Lên Ban Mê, cà phê một mình

Thứ Hai, 25/08/2014, 10:00

Ai cũng có lúc muốn chỉ ở đâu đó một mình. Để ngẫm lại những buồn vui, hay những điều bất thường trong cuộc đời. Người ta nói hãy lên Ban Mê (Buôn Ma Thuột) có nhiều quán cà phê lạ lắm. Một cõi dành cho sự cô quạnh, nhưng lại là không gian mênh mông của mọi nỗi ở cái độ cao đậm đặc hơi thở Bazan. Một khoảng trống đủ để tôi hay bạn thiền về chốn vô thường tâm cảm. Không một chút hẹn hò, tôi lang thang với Ban Mê, như một kẻ mộng du…

Chuyện ở cây số 3

Tôi đang bập bõm từng bước chân trên hè phố, thì một luồng gió thốc tới, và bị những hạt bụi đỏ phả vào mặt. Tôi ngóng điện thoại của nhạc sĩ Y Phôn. Nghe chị Linh Nga, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Đắk Lắk nói, tác giả của ca khúc “Bước chân trần” này đang làm nhà mới nên bận lắm. Tôi chỉ nhắn tin rảnh thì gặp nhau cà phê và muốn được nghe anh hát ca khúc mới. Thật may anh nhắn lại cứ đến cây số 3 và vào quán cà phê Hiếu gặp nhau. 

Khi đến tôi mới hay cây số 3 chính là ngã ba của hai con đường lớn, Nguyễn Tất Thành và đường dẫn ra sân bay. Nơi ấy chính là nút khởi điểm cho cuộc tấn công của quân đội ta tiến vào mặt trận Buôn Ma Thuột. Một cửa đánh vào sân bay. Một cửa đánh vào kho tiếp tế hàng và vũ khí Mai Hắc Đế. Còn một cửa đánh vào cơ quan đầu não của Sư đoàn 23. Quân địch đã thất bại hoàn toàn và bất ngờ trước sự tấn công mạnh mẽ và táo bạo của quân đội ta. Buôn Mê Thuột được giải phóng sớm nhất vào ngày 10/3/1975. Đây là một chiến thắng vang dội có tính quyết định đối với những mặt trận tiếp theo, cho đến chiến thắng cuối cùng 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn…

Và, quán cà phê Hiếu mà Y Phôn hẹn tôi lại ở gần ngã ba này. Nó đối diện với trụ sở Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk. Bỗng dưng biết bao ký ức dội về giữa những ngọn gió lang thang trên cao nguyên này. Tôi ngồi với ly cà phê đúng với nghĩa một mình chờ bạn. Một giai điệu âm nhạc vang lên như đánh thức trong tôi một nỗi cô đơn đến lạnh gáy. Một luồng gió lùa tới. Lời hát nhói lên: “Sáng nay mây thấp trên đầu/ Từng giọt cà phê ngọt đắng/ Biết em nơi đâu bây giờ/ Em ơi! Em ơi!...”. Tôi lặng đi nhìn từng giọt cà phê rơi trong nỗi nhớ mơ màng. Một ánh mắt xưa hiện về. Những sợi tóc bay về từ ký ức một thời chênh chao. Rồi một chấm nhỏ mất hút và bay đi về hư không. Bất ngờ có người ngồi xuống bên tôi. Y Phôn.

Tôi chợt tỉnh cơn cà phê một mình và vồ vập bắt tay anh vì niềm vui chợt đến. Anh kể một thôi một hồi về cơn cớ vì sao mình viết được ca khúc “Bước chân trần”. Khi gặp một người đàn ông gầy guộc lưng trần đi hối hả trên đường kiếm ăn, anh chợt nhớ đến người cha thân yêu của mình, thế là lời ca đầu tiên vang lên làm rạo rực con tim. Anh cất tiếng ca: “Tôi muốn quên đi, tháng với ngày cha đi lượm từng quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi, bước chân trần, cha đi lượm từng hạt thóc, cho con một bữa cơm chiều. Ôi thời gian…”. Nỗi thương cảm da diết trong anh như ngọn lửa đốt cháy tâm hồn tôi. Mọi sự chuyển động của miền gió cao nguyên này đằm sâu trong nỗi xót xa ấy “Ôi ngày tháng, đôi vai gày run run tựa vào hàng cây…”. Y Phôn kể, khi bài hát được nghệ sĩ nhân dân Y Moan biểu diễn đã lấy được nhiều nước mắt của người nghe. Từ đó cho đến nay, đã hai mươi năm qua “Bước chân trần” vẫn dẻo dai đi cùng năm tháng và ghi dấu ấn với cái tên Y Phôn của dân tộc Ê Đê tài hoa bấy lâu nay.

Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Thế rồi chúng tôi lan man về chuyện cà phê. Y Phôn kể người Ê Đê uống cà phê theo truyền thống, như cha anh ở quê. Không đường, sữa mà chỉ cho vài hạt muối cho thêm đậm đặc. Hạt cà phê người Ê Đê giã bằng cối cho thật mịn. Sau đó dùng túi bọc cà phê, rồi nhúng vào nước sôi cho nước cà phê chảy ra. Đó là một thứ ẩm thực với cà phê tươi, tùy độ đậm nhạt mình muốn. Y Phôn còn nhớ, cho dù từ năm 1908 đã xuất hiện phin cà phê, nhưng cha anh và bà con trong buôn vẫn túi lọc mà nhâm nhi những giọt đắng trên rẫy nương. Anh cười và nói thỉnh thoảng vẫn một mình cà phê, theo cách của bà con Ê Đê, để nhớ về quê hương.

Lang thang trong làng cà phê

Thật may mắn sau đó tôi được Y Phôn giới thiệu gặp họa sĩ I Nhi Ksor, người có tác phẩm đoạt giải với bức tranh về đề tài cà phê. I Nhi là giảng viên của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Anh kể, trong trại sáng tác đầu tiên với đề tài về Lễ hội cà phê, tác phẩm “Bốn mùa” dường như lóe sáng trong cơn mơ, với hình ảnh đẹp đặc trưng của các cô gái Ê Đê. Đó là bộ tứ bình, với đề tài hiện đại, nhưng vẫn thể hiện được vẻ đẹp truyền thống của người Tây Nguyên. Anh bật IPad cho tôi xem lại bức tranh. Ngay lập tức đường nét và sắc màu thu hút tôi, với vẻ đẹp hồn nhiên và gợi cảm. Hình tượng bốn cô gái Tây Nguyên trẻ trung tràn đầy sức sống, trong tác phẩm “Bốn mùa”, với mẫu hình Nude rất Ê Đê. Chuyển động qua ánh sáng thiên nhiên bốn mùa đậm sắc màu cà phê. Bốn cô gái với bốn phin cà phê trên tay, thể hiện sức sống của miền cao nguyên, được ẩn dụ trong ngôn ngữ hội họa hiện đại và hết sức quyến rũ.

Theo lời I Nhi, tôi tới làng cà phê Trung Nguyên trên đường Lê Thánh Tông, để tìm lại những cảm xúc mà anh đã có dịp thể hiện qua sắc màu. Anh nói ở nơi đây có Bảo tàng cà phê hết sức kỳ lạ. Mọi câu chuyện xưa và nay của thế giới cà phê được kể lại ở nơi đây, với 10.000 hiện vật. 

Vậy là tôi có mặt tại Làng Cà phê Trung Nguyên, với những cảm xúc bất ngờ. Cô gái hướng dẫn viên cho tôi hỏi bất cứ điều gì trong hàng vạn câu chuyện được bày ra. Tôi cũng không chuẩn bị từ đầu nên mình cứ hỏi đại là ở đây có những gì lạ kể cho nghe. Vậy là cô bé xinh đẹp ấy hỏi vặn lại tôi, rằng chú đã biết người đẹp pha cà phê ngon nhất ở Ban Mê mới đây không? Tôi lắc đầu cười. Cô ta chỉ liền lên tấm ảnh một người đẹp có cái tên HPi Niê. Đây là một sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên, nằm trong top 5 người đẹp nhất trong cuộc thi kiếm tìm Đại sứ cà phê năm 2013. Tôi ngẩn người ngắm gương mặt rất Ê Đê, xinh tươi, nõn nà đúng như hình tượng mà họa sĩ I Nhi Ksor vẽ trong bức “Bốn mùa”. Một vóc dáng uyển chuyển trong vườn cà phê bồng bềnh với những chùm hoa trắng thơm phức mùi hương.

Góc làng cà phê.

Thế rồi câu chuyện dường như thông thoáng, khi cô hướng dẫn viên cùng tôi vào “Bảo tàng cà phê”. Cô nói cách đây không lâu, tại Anh quốc người ta vừa bán đấu giá một bình cà phê bằng bạc cổ vào những năm từ 1688 đến 1751, với giá 4,5 triệu Bảng, tương đương với 140 tỉ đồng. Nhưng ở bảo tàng cà phê này cũng có những hiện vật cổ rất có giá trị, hiện có hàng trăm dụng cụ pha hay chế biến cà phê được sản xuất cách đây 300 năm, từ đầu thế kỷ XVIII. Tôi cứ như mụ đi trong mỗi hình ảnh của chiếc bình Pháp, hay phin cà phê cổ của Đức, hoặc chiếc máy xay cà phê to Thổ Nhĩ Kỳ, pha màu thời gian xưa cũ… Tôi im lặng đi theo cô hướng dẫn viên mà chiêm ngưỡng những cổ vật. Nếu ngắm đủ hơn một vạn hiện vật trưng bày và cả chụp ảnh nữa thì cũng phải mất cả tuần mới hết.

Và, kìa một giỏ cà phê Chồn thu hút tôi. Nghe đã lâu và cũng đã uống cà phê hương Chồn, nhưng tôi không hề thấy cái ngon ở hương và vị của nó như thế nào. Nghe nói một ký cà phê Chồn thứ thiệt có giá tới 20 triệu đồng. Tôi hỏi, cô hướng dẫn viên nói đúng như thế. Cô cầm một hạt cà phê Chồn lên giảng giải cho tôi vì sao nó quý đến như vậy. Lúc này tôi mới hiểu ra một hạt cà phê có tới bốn lớp bao bọc bên ngoài, nào là lớp vỏ, lớp thịt, lớp trấu, lớp lụa… Con Chồn nhằn lớp vỏ ngoài, ăn lớp thịt rồi thải hạt cà phê với lớp vỏ trấu ra ngoài, sau những ngày tiêu hóa. Hạt cà phê được chất enzym, một thứ “gia vị” do dạ dày Chồn tiết ra ướp tẩm tự nhiên. Vị và hương lạ lẫm của cà phê Chồn được tạo nên như thế đó. Tôi muốn hình dung nó ra sao. Cô nói phải thưởng thức thôi.

Cô đơn với bốn ngụm cà phê.

Trước khi chia tay, cô hướng dẫn viên tâm sự có một thứ văn hóa cà phê, mà bấy lâu nay cô đeo đuổi khi thưởng thức cà phê tươi; với bốn ngụm suy tư và bay bổng trong cảm xúc xuất hiện, trong một ngày mới. Rằng, ngụm thứ nhất, để hưởng hương thơm của cà phê và lắng nghe sự khao khát của chính mình trong một ngày. Ngụm thứ hai, hưởng cái vị đắng, để hướng sự tập trung cho việc mình định làm. Sang đến ngụm thứ ba, hưởng thêm cái dư vị đọng lại sau đó để tăng niềm phấn khích sáng tạo. Có thể sẽ nghĩ ra cái khéo léo trong cách giải quyêt công việc và lập kế hoạch thực hiện nó. Tôi định bắt bẻ cô ta đó là sự liên tưởng tình cờ hay phải cố nghĩ cho ra những điều đó. Nhưng cô ta nói tiếp đến ngụm cà phê thứ tư, đó là kết quả cuối cùng, vì đến độ này, cà phê có tính làm tăng độ can đảm trong hành động, dám làm dám chịu và chắc sẽ thành công.

Tôi được người phục vụ mang ra một phin cà phê Chồn với một lọ đường, chiếc thìa nhỏ và cái khăn ướt xinh xinh. Lẽ dĩ nhiên cô hướng dẫn viên bỏ lại tôi với không gian dành riêng cho những nỗi niềm của tâm hồn. Và, tôi chờ để uống ngụm cà phê đầu tiên… một mình

Tào Phong
.
.
.