Maroc: Điểm nóng mới của người di cư

Thứ Hai, 29/10/2018, 16:07
Việc có hơn 43.000 người di cư từ Maroc tới Tây Ban Nha kể từ đầu năm đến nay, trong đó đa số đi bằng đường biển, đang khiến quốc gia này trở thành điểm nóng mới, cũng như nơi quá cảnh của người di cư từ khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi tới châu Âu.


Ngoài số liệu thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Chính phủ Maroc cũng cho biết, trong 8 tháng của năm 2018, các lực lượng chức năng của nước này đã ngăn chặn ít nhất 54.000 vụ đưa người di cư bất hợp pháp tới "lục địa già", tăng mạnh so với con số 39.000 vụ cùng kỳ năm 2017.

Theo các tổ chức phi chính phủ, tuyến đường đến Tây Ban Nha qua Maroc đang được những người di cư châu Phi sử dụng ngày càng phổ biến. Được biết, nhiều người đã tìm cách di cư tới châu Âu bằng đường biển hoặc đi qua các vùng đất Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha nằm giáp biên giới với Maroc.

Người di cư đầy ắp trên con thuyền vượt biển tới châu Âu.

Theo hãng MAP của Maroc, lực lượng hải quân mới cứu được 38 người di cư trên chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi bờ biển nước này. Khi được lực lượng hải quân Maroc phát hiện, ít nhất 1 người đã chết, những người còn lại trong tình trạng sức khỏe sa sút. Và chỉ trong vòng 1 tuần qua, lực lượng hải quân Maroc đã bắt hơn 1.200 người di cư trái phép tại các bờ biển phía Bắc nước này.

Trước đó, hải quân nước này đã giải cứu 472 người (trong đó có 28 phụ nữ, 27 vị thành niên và 3 trẻ sơ sinh) di cư bất hợp pháp đang gặp nguy hiểm khi tìm cách đến châu Âu hôm 9-6. Hơn 1 năm trước (7-8-2017), hơn 100 người di cư đã tìm cách xông qua một chốt biên giới giữa Maroc với vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha. Và việc này từng khiến Maroc phải "gồng mình".

Được biết, 5 năm trước (2013-2018), Maroc đã thông qua "chính sách di dân mới" và tiếp nhận hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu đến từ các nước châu Phi cận Sahara. Theo giới truyền thông, hàng nghìn người di cư đến từ vùng cận Sahara của châu Phi đã tìm cách đến Tây Ban Nha qua đường biển Maroc bằng các tàu thuyền đơn sơ không đủ điều kiện để vượt biển nên thường xuyên gặp nguy hiểm.

Dư luận và giới chuyên môn quan tâm tới kết luận của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels. Bởi các nước thành viên EU sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên với liên đoàn Arab vào ngày 24-2-2019 tại Ai Cập để bàn về hợp tác giữa các bên trong việc giải quyết dòng người di cư bất hợp pháp sang châu Âu.

Cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đều cho rằng, việc Ai Cập được chọn là quốc gia tổ chức hội nghị quan trọng kể trên bởi các nỗ lực của nước này trong việc ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp tới "lục địa già".

Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết, sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia hữu quan để điều tra, bắt giữ và truy tố những kẻ buôn lậu và buôn người, đưa người tị nạn và người di cư kinh tế vào những hành trình nguy hiểm qua đường bộ và đường biển.

Theo giới truyền thông, nguyên nhân khiến EU phải tìm kiếm giải pháp bên ngoài bởi 1 số nước thành viên từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn hoặc chia sẻ việc tiếp đón những người mới đến. Hơn 10 ngày trước (11-10), Chính phủ Áo thông báo, sẽ kéo dài thêm 6 tháng hoạt động kiểm soát tại khu vực biên giới chung giữa nước này với Hungary và Slovenia.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kichl cho biết, quyết định gia hạn kể trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-11 đến tháng 5-2019. Và việc này cho thấy, vẫn còn nhiều người nhập cư bất hợp pháp đang và muốn ở lại Áo, khiến tình hình không ổn định. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thống nhất ủng hộ kế hoạch của Uỷ ban châu Âu về tăng quân số cho lực lượng biên phòng của khối để kiểm soát tốt hơn cuộc khủng hoảng tị nạn.

Giới truyền thông cho biết, cảnh sát Romania vừa bắt giữ xe tải chở gần 50 người di cư bất hợp pháp khi chiếc xe này đang vượt qua khu vực biên giới giữa Romania và Hungary. Tài xế và đồng phạm đã bị bắt để điều tra vì nghi ngờ có liên quan tới hoạt động buôn bán người. Trong số những người bị bắt có 12 phụ nữ và 10 trẻ em, đa số là người Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này đang cố gắng tới một nước nào đó ở khu vực Tây Âu.

Gần 20 ngày trước (7-10), Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini cho biết, sẽ đóng cửa sân bay, không cho phép các chuyến bay thuê riêng để chở người tị nạn từ Đức tới nước này được phép hạ cánh. Bộ trưởng Lao động Luigi Di Maio cũng cho rằng, kế hoạch của Đức không khả thi. Trước đó, Chính phủ Italia đã thông qua sắc lệnh giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc trục xuất người di cư cũng như tước tư cách công dân Italia của họ.

Thiện Lân
.
.
.