Mối tình kì lạ của cô tiểu thư Hà Thành và chàng nhạc sĩ tài hoa

Thứ Ba, 19/04/2016, 16:04
Trong 60 năm chung sống cùng chồng mình là nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc - người đã viết nên những ca khúc đi vào lòng người như Cô lái đò, Chiến sĩ Sông Lô, Tiếng đàn bầu... cụ Trần Thị Bảo cho biết hai vợ chồng chưa bao giờ có một lời cãi vã.


Và cũng trong 60 năm ấy kể từ ngày quen biết với chàng nhạc sĩ nghèo, cụ Bảo - một cô tiểu thư ngày nào đã bất chấp mọi định kiến để đến với người mình yêu chưa bao giờ một lần than thở với chồng, về những vất vả, mệt mỏi mà mình đã chịu đựng. Đó là một mối tình kì lạ, có sự bất chấp, hy sinh và đợi chờ...

"Thất học" vì định kiến

Trong ngôi nhà nhỏ của mình ở khu tập thể Văn nghệ sĩ (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội), dù đã ngoài 90 nhưng cụ Bảo vẫn giữ được nét đẹp ngày nào của thời thiếu nữ. Bằng cách nói chuyện tếu táo, thi thoảng pha chút đùa vui, cụ Bảo kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng quá khứ vẫn in đậm trong tâm trí.

Có lẽ, gọi cụ Bảo là tiểu thư cũng không sai bởi cụ được sinh ra trong một gia đình thương gia nổi tiếng đất kinh kì. Bằng khả năng kinh doanh của mình, thân mẫu cụ Bảo từ hai bàn tay trắng đã mở nhiều cửa hàng, mua hết một dãy nhà mặt đường trên phố Cầu Gỗ để buôn bán. Với người Hà Nội xưa, nói đến hiệu phở Cát Tường Phùng Thị Tài thì không ai không biết, đó là một cửa hàng của thân mẫu cụ Bảo mở để cạnh tranh lại với cửa hàng của người Tàu những năm đầu thế kỉ trước.

Cụ Bảo và nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc

Giàu có là thế, nhưng là một gia đình Nho học, ngay từ khi tấm bé các anh chị em trong nhà đã được dạy bảo từ lời ăn, tiếng nói cho đúng quy cách. Cái quy cách ấy dường như vẫn còn ở cụ Bảo, được thể hiện qua cách ăn nói vô cùng bình tĩnh, điềm đạm. Nhưng là phận gái nên cụ Bảo chỉ được bố cho học đến hết lớp 3, sau khi biết đọc, biết viết, biết tính toán. "Ngày ấy, việc học đối với con gái không được coi trọng. Ai cũng nghĩ con gái học làm gì nhiều, học đủ để biết chữ thôi còn thời gian nên phụ giúp gia đình, còn học cao hơn là việc của đàn ông con trai. Thế nên các anh tôi đều được học những trường nổi tiếng nhất Hà Nội bấy giờ..." cụ Bảo chia sẻ.

Thèm được học, mỗi tối cụ Bảo lại ra đứng ngoài phòng học của các anh để được nghe gia sư dạy rồi lẩm nhẩm ghi nhớ. Thấy vậy, người thầy có thưa lại với bố cụ Bảo để cho cụ vào học cùng các anh.

Biết cụ Bảo ham học, bố cụ gửi con đến cửa hàng sách của ông bác gần nhà để học chữ Nho. Nhưng ở đó, cụ Bảo không chuyên tâm học chữ mà chỉ mải mê với những quyển truyện, tiểu thuyết như Tam quốc diễn nghĩa, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình…. Cuối cùng, suốt cả quá trình học chữ Nho, cụ Bảo chỉ viết được duy nhất hai chữ "Tồn" sống và "Tử" là chết, nhưng nội dung trong truyện lại được cụ ghi nhớ từng chữ.

Mối lương duyên kì lạ

Như đã kể trên, ngày ấy người phụ nữ sinh ra mặc định là để gánh vác công việc gia đình nên từ năm 8 tuổi, cụ Bảo đã cùng người làm thuê trong nhà dậy từ sáng sớm để làm hàng, dọn quán. Năm 16 tuổi, cụ Bảo được thân mẫu giao cho phụ trách một cửa hàng riêng. Để có thêm lãi, cụ còn nghĩ ra việc đi đổ buôn bánh mỳ về để bán trước cửa.

Và trong những năm đó, một kỉ niệm để đời khiến cụ Bảo nhớ như in, cụ kể: "Đó là ngày tôi giáp mặt thằng lính Nhật. Hắn cùng một toán quân đi đến đòi mua tất cả số bánh mỳ nhưng tôi không bán, chỉ bán cho đúng 10 cái. Tên chỉ huy tức giận rút thanh kiếm đeo bên hông ra dọa giết nhưng tôi không sợ mà trừng trừng nhìn. Lúc ấy mọi người đứng chỉ chỏ xung quanh rất đông, không hiểu sao hắn lại cho gươm vào rồi hằm hằm bỏ đi".

Cá tính mạnh mẽ được bộc lộ từ sớm, ở cái tuổi 17, ở cụ càng lộ ra cái vẻ đẹp xuân sắc, nhẹ nhàng nhưng đầy bản lĩnh. Cũng vì thế, đã nhiều người đến ngỏ ý muốn cầu hôn. Từ ông Tham tá, ông Tư Châu đến các nhà doanh nghiệp giàu có đều muốn rước được nàng dâu xinh đẹp này nhưng đều bị từ chối.

Thế nhưng rồi, cụ lại phải lòng bạn của anh trai mình, một chàng nghệ sĩ nghèo. Đó chính là nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc, người mà cụ Bảo cảm thấy vô cùng quý trọng. Theo cụ cho biết: "Thời ấy, giới nghệ sĩ thường lấy đàn nhạc mua vui. Còn anh Phúc thì lấy tiếng đàn để nuôi gia đình. Hiếm có người nghệ sĩ nào làm được như vậy".

Sau khi biết được hai người có tình cảm, bố cụ Bảo phản đối vô cùng kịch liệt vì cho rằng cụ Phúc không xứng với con gái mình. "Vào một tối, bố tôi gọi đến gặp rồi đặt con dao bên cạnh. Ông bảo nếu còn yêu anh Phúc thì cầm dao đâm thầy một nhát. Lúc ấy tôi sợ quá, khóc nức nở rồi chắp tay lạy, thề thốt không dám nói chuyện yêu đương nữa".

Cụ Trần Thị Bảo.

Rồi kháng chiến bùng nổ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc cất đi cây đàn năm nào, ôm cây súng ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Còn cụ Bảo từ một cô tiểu thư lại trở thành một cô giáo phục vụ lớp bình dân học vụ. Cho đến năm 1947, sau nhiều năm xa cách họ lại gặp nhau. Cụ Bảo nhớ lại: "Ngày ấy, chúng tôi có nói chuyện với nhau, tạm thời hoãn binh để bố tôi nguôi giận rồi sẽ thưa chuyện, ai ngờ hoãn đến tận 9 năm. Năm 1949, tôi tìm gặp ông Phúc chủ động hỏi về chuyện cưới xin. Đến ngày 19/8 năm đó, chúng tôi chính thức trở thành vợ chồng".

Hòa bình lập lại, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc làm việc trong Hội Nhạc sỹ, còn cụ Bảo làm đủ các việc từ thợ may, buôn bán cho đến pha chế màu cho xưởng phim… miễn sao có tiền lo cho năm đứa con thơ ăn học. Với khả năng trời phú, đến khi cụ Bảo nghỉ hưu, xưởng phim vẫn không tìm được người thay thế, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài về vẫn không làm được ưng ý như cụ Bảo từng làm. Thế nhưng dù tài năng như thế, nhưng vào thời điểm khó khăn ấy, cả gia tài của cụ Bảo cũng chỉ đủ tiền mua một bát phở. Biết chồng nhịn đói sáng tác nhạc, cụ rủ chồng đi ăn phở, nhưng lại chỉ gọi một bát cho chồng ăn trước, rồi đến lượt mình lại giả vờ đau bụng đi về.

Sau khi hai vợ chồng nghỉ hưu, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc bất chợt hỏi vợ: "Vậy giờ chúng mình làm gì nhỉ". Cụ Bảo tếu táo: "Hay bây giờ ông vẽ đi, em sẽ làm người mẫu cho ông vẽ". Và thế là vẽ thật. Cụ Bảo dành dụm từng đồng tiền mua màu vẽ cho chồng. Tính đến cuối đời, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc đã hoàn thành 400 bức vẽ, trong đó có nhiều bức giá trị. Trong căn phòng hiện tại cụ Bảo đang ở ngập tràn những bức tranh được vẽ lên bởi người nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa ấy. Đó cũng là một nhân chứng cho những năm tháng hy sinh vì chồng con của cụ Bảo.

Ngày nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ra đi cách đây hơn 10 năm, cụ Bảo không rơi một giọt nước mắt, tình yêu của họ vẫn lặng lẽ như vậy. Tất cả tình cảm của mình, cụ Bảo dồn nén vào cuốn hồi ký về câu chuyện tình yêu vượt qua mọi định kiến của hai vợ chồng. Tròn 100 ngày ngày mất của chồng cũng là ngày cụ Bảo hoàn thành cuốn hồi ký đó. Lý giải cho việc đó, cụ bảo kể rằng: "Suốt 60 năm chung sống, hai vợ chồng không một lời cãi vã. Chỉ duy nhất có một lần tôi giận, không nói chuyện nhưng rồi cũng nguôi vì một câu nói của ông ấy. Tình nghĩa trọn vẹn nên phút cuối tôi không thể khóc, để ông ấy thanh thản ra đi...".

Trong căn phòng nhỏ của mình ở khu tập thể Văn nghệ sĩ, cụ Bảo vẫn sống rất lạc quan yêu đời, cách nói chuyện tếu táo vẫn không hề thay đổi. Bên cạnh những bức tranh của chồng, giờ đây có thêm nhiều bức kí tên Bảo. Đó là những tác phẩm của cụ Bảo vẽ lại cuộc sống, những người thân trong gia đình. Đó cũng là cách cụ Bảo lưu giữ lại những kỉ niệm, những năm tháng ngồi bên cạnh bàn vẽ, chăm chú nhìn chồng đưa từng nét bút đầy màu sắc vẽ lại những kỉ niệm cuộc đời.

Phong Trâm
.
.
.