Món ăn tinh thần của lính biển xa

Thứ Hai, 22/06/2015, 15:00
Bây giờ, cán bộ, chiến sĩ khắp các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được xem tivi, nắm bắt thông tin trong nước, thế giới từ đất liền hằng ngày qua mạng Internet, song không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ lãng quên báo giấy, ngược lại, báo giấy, tạp chí luôn được cán bộ, chiến sĩ chờ đợi, đón đọc nhiệt tình.

Để báo giấy đến tận tay cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, phải trải qua "qui trình, phân chia, đóng gói, vận chuyển" xuống tàu và vượt sóng ra khơi. "Qui trình" ấy thường giao cho chiến sĩ liên lạc của đơn vị đảm nhiệm. Sau khi lĩnh báo từ thư viện về, chiến sĩ liên lạc chia báo cho nhà giàn. Để tránh nhầm lẫn thư, báo giữa nhà giàn này với nhà giàn khác, việc chia báo cũng hết sức tỉ mỉ.

"Tuy công việc đơn giản nhưng đòi hỏi tính cẩn thận. Để tránh nhầm lẫn, tất cả loại báo được sắp ra bàn, rồi lần lượt chia cho từng đơn vị. Thư báo được xếp vào kệ, mỗi nhà giàn riêng lẻ một ô. Ngoài thư, báo còn có tài liệu học tập, huấn luyện, do vậy tuyệt đối không được sai sót", chiến sĩ liên lạc Nguyễn Hải Anh của Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân cho biết.

Nếu ở Trường Sa, việc đem báo cho các đảo thông thường bằng xuồng, thì chuyển báo cho các nhà giàn khó khăn, vất vả hơn. Trước tàu đi biển 2 ngày, thư, báo, tài liệu được gói cẩn thận trong bao nilon chống ướt và chuyển xuống tàu. Khi ở đất liền tàu hú còi rời bến, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ trên các Nhà giàn thấp thỏm đợi chờ thư, báo. Nếu sóng yên biển lặng, việc đem thư, báo lên giàn bằng xuồng tăng-bo. Gặp sóng to, gió lớn, báo được gói sẵn trong bao nilon, cột chặt vào dây mồi, thả xuống biển để các chiến sĩ trên giàn kéo lên.

Báo giấy được gói trong bao ni-lon trước khi chuyển ra Nhà giàn DK1.

Lúc báo "bơi" trong nước biển, cũng là lúc các chiến sĩ trên Nhà giàn lo lắng, thấp thỏm, mong sao những tờ báo lên giàn còn không bị ướt. Mặc dù đã gói kỹ, cột chặt, nhưng không phải lần nào báo chuyển lên Nhà giàn cũng còn nguyên vẹn. Có lần, sóng quá lớn đánh đứt dây cột, gói báo trôi theo dòng biển chảy xiết. Cũng có lần, kéo được báo lên nhà giàn, lúc giở ra đã ướt nhèm do bao nilon thủng. Các chiến sĩ đành bóc từng tờ phơi khô rồi gom lại đọc.

"Để tờ báo đến tận tay chiến sĩ an toàn, công việc vận chuyển mùa sóng gió khá vất vả. Gặp sóng to gió lớn không thả được xuồng, bắt buộc phải thả gói báo xuống biển để nhà giàn kéo lên. Lương thực, thực phẩm có thể chuyển lên nhà giàn sau, nhưng riêng báo chí nhất thiết phải chuyển lên trước. Vì anh em rất mong thư báo. Khi tàu đến nhà giàn, chiến sĩ báo vụ hỏi chúng tôi câu đầu tiên là "nhiều thư báo không anh"?.

Tôi bảo nhiều, vậy là họ vui sướng. Nghe cả tiếng nói cười, hò vui trong máy I-com", Đại úy Nguyễn Đình Thảo, Chính trị viên tàu 624 chia sẻ.

Chuyển báo lên nhà giàn mùa biển động.

Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân, khi mỗi nhà giàn là một pháo đài thép canh biển giữa ngàn khơi thì đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được cải thiện, nâng lên. Hiện tại, các nhà giàn DK1 xem được truyền hình kỹ thuật số thu sóng vệ tinh TVRO; thông tin trong nước, thế giới được cập nhật hằng ngày qua mạng Internet. Tuy nhiên, báo giấy, tạp chí vẫn được các chiến sĩ đón đọc và luôn chiếm ưu thế trong ba loại hình thông tin chủ yếu "nghe, nhìn, đọc" ở Nhà giàn.

Trước đây, khi Nhà giàn DK1 chưa phủ sóng truyền hình từ vệ tinh, tất cả thông tin từ đất liền chủ yếu đọc báo giấy và thư từ gửi ra từ đất liền. Mỗi nhà giàn được trang bị tivi, nhưng chủ yếu để xem băng ca nhạc, loại băng từ bản to như cuốn sổ. Mỗi lần có tàu thay trực, nhà giàn nào cũng mua chục cuốn xem dần. Xem hết một lượt, lại gửi về bờ đổi băng mới, hoặc luân chuyển cho nhà giàn khác, hoặc chuyển xuống tàu trực.

Ngoài ra, nhà giàn nào cũng được trang bị đài bán dẫn (radio) để nghe tin hằng ngày. Tuy nhiên, ở nơi khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng quanh năm, gió bốn mùa, thông tin chập chờn là điều không tránh khỏi. Để bắt được sóng radio, các chiến sĩ đã sáng tạo, lấy đoạn dây điện cột vào cần ăng-ten của đài rồi thả lơ lửng ngoài lan can. Vậy là đài nói oang oang cả nhà đều nghe.

"Bây giờ cũng vậy, chiếc radio nhỏ vẫn đồng hành cùng chúng tôi. Đọc báo, nghe tin là một chế độ trong ngày. Sau giờ huấn luyện, khi thể thao chiều, trước giờ đi ngủ, chính trị viên nhà giàn mở đài to để mọi người cùng nghe. Những thông tin về biển, đảo, câu chuyện đời thường, thông tin từ đất liền giúp chúng tôi thêm vững vàng, yên tâm bám biển và luôn cảm thấy yêu đời, yêu biển đảo hơn", Thượng úy Phạm Thành An, báo vụ viên ở nhà giàn DK1/2 cho biết.

Đọc báo ở Nhà giàn DK1.

Ở các Nhà giàn DK1, chế độ "đọc báo, nghe tin, xem truyền hình" thực hiện khá nhịp nhàng. Giữa đại dương bao la, một ngày mới của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sau thể dục sáng là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng người phát thanh viên dõng dạc "Đây là tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" nghe thấm vào gan ruột. Từ trái tim người lính dâng lên niềm tự hào, kiêu hãnh.

Thấu hiểu được nhiệm vụ của lính thời bình là canh biển, đảo cho Tổ quốc bình yên. Sau giờ huấn luyện chiều, bộ đội mở  radio ca nhạc cải lương, hoặc chương trình thông tin tổng hợp. 19 giờ, xem thời sự truyền hình nắm bắt thông tin. Kết thúc một ngày làm việc, chính trị viên mở đài để cả nhà giàn cùng nghe. Đầu tuần mới, sau lễ chào cờ là thông báo thời sự trong tuần. Công việc này do chính trị viên đảm nhiệm.

Nói về chế độ thông tin nghe nhìn, Trung tá Nguyễn Hữu Thuận, Chính trị viên Nhà giàn DK1/15 cho biết: "Đặc thù của đơn vị hoạt động xa đất liền nên chế độ đọc báo, nghe tin rất quan trọng. Bất di bất dịch, sóng lớn, bão tố, hay biển lặng, bộ đội phải được xem thời sự, nghe tin. Nhờ làm tốt công tác này mà cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm tư tưởng, giải quyết tốt các mối quan hệ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù tin tức được cập nhật hằng ngày, nhưng báo giấy bộ đội vẫn đón đọc, món ăn tinh thần chưa bao giờ xưa cũ".

Nếu sức mạnh của truyền hình là cập nhật thông tin nóng hổi từ đất liền, thì sức mạnh của báo giấy là sự lan tỏa, thấm sâu, nhớ lâu. Không phải lúc nào cũng xem được tivi, song báo giấy thì lúc nào cũng có thể đọc được. Phút giải lao huấn luyện, trước giờ nghỉ trưa, khi câu cá đều có thể đọc được báo giấy. Lính trẻ thì thích xem báo ảnh, còn sĩ quan thường đọc những phóng sự hay, chính luận, những bài có giá trị định hướng tư tưởng cao.

Để người nào cũng được đọc báo khắp lượt, mỗi nhà giàn đã cử một chiến sĩ đóng các tờ báo thành một tập rồi chuyền tay nhau đọc. Đọc hết một lượt cất đi, tháng sau đem ra đọc lại thấy như mới. Hình ảnh đẹp trong tạp chí được các chiến sĩ cắt dán vào sổ lưu niệm. Những bài thơ tình hay được sưu tầm, chép lại, gửi về đất liền tặng người yêu. Khi có văn công ra thăm, giao lưu văn hóa, chiến sĩ đem ra đọc để cùng nhau nghe.  

Thông báo thời sự đầu tuần ở Nhà giàn DK1.

Giữa biển xa sóng gió, trong phút giải lao sau những động tác "lăn, lê, bò, trườn" trên thao trường nắng lửa, nhận được lá thư từ quê nhà mẹ gửi, "lời nhắn tình yêu" của người bạn gái ở đất liền; cầm tờ báo trên tay đọc những dòng thời sự, bao nhọc nhằn tan biến hết; cuộc sống của lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 nơi biển vắng, đảo cồn vốn xa nhà, thiếu hơi ấm đất liền bỗng sống động, yêu đời, Tổ quốc thân thương ùa về trong tiềm thức.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, người "tiếp lửa", định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, cho biết: "Ngoài xem tivi, nghe đài, thì văn hóa đọc báo vẫn được các chiến sĩ Nhà giàn DK1 yêu thích. Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn luôn quan tâm đời sống văn hóa tinh thần của anh em. Đọc báo giấy ở nhà giàn từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa. Đây cũng là một phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng thấm sâu, nhớ lâu cho cán bộ chiến sĩ".

Dẫu xa đất liền, cách biệt về khoảng cách địa lý, song ở giữa ngàn khơi Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn nắm bắt được đầy đủ thông tin như ở đất liền. Nhờ đọc báo, xem truyền hình, nghe đài thường xuyên, mà các anh thêm nâng cao trình độ, yên tâm tư tưởng, vững chắc tay súng, quyết tâm giữ vững vùng biển, vùng trời của đất mẹ giữa đại dương bao la. Mặc dù thông tin có muộn hơn so với đất liền, song báo giấy vẫn là người bạn tâm tình không thể thiếu của bộ đội nhà giàn.

Mạnh Tuấn
.
.
.