Giấc mơ sau 10 năm

Thứ Sáu, 01/07/2016, 07:00
Nếu đặt câu hỏi cho bất kỳ du khách nào lần đầu đặt chân tới Hà Nội, rằng bạn ấn tượng điều gì nhất, chắc chắn số đông sẽ có câu trả lời là: Giao thông. Tất nhiên, chữ ấn tượng được để trong ngoặc kép bởi họ không thể cắt nghĩa được đã sang thế kỷ XXI rồi mà còn phải chứng kiến một… thực tế khủng khiếp như thế (lời của một chuyên gia kinh tế người Thụy Điển).


Ông Llewellyn King - một nhà báo Mỹ đã nhiều lần đặt chân đến Việt Nam chia sẻ đầy hài hước: tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi giao thông - một trong những "kỳ quan" thế giới. Là "kỳ quan" không phải vì giống như nhiều thành phố khác trên thế giới mà vì nó vận động theo một cách thật đáng kinh ngạc. Người và xe cứ trôi mà chẳng theo một hệ thống gì.

Và ông không ngại ngần mô tả chi tiết: nhiều nơi không có đèn giao thông, hay biển chỉ dẫn dừng xe, nhường đường. Dòng xe lưu thông trên đường trông như một đàn kiến, lộn xộn một cách nhẫn nại. Nguyên tắc duy nhất tồn tại trên đường là đi bên phải, còn lại là ngẫu hứng. Và đó là cách hàng triệu người di chuyển mỗi ngày.

Minh họa của Lê Tâm.

Còn Warren Rooke, du khách người Macau thẳng thắn nhận xét: điểm dễ nhận ra nhất của giao thông ở Việt Nam là không theo một trật tự nào cả. Đèn đỏ chẳng nghĩa lý gì. Không có phần đường hoàn toàn dành cho người đi bộ. Tình trạng này thật sự gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của người dân sở tại.

Tình trạng đáng buồn trên không chỉ ở Hà Nội mà còn diễn ra tại các khu đô thị lớn. Hậu quả đau lòng nhất của tình trạng này là mỗi năm, tại Việt Nam, hơn 6.000 trẻ em thiệt mạng, 62.000 em bị thương. Một phần ba số này bị tổn thương não hoặc tàn tật vĩnh viễn. Tai nạn liên quan đến xe máy chiếm 62%.

Nguyên nhân của sự hỗn độn này đã được các chuyên gia, các nhà quản lý phân tích, mổ xẻ từ nhiều năm nay, cùng với nó là rất nhiều giải pháp để khắc phục. Song, một nguyên nhân được nói rất nhiều trong thời gian qua, đó chính là sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, đặc biệt là các loại xe máy, xe máy điện và xe đạp điện. Vài năm gần đây, nhiều gia đình mua ô-tô và theo như đánh giá của một chuyên gia kinh tế, ngồi trên xe 4 bánh còn là "biểu tượng" thành đạt của người dân thành phố.

Dân số gia tăng quá nhanh, đường sá trong nội đô hầu như không mở mang gì trong khi mật độ phương tiện ngày một nhiều càng làm cho tình trạng giao thông thêm phức tạp, mất trật tự. Cùng với nó, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông cũng nhiều hơn.

Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên? Một câu hỏi hoàn toàn không mới nhưng lại được xới lên. Cụ thể: Đến năm 2025 (tròn 10 năm nữa), Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân. Đây là nội dung quan trọng trong Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội được đưa ra bàn luận tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội diễn ra gần đây.

Tất nhiên, để làm được điều đó, thành phố có quá nhiều việc phải làm mà trước mắt là 5 năm tới, sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông khung; đầu tư xây mới các bến xe khách liên tỉnh theo xu hướng hiện đại; tăng cường công tác quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông…

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng thêm các tuyến xe buýt cho phù hợp; tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân để đến năm 2025, chấm dứt toàn bộ xe máy cá nhân tham gia giao thông trên đường.

Mục đích của giải pháp này đương nhiên là quá ưu việt, không cần bàn cãi nhiều, nhưng lộ trình của nó thì khiến không ít người hoài nghi bởi khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng là cần thiết, nhưng kèm với nó phải là cải tạo, xây dựng đường sá, là xây dựng các tuyến đường trên cao hay tàu điện ngầm, là những biện pháp tích cực để giãn dân ở khu vực trung tâm…

Tóm lại, chấm dứt toàn bộ xe máy cá nhân tham gia giao thông là một vấn đề vô cùng nan giải và quãng đường để tới đích là 10 năm. Hy vọng giấc mơ trên sẽ thành hiện thực và người dân Thủ đô có quyền tự hào về một thành phố không chỉ đẹp về cảnh quan đô thị mà còn hiện đại, văn minh.

Tuấn Nguyễn
.
.
.