Gió rừng đồi Thung

Thứ Tư, 09/12/2020, 08:53
Truyền thuyết Mường Sương kể rằng có Nàng Tiên ham chơi thường bay lượn nay đây mai đó. Một ngày, nàng Tiên chợt bắt gặp miền thung trập trùng đồi núi, đồng ruộng tươi tốt, suối chảy róc rách, thác reo cười tung hoa nhũ thạch, không khí mát mẻ trong trẻo y như trên thiên giới. Không kiềm giữ được niềm ham thích, Nàng Tiên hạ cánh xuống và ở lại vùng miền đồi….

Tôi tưởng tượng có một Mường Sương cổ tích, sau chuyến lên Đồi Thung, Mường Vang, Hòa Bình. Lịch sử kể rằng: Vào thế kỷ 18, có 3 người họ Bạch vượt núi thẳm rừng già, trên đường đi phải đánh nhau với thú dữ, lập nên xóm ở thung xa nhất miền đồi. Sau này, xóm được nhà vua ban sắc phong công nhận Đồi Thung, là một trong những xóm đầu tiên ở Hòa Bình có sắc phong của chính quyền.

Đường lên núi với người miền núi cũng bình thường thôi, chỉ đáng kể nhất là chặng vượt qua Đạng Gió. Trong tiếng Mường, chữ “Đạng” để chỉ khúc ngắn có dòng chảy ào ạt dữ dội, nhưng đây dòng chảy không phải là nước, mà là “gió” nên mới gọi là “Đạng Gió”.

Một ngày lao động trên những thửa ruộng bậc thang ở Ðồi Thung.

Giữa luồng gió gầm gào hun hút vặn vẹo, khi chúng tôi đang leo ngược trong Đạng Gió. Bạn hãy hình dung con đường này thực ra là cái khe cạn luồn lách giữa hai sườn núi. Gió thổi từ trên đỉnh cao ngàn mét đổ xuống thì bị tắc nghẽn ở nút cổ chai này, gió từ chân núi bươn bả thổi lên vón cục vào đây, gió từ mạn Kim Bôi quặt sang ập vào cuống họng này, gió từ Mường Bi sang lạng lách xiết vặn người leo lên Đạng.

Ở đây, gió là cuộn dây thừng khổng lồ vặn xoắn luồn lách giữa hai sườn núi, khi bò lên tới đỉnh thì bung tỏa ra, đổ ào ạt xuống, mạnh tới mức có thể bay tuốt tuột mọi vật cản nó gặp. Có lẽ thế mà cây rừng ở Đạng Gió thấp nhỏ, lá dầy, cây sim mua chiếm phần lớn.

Nếu dưới chân núi đang có nhiệt độ 35 độ C, thì lên đỉnh Đạng Gió, cái lạnh sẽ bất thình lình ập đến, người như bị khối băng tan chảy ập vào. Bạn được nếm mùi lạnh của Đồi Thung ngay từ Đạng Gió, cho dù còn 4km nữa mới tới thung. Dù bạn đi lên Đồi Thung hay ngược xuống Mường Vang, cứ vượt qua Đạng Gió coi như đã hoàn thành chặng đường.

Gió là đặc sản của Đồi Thung, bước chân ra cửa là gặp. Gió ào ạt. Gió rộn rã. Gió luồn lách tinh quái làm người bấn loạn. Gió lồng lộn làm người bơ phờ. Gió quất ràn rạt làm người muốn buông xuôi. Gió thở hồng hộc như hổ báo phi xung quanh dọa dẫm. Đêm đầu tiên ở Đồi Thung, đã nhiều lần tỉnh giấc vì tiếng rào rào, ràn rạt, sôi réo ầm ào bên ngoài. Cứ sàn sạt, rầm rập như ngựa tung vó chạy luồn lách xung quanh nhà, đập vào khung cửa kính gầm gào như sôi.

Giao thông là nỗi trăn trở lớn nhất đối với người dân Đồi Thung


Vài lần rón rén ra cửa, chỉ nghe ràn rạt quất vào vòm lá, nhìn ngoài thấy mờ mịt trắng như sữa, buốt lạnh tê tái khiến phải đóng cửa ngay. Trở vào nghĩ nằm đệm êm chăn ấm nghe mưa rừng trút tơi bời là trải nghiệm thú vị. Sáng ra sân, nhìn  không thấy ướt đất, nhìn vườn bương đang nảy ngọn măng căng mọng, vẫn thấy ràn rạt trên tán lá, chợt hiểu đêm qua không phải mưa mà là gió chạy quanh vườn đuổi nhau.

Tới Đồi Thung mới biết vừa sang Thu đã lạnh buốt rồi, sương giăng mịt mờ, nhìn mặt người không rõ. Trong Thung, gió quẩn quanh đuổi nhau chạy vòng vèo lòng chảo, dồn đuổi sương từ góc này sang góc khác, nên sương mù dày đặc gần cả ngày cũng là  đặc sản.

Người xa đến đợi sương xuống, mong chụp tấm ảnh tia nắng bình minh hồng rực từ đỉnh núi xuyên biển sương mờ đục trắng sữa, thì miền Đồi là nơi đáng đến trải nghiệm.

Nếu người Đồi Thung sẽ thấm thía cơ cực với sương mù. Bạn kể, trên này lạnh quanh năm, tháng 5 mùa Hè chỉ 21 độ C. Mùa Thu, lúa vào vụ gặt, gặp sương mù nên phải đốt lửa sưởi cho thóc. Nhìn ven đường, gặp những đống rơm và củi đang cháy khói nghi ngút, những bao lúa đã tuốt sạch xếp xung quanh, mới hiểu thế nào là sưởi cho thóc, biết hạt thóc nơi đây ngậm gió uống sương bội phần vất vả.

Tôi đi trong Đồi Thung, con đường như vành thúng ôm trọn lấy làng bản, ruộng đồng, vườn tược. Đi trên con đường hoa dại nở tưng bừng màu sắc. Gặp bụi cây quả dại, hái mâm xôi đỏ mọng cho vào miệng, bẻ chùm sa nhân đỏ ối ven đường. Đi qua cánh đồng lúa chín vàng, bông lúa chín mọng mẩy cúi đầu, dự báo mùa màng tươi tốt. Vùng này từ xa xưa dân bản chuyên trồng lúa nếp, những năm 80 của thế kỷ trước mới chuyển sang trồng lúa tẻ, khi có giống mới năng xuất. À, thì ra lúa nếp cũng là đặc sản của Đồi Thung? Sao hạt nếp thơm không đủ sức giữ chân người Đồi Thung?

Nhà văn Phan Mai Hương (huongphanmaihb@gmail.com).

Ngắm những ngôi biệt thự lộng lẫy nằm bên nếp nhà sàn, vườn cây trĩu quả không người hái. Có ngôi nhà sàn gỗ rất đẹp kiểu truyền thống gia chủ vẫn nuôi trâu dưới gậm sàn, con trâu nhìn tôi và ghếch sừng đánh cồng cộc vào cửa voóng. Lại biết những căn biệt thự ấy chỉ có người già và trẻ con ở, trông nom vườn tược lợn gà trâu bò. Còn thanh niên trai gái ra thành phố làm việc, họ mang tiền về và xây những căn biệt thự lộng lẫy. Bề ngoài, đó là hình ảnh đáng mơ ước, nhưng bên trong thật ra là bài toán khá nan giải cho hướng phát triển của Đồi Thung.

Bí thư chi bộ Đồi Thung hiện nay là Bạch Công Trường, còn rất trẻ, sinh năm 1970, là chắt đích tôn của dòng họ Bạch, dòng họ lên lập nghiệp đầu tiên ỏ Đồi Thung đã nói ở trên. Anh Trường bảo: thì cũng chỉ biết kêu gọi đầu tư thôi. Tuy Đồi Thung có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, nhưng để có dự án du lịch thì phải hoàn thành con đường lên Thung đã, chúng tôi sắp có đường đẹp như dưới xuôi rồi. Đồi Thung có 6.000 dân với 1.300 hộ, vẫn còn hộ nghèo chiếm 20%, cây măng ở Đồi Thung là cây xóa đói giảm nghèo đấy. Muốn phát triển thì Đồi Thung phải giữ rừng bằng được”.

Hồi năm 80 thế kỷ trước, bên Kim Bôi,  những rừng cây cổ thụ đã bị chặt phá trộm hết sạch. Bên Đồi Thung rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. Dân Đồi Thung xác định rừng là mái nhà che chở sự sống, nếu mất rừng thì Đồi Thung không còn nguồn nước, làm sao sinh sống cấy hái? Từ thế kỷ 18, việc bảo vệ rừng đã được đưa vào Hương Ước gồm 18 điều quy định bảo vệ làng bản và rừng.

Trong khi dân Đồi Thung giữ từng cây trong rừng, thì dân Kim Bôi đổ lên Đồi Thung mỗi buổi sáng đổ sang vài chục người, đến cuối ngày mỗi người vác xuống một cây gỗ, mà ngày nào cũng thế, thử hỏi rừng nào chịu cho thấu?

Cùng là dân nghèo với nhau, cho nên cả năm trời trôi qua, dân Đồi Thung chỉ dừng ở mức độ cảnh báo, ngăn chặn, cử người canh gác rừng. Tuy nhiên vẫn không xuể, vì  mỗi ngày dân Kim Bôi kéo sang hàng trăm người, vào những mùa đói kém giáp hạt.

Chuyện xảy ra khi dân Đồi Thung bắt giữ 1 nhóm trộm gỗ, hai bên đánh nhau, và 1 người Kim Bôi bị chém chết. Trưởng Công an huyện Lạc Sơn, Bùi Văn Nỏm trực tiếp lên điều tra vụ án chém chết người. Sau này người gây án bị đi tù, từng ấy năm cả Đồi Thung đã góp tiền góp gạo nuôi người đi tù, nuôi cha mẹ vợ con người bị tù.

Sau vụ án kinh hoàng đó, dân Kim Bôi tuyệt nhiên không dám sang Đồi Thung khai thác gỗ trộm nữa, rừng Đồi Thung cơ bản được giữ gìn cho đến ngày nay. Vậy mà đã 30 năm trôi qua.

Tôi từ biệt Đồi Thung nhưng luôn nghĩ ngày trở lại, miền Đồi Thung của xứ Mường Vang sẽ óng ả những mụt măng trong nắng, ngọt ngào hương lúa nếp trong sương, cây trái ngọt lành, suối reo tung bọt trắng xóa bên chân ruộng bậc thang vàng mơ.

Phan Mai Hương
.
.
.