Mỹ:

Nhà tù tư nhân - "gà đẻ trứng vàng" cho giới đầu tư

Thứ Hai, 11/07/2016, 21:19
Trong nhiều nhà tù tư nhân điều kiện sống rất tệ. Nhiều phòng giam không có đèn, chuột chạy khắp nơi, việc vệ sinh có lúc phải cho tạm vào túi rác hoặc hộp xốp. Các vụ xâm hại tình dục hay đánh đập tù nhân không phải là điều hiếm.


Dù mô hình nhà tù tư nhân tại Mỹ có nhiều chỉ trích, nhưng nhìn từ góc độ kinh tế, nghề kinh doanh này được dự đoán sẽ ngày càng phát triển, mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư. Ngoài kinh phí do nhà nước chi trả, các nhà tù tư nhân tại Mỹ còn thu nhiều lợi nhuận qua việc trả lương lao động cho phạm nhân với mức rẻ mạt.

Global Research đưa tin, 10 năm trước nước Mỹ chỉ có 5 nhà tù tư nhân, giam giữ khoảng 2.000 phạm nhân. Giờ đây, số lượng tăng 20 lần với hơn 100 nhà tù trải rộng trên toàn quốc, giam giữ 130.000 người.

Bà Hillary Clinton trong một bài diễn giảng về luật hình sự từng nhận định: "Người Mỹ chiếm không đến 5% dân số thế giới, nhưng số tù nhân tại nước này lại chiếm gần 25%".

Phạm nhân lao động trong nhà tù tư nhân Mỹ.

Theo tờ Bưu điện Huffington, quá trình tư hữu hóa nhà tù bắt đầu phát triển vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu, chính phủ liên bang muốn tiết kiệm tiền nên cho phép tư nhân tham gia quản giáo tù nhân.

Bây giờ mô hình nhà tù tư nhân trở thành những "con gà đẻ trứng vàng" của giới đầu tư khi nó sinh lợi từ kết quả lao động của tù nhân. Về nguyên tắc, nhà tù tư nhân nhận kinh phí do nhà nước chi trả, nhưng cũng phải tạo ra lợi nhuận để làm hài lòng các cổ đông.

Trong nhà tù tư nhân, mỗi ngày phạm nhân làm việc 6 tiếng, tiền lương trung bình mỗi tiếng khoảng 17 cent, nơi nào cao có thể tới 50 cent. Ai không làm việc sẽ bị phạt bằng cách nhốt trong phòng cách ly. Trong khi đó, tại các nhà tù do nhà nước quản lý, tù nhân có thể hưởng thu nhập trung bình 1,25 USD cho mỗi tiếng lao động.

Chi phí lao động rẻ đã giúp các nhà tù tư nhân không những là nơi cung cấp nhiều sản phẩm bán cho chính phủ, mà còn có nhiều đối tác là các hãng lớn như IBM, Boeing, Motorola, Microsoft, Dell, Intel, Nortel, Pierre Cardin, Revlon...

Một xưởng lắp ráp nằm ở gần biên giới Mexico sẵn sàng đóng cửa, chuyển đến gần nhà tù St. Quentin ở California. Tại bang Texas, một nhà máy sa thải 150 công nhân, chuyển sang ký hợp đồng với nhà tù tư nhân.

Một cựu hạ nghị sĩ bang Oregon còn thúc giục một công ty đa quốc gia cắt giảm nhân lực tại nhà máy ở nước ngoài khi tuyên bố: "Chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn sức lao động từ nhà tù với giá cạnh tranh, không có bất cứ chi phí vận chuyển nào".

Quản lý viên Russell của nhà tù tư nhân bang Virginia nói với tạp chí Vice rằng, bí mật của giá thành thấp là "số lượng tù nhân lớn nhất và số lượng lính gác ít nhất".

Tại một nhà tù ở Lawrenceville có trên 750 phạm nhân nhưng chỉ có 5 lính trông coi. Tù nhân cải tạo tốt có thể được giảm hình phạt, nhưng nếu có một lỗi vi phạm nội quy sẽ khiến thời gian giam giữ tăng thêm ít nhất 10 ngày.

Hiển nhiên, số lượng tù nhân càng nhiều, thời gian thi hành án càng dài thì các ông chủ của nhà tù tư nhân càng kiếm được nhiều tiền. Tờ the Guardian cho biết, gần đây Công ty CCA yêu cầu các nhà tù thuộc sở hữu của mình phải duy trì tỷ lệ tù nhân đạt 90% trong 20 năm tới.

Theo hãng tin AP của Mỹ, bang Georgia vừa thi hành bản án tử hình đầu tiên trong 70 năm qua đối với một nữ phạm nhân bất chấp lời kêu gọi ân xá của Giáo hoàng Francis.

Được biết, nữ phạm nhân Kelly Gissendaner đã bị tử hình bằng tiêm thuốc theo đúng luật của bang. Trước khi bị tử hình, nữ tù nhân này được phép viết thư cho người thân và tiến hành cầu nguyện. Kelly Renee Gissendaner, 47 tuổi, bị kết tội giết người vào tháng 2/1997, nạn nhân là chồng của cô ta. Theo cáo trạng tại tòa án, Gissendaner đã lên kế hoạch cùng bạn trai là Gregory Owen thực hiện vụ giết người này. Cô ta là người phụ nữ đầu tiên bị tử hình tại bang Georgia kể từ năm 1945. Hiện kẻ đồng lõa là Owen đang chịu án tù chung thân và có thể được xin ân xá từ năm 2022.


Vân Trường (tổng hợp)
.
.
.