Giấc mơ an cư ngày càng xa với nhiều người

Thứ Sáu, 11/12/2020, 20:46
Cách đây không lâu, Công ty nghiên cứu bất động sản CBRE đã công bố khảo sát giá nhà tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức giá nhà trung bình hiện nay lần lượt là 2.500 USD/m2 và 1.500 USD/m2. Trong khi đó, một nghiên cứu của Công ty Nielson mới đây cho thấy có khoảng 80% hộ dân đang sinh sống ở hai thành phố lớn này, có mức thu nhập bình quân hàng tháng chỉ trên dưới 15 triệu đồng (tương đương 700 USD/tháng).


Còn trong báo cáo thị trường nhà ở quý III/2020, Savills Việt Nam cho biết, thị trường nhà ở đang đối mặt với sự nhạy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai ba cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2. Với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người), giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân. Cơ hội mua căn hộ 1 tỉ đồng đang dần "biến mất" với những người trẻ.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân. Các hộ gia đình, cá nhân hiện chỉ có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Cũng theo HoREA, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP Hồ Chí Minh trong hai năm qua.

Với chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại, chi trả cho y tế, giáo dục... tại các đô thị lớn khá đắt đỏ như hiện nay, thì sau khi trừ đi các khoản phải chi trả hàng tháng thì rõ ràng việc tiết kiệm tiền để có thể thực hiện được giấc mơ sở hữu nhà đối với không ít gia đình là khá khó khăn. Chính vì vậy, dù nhu cầu thực sự của người dân rất cao và nguồn cung ngày càng được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, nhưng mua được nhà chưa bao giờ là dễ dàng khi giá nhà tại Việt Nam cao hơn từ 20 - 25 lần so với thu nhập trung bình của người dân khiến việc sở hữu khó khăn dù nhu cầu thực tế cao.

Theo tính toán, đến năm 2020, cả nước cần tăng khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Trong khi hiện cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội; trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân khu công nghiệp trên 2,3 triệu m2. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn thấp so với yêu cầu bởi mới giải quyết được 41,5% so với tổng nhu cầu 12,5 triệu m2.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo; trong đó, có một số giải pháp đã thực hiện. Trước hết, chúng ta đã ban hành quy chuẩn quốc gia quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45m2. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, bố trí các căn hộ trong các dự án xã hội nói chung cũng như các dự án xây dựng các nhà ở khác tại đô thị.

Chính phủ cũng đã quan tâm, bố trí 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Một số địa phương cũng đã quan tâm, đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất và thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương để phát triển quỹ nhà này.

"Dẫu vậy, chúng tôi nhận thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ. Đó là rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt dự án, cấp phép dự án nhà ở xã hội; bố trí đủ quỹ đất. Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội ở các địa phương rất nhiều, nhưng chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội", ông Hà nói.

Người xưa có câu "an cư mới lạc nghiệp". Ai cũng muốn có một chỗ để an cư bởi chỉ khi có một chỗ ở yên ổn thì mới có thể yên tâm làm việc. Tuy  nhiên, để giúp người dân có cơ hội mua nhà phù hợp với thu nhập thì cần có chính sách điều tiết của nhà nước. Trong những năm qua, Nhà nước cũng đưa ra nhiều biện pháp như hướng dòng tín dụng vào đối tượng người mua nhà, cho người dân vay mua nhà với gói lãi suất thấp, phát triển nhà ở xã hội...

Tuy nhiên, các chính sách này cần có thời gian mới phát huy được tác dụng, vì thế người dân vẫn mong mỏi chính sách sớm trở thành hiện thực.

Tân Lương
.
.
.