Cuộc chiến ở "thủ đô chết" vì rắn cắn

Thứ Hai, 06/11/2017, 12:36
Ấn Độ là quốc gia có số người tử nạn vì rắn cắn cao nhất thế giới với hơn 45 nghìn trường hợp mỗi năm. Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, niềm tin vào huyền thoại quá lớn và thiếu bác sĩ được đào tạo bài bản.


Hơn 45 nghìn người chết vì rắn cắn mỗi năm

Vào tháng ba năm ngoái, khi đi bộ về nhà trên con đường đất hướng về làng Ballabhgadh ở Rajasthan lúc nhá nhem tối, Jeetu Gujjar giẫm phải một thứ gì đó và anh cảm thấy đau đớn. Khi về tới nhà, Jeetu Gujjar thấy máu chảy ra từ ngón chân. Anh phát hiện ra rằng, mình đã bị rắn viper - một loài rắn được xếp "tứ đại rắn độc" ở Ấn Độ cắn. Rắn viper Ấn Độ là nỗi kinh hoàng của người dân vì tốc độ tấn công nhanh và nọc cực độc.

Ba ngày sau khi bị rắn cắn, tình trạng của Gujjar xấu đi. Cơ thể anh xuất hiện những mảng đen như ngộ độc máu. Gia đình Gujjar bất lực nhìn tình trạng sức khỏe của anh ngày càng xấu đi. Họ không biết làm gì khác ngoài việc cầu nguyện. Timan Singh, chú của Gujjar, làm việc tại Hiệp hội Lịch sử tự nhiên ở Madhya Pradesh đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà khoa học.

Điều trị bệnh nhân bị rắn cắn là vấn đề mang tính xã hội sâu sắc vì hầu hết các nạn nhân đều trong độ tuổi lao động.

Sau khi được Priyanka Kadam - người sáng lập Hiệp hội Giáo dục và chữa trị rắn cắn (She) tư vấn trực tuyến, Gujjar đã được đưa đến bệnh viện ở Jaipur, cách làng Ballabhgadh 200km. Tại đây, anh đã được giải độc, trải qua 8 lần truyền máu. Sức khỏe của Gujjar hồi phục dần và anh được xuất viện sau 6 ngày điều trị tích cực. Gujjar là một trong số ít trường hợp may mắn sống sót như vậy.

Kết quả một cuộc khảo sát tiến hành năm 2011 cho thấy, số ca tử vong do bị rắn cắn hàng năm ở Ấn Độ là 45.900 trường hợp. Ấn Độ được coi là "thủ đô chết" vì rắn cắn trên thế giới. Ấn Độ có khoảng 300 loài rắn, trong đó có 62 loài rắn độc. Những loại rắn như hổ mang, viper, rắn lục hoa cân, cạp nong là những loại gây tử vong nhiều nhất.

Tử vong vì chữa trị bằng đức tin

Kaluram, một nông dân từ làng Khawa ở Rajasthan đã mất ba thành viên trong gia đình vì bị rắn cắn. Mẹ của anh, bà Prembai bị rắn cắn và chết khi gia đình đưa đến đền thờ chữa trị bằng đức tin. Em gái anh bị rắn cắn khi ngủ cũng chết trên đường đưa đến đền thờ. Bà của anh -  Kanidevi bị rắn cắn chết khi ở nhà một mình.

Ở Ấn Độ, rắn được coi là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên. Rắn được thờ cúng tại một số nơi trong cộng đồng. Niềm tin này khuyến khích mọi người tin tưởng vào việc chữa bệnh bằng đức tin, tránh điều trị y tế nên dẫn đến cái chết của nạn nhân.

"Rắn cắn là tai nạn, không phải là tai hoạ", Kadam, người sáng lập She nói. Kadam cho biết thêm, tổ chức She đã kết nối được 240 bác sĩ và nhà hoạt động xã hội. Chi tiết các trường hợp điều trị rắn cắn cả thành công lẫn thất bại đều được ghi lại một cách tỉ mỉ để chia sẻ với các bác sĩ tham gia tổ chức trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Soumya Sengupta, một giáo viên ở Bankura, Tây Bengal nói rằng, "sở dĩ Ấn Độ xảy ra nhiều vụ tử vong vì rắn cắn là do ba nguyên nhân chính sau: thiếu cơ sở y tế thích hợp, niềm tin vào huyền thoại quá lớn và thiếu bác sĩ được đào tạo bài bản".

Tại các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của Ấn Độ, số vụ tử vong vì rắn cắn cao hơn vì cơ sở y tế không đáp ứng được và khả năng vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên cũng hạn chế. Mặc dù số lượng người chết vì rắn cắn ở Ấn Độ cao kỷ lục nhưng đây cũng chưa được coi là vấn đề cần được ưu tiên trong công tác chăm sóc sức khoẻ.

Tiến sĩ Dayal Bandhu Majumdar, chuyên gia cố vấn của She, người đã giúp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hơn 3.000 bác sĩ ở Tây Bengal trong việc điều trị bệnh nhân bị rắn cắn khuyến khích các nạn nhân đến bệnh viện sớm. Các tuyên truyền viên trong nhóm của thầy giáo Sengupta xây dựng chương trình múa rối biểu diễn trong trường học, làng mạc, nhấn mạnh sự cần thiết phải điều trị y tế cho nạn nhân bị rắn cắn.

"Hầu hết các nạn nhân bị rắn cắn đều trong độ tuổi từ 20-50. Họ thường là những người chủ trong gia đình. Nhiều nạn nhân vay nặng lãi để điều trị bệnh. Khi không thể trả nợ, họ có thể rơi vào vòng xoáy của tội phạm. Điều trị bệnh nhân bị rắn cắn còn là vấn đề mang tính xã hội sâu sắc", thầy giáo Sengupta nói.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.