"Điếc không sợ súng"

Thứ Bảy, 22/08/2020, 08:26
Ngày 19-8, tức ngày mùng 1-7 âm lịch, mặc dù đang trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tại Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) có hàng nghìn người chen nhau đến lễ.


Từ sáng sớm, UBND phường Quảng An đã phải phối hợp Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ tổ chức lực lượng để đo thân nhiệt, cung cấp nước rửa tay cho người đến lễ. Nhưng sau đó, do lượng người đến quá đông đã xảy ra tình trạng chen lấn, vượt tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. 

Do hàng nghìn người ùn ùn đổ đến, khu vực sắp lễ, khu vực ban thờ, sân đền… đều xảy ra tình trạng chen chúc, không bảo đảm cự ly giãn cách. Trong số đó, nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch bệnh.

Trước tình thế “vỡ trận” như vậy, từ 14 giờ 30 phút chiều 19-8, lực lượng chức năng dựng barie, hạn chế người vào lễ, đã xảy ra tình trạng chen chúc, tụ tập đông người ở cổng phủ. Sau đó, UBND phường Quảng An đã quyết định cho đóng cửa di tích phủ Tây Hồ từ 16 giờ để không xảy ra tình trạng vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Chiều 19-8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, nếu người dân tiếp tục đến Phủ Tây Hồ đông hơn, quận sẽ chỉ đạo kéo dài thời gian tạm đóng cửa Phủ Tây Hồ.

Quả thực nhìn cảnh hàng nghìn người chen lấn nhau đi lễ Phủ Tây Hồ mà không khỏi lo lắng khi những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và Hà Nội là môt trong những địa phương có nguy cơ cao.

Cần phải nhắc lại rằng trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 18-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, đã  có công điện khẩn gửi các sở ngành, quận huyện yêu cầu vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người nơi công cộng. Các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Đặc biệt, công điện yêu cầu từ 0giờ ngày 19-8, các nhà hàng ăn uống, quán cà phê phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, quán, nhà hàng bố trí giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi. Nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

Ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có khuyến nghị với các chùa, cơ sở tự viện nên tăng cường các khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến. Việc đăng ký cầu siêu cho ông bà tổ tiên cũng được khuyến nghị nên thực hiện qua các ứng dụng trực tuyến.

Rõ ràng, chính quyền đang rất lo lắng trước diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, dường như không ít người dân đã có tâm lý “điếc không sợ súng” khi rất thờ ơ với việc phòng chống dịch bệnh. Ai có thể dám chắc trong số hàng nghìn người chen lấn nhau ở Phủ Tây Hồ ngày 19-8, không có người mang virus gây bệnh COVID-19, bởi thực tế đã có những người dù đã test cho kết quả âm tính những sau đó vẫn phát bệnh. Một bài học nhãn tiền khác là ở Hàn Quốc, tháng 3-2020, nhiều người chỉ vì đi lễ nhà thờ tại toà nhà của giáo phái Tân Thiện Địa tại thành phố Daegu mà bị lây bệnh.  

Người xưa có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Việc thờ tự, biết ơn những người đi trước đã góp phần tạo dựng nên 1 đất nước, 1 văn hóa như ngày nay là việc đúng đắn. Nhưng ở đây dường như việc sùng bái đã đi quá xa, trở nên mê tín. Dịch bệnh sẽ không chừa ai. 

Vì thế, ngoài việc kêu gọi ý thức của mỗi người dân, chính quyền cần mạnh tay xử phạt những người kém ý thức để bảo vệ cộng đồng. Để mỗi người dân luôn có ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng không chỉ dừng lại biện pháp giáo dục, tuyên truyền mà cần phải xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tân Lương
.
.
.