chiêng cổ, nụ cười của lão nghệ nhân rạng rỡ, vì theo ông đây có lẽ là kỷ niệm duy nhất sau này để ông có dịp nhìn lại ngôi nhà sàn Mường mà ông đã sống với nó nửa thế kỷ qua, với bao đêm cồng chiêng và múa hát với gia đình và bạn bè. Tôi đánh tiếng xin về. Ông bất chợt vớ lấy chiếc tù và sừng trâu để thổi lên khúc ca giữ bạn. Phải chăng đó là tiếng lòng người đang ngân nga chào hỏi và như say, như ru tiếng tơ tiếng trúc? Âm thanh vọng từ vách núi hay bay bổng từ cánh rừng dội về. Ông nói âm thanh đó thay cho lời chào của người Mường khi tiễn bạn.

Ông kể phong tục của người Mường mỗi khi gặp nhau là sẵn sàng chắp tay chào từ tốn, lễ phép, kể cả người quen hay người lạ. Đối mặt thì phải mở miệng. Ông nhấn mạnh, lời chào là gan ruột, là tâm thức Mường, lấy cái nghĩa tình làm trọng. Rồi ông diễn giải những lời chào: Chào anh! Ôi thật là xa nhau đã lâu lắm rồi nhỉ? Thế sức khỏe nhà dưới, nhà trên, nhà to, nhà nhỏ bên ấy đều khỏe mạnh cả chứ? Đồng ruộng năm nay có tốt vượt không?”. Sau đó ông nhìn tôi nở một nụ cười rạng rỡ xem tôi như người thân. Rồi ông lại đứng về phía tôi để hát thay tôi khi đến nhà chơi rằng: Xin nhận lời chào anh em lâu ngày cho đỡ nhớ... Tôi cũng như hòa vào lời hát chào vui. Quả thật lúc này, trời buông đám mây chiều, tôi định cất tiếng chào thì để giữ tôi, ông hát: “Ông ra về mà tôi chẳng vội vã cho về. Tôi đốn cây bồ quân ngáng đường, ngăn lối. Tôi chặt cây khế lấp xá. Tôi giả tiếng con lợn rừng hộc lên. Tôi giả tiếng con hoẵng, con nai la lên ầm ỹ. Để ông sợ hãi, đành tâm ở lại cạn đêm, cạn ngày, lụi tháng…”. Ôi đúng là người kể chuyện Mường hay và tình đến cạn lòng. Tôi đành ở lại rượu với ông một đêm bên ngôi nhà sàn sắp bị san phẳng. Vì nỗi buồn ấy mà tôi đã hát cùng ông.

Hạnh An
.
.
.