Ngành “công nghiệp” đẻ thuê trị giá 2 tỷ USD ở Ấn Độ có thể bị phá sản

Thứ Tư, 14/08/2019, 18:17
Các nhà lập pháp Ấn Độ đang nghiên cứu một dự luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng Ấn Độ kết hôn ít nhất 5 năm mà không có con được phép thuê người đẻ.


Tuy nhiên, những người mang thai hộ phải là họ hàng gần của người nhận con, kèm theo các tiêu chí nghiêm ngặt đối với những người mẹ đẻ thuê như di truyền, phòng khám sinh sản, chuyên gia y tế và người hiến trứng hoặc tinh trùng. Nếu dự luật này thành hiện thực thì ngành công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ có thể sẽ chấm dứt.

Nội dung quan trọng nhất của dự luật là cấm mọi trường hợp thương mại hóa việc mang thai hộ. Dự luật quy định tất cả những người phụ nữ đồng ý đẻ thuê phải xuất phát từ tình cảm, không phải vì những lý do tiền bạc hay vật chất. Các cặp vợ chồng muốn nhờ người mang thai hộ cũng cần nộp đơn xin thuê người mang thai hộ và chứng minh bản thân bị vô sinh.

Mặc dù dự luật vẫn chưa được thông qua, nhưng nội dung của nó đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo một bộ phận, đẻ thuê là một chủ đề không phù hợp với đạo đức và quá nhạy cảm để đem ra thảo luận. Đó đơn thuần chỉ là lựa chọn của một cá nhân. Liệu đây có phải là một giao dịch thương mại? Hay xã hội có nên chấp nhận việc đẻ thuê khi có rất nhiều phụ nữ được ủy thác mang thai hộ có nguồn thu nhập đáng kể từ nghề này?

Từ năm 2002, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho phép thương mại hóa việc sử dụng phụ nữ để sinh con. Trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ Ấn Độ sinh con cho người khác ngày càng gia tăng. Những người phụ nữ đẻ thuê sẽ được trả mọi chi phí và nhận được khoản tiền bồi thường lớn. 

Rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài không con đã đổ tới đây với mong ước được làm cha mẹ thông qua một dịch vụ hợp pháp với chi phí phải chăng. Theo ước tính của Liên minh Công nghiệp Ấn Độ, ngành công nghiệp đẻ thuê hiện có doanh thu tới trên 2 tỉ USD mỗi năm.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ kiếm sống bằng nghề đẻ thuê.

Seita Thapa, một phụ nữ làm nghề đẻ thuê cho biết cô đã cho cặp vợ chồng người Australia “thuê tử cung” để thực hiện mơ ước làm cha mẹ. “Tôi đẻ thuê để dành dụm tiền lo cho các con. Tôi cũng muốn giúp những người không thể có con và tự hào đã mang đến cho họ một đứa trẻ dễ thương”. 

Trong quá trình mang thai, Thapa sống cùng với chồng trong một khu căn hộ ở New Delhi được trung tâm thuê, cùng với trên 100 bà mẹ khác, và các con đẻ của Thapa sống ở quê nhà Darjeeling không bao giờ biết mẹ của chúng có bầu. 

Thapa từ chối tiết lộ cô được trả bao nhiêu tiền cho một lần đẻ thuê như vậy, nhưng viện cho biết mỗi bà mẹ đẻ thuê nhận khoảng 6.000 USD trong tổng số 28.000 USD chi phí mà người thuê phải chịu. Dù vậy, con số đó cũng đã tương đương với thu nhập trong cả chục năm trời của một người làm nông nghiệp ở Ấn Độ. Chi phí đẻ thuê tại quốc gia Nam Á này cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, nơi mỗi ca đẻ thuê tốn kém khoảng 160.000 USD.

Tinh thần của dự luật mang thai hộ mới được cho là dựa trên khuôn khổ của Đạo luật cấy ghép nội tạng người năm 1994, theo đó chỉ cho phép hiến tặng nội tạng của người sống hoặc đã chết vì "lòng nhân ái". Những người hiến tặng nội tạng sống có thể được chi trả tiền phẫu thuật và phí y tế nhưng việc hiến tặng là phải xuất phát từ "tình thương".

Việc mang thai hộ xuất phát từ tình cảm sẽ làm giảm áp lực thương mại hóa việc đẻ thuê cho nhiều phụ nữ trong xã hội mang tính bảo thủ như tại một số quốc gia Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi tình trạng bất bình đẳng giới luôn tồn tại. 

Ông Puneet Bedi, bác sĩ sản khoa tại Delhi cho biết: “Trong các gia đình Ấn Độ, phụ nữ thường không muốn nhờ mang thai hộ nhưng họ vẫn buộc phải làm điều đó. Họ không may mắn mắc bệnh vô sinh hoặc bị ung thư. Vô sinh không có nghĩa là cần đẻ thuê. Đẻ thuê trở thành một ngành ở Ấn Độ bởi vì không có quy định kiểm soát. 

Nhiều bệnh nhân còn hỏi tôi rằng có thể giới thiệu người đẻ thuê cho họ hay không. Việc này giống như đến một cửa hàng và yêu cầu một dịch vụ vậy. Không những thế các bác sĩ chuyên khoa ngành đẻ thuê cũng xuất hiện trên các kênh truyền hình, khẳng định việc mang thai hộ là quyền con người. Nhưng đó không phải là quyền, không ai có quyền sử dụng cơ thể của người khác để sinh con thay mình cả.

Tuy nhiên, dự luật đề xuất vấp phải nhiều chỉ trích từ các học giả. Họ cho rằng lệnh cấm thương mại hóa việc mang thai hộ sẽ có thể tạo ra một thị trường chợ đen tương tự như việc buôn bán nội tạng và mại dâm.

Ngọc Trang
.
.
.