Cô gái bí ẩn, khoác áo đỏ trên phố Khâm Thiên

Chủ Nhật, 14/04/2013, 11:12

Thời sinh viên, tôi từng chép vào sổ tay mình bài thơ "Áo đỏ" của ông. Mà trước tôi và sau tôi, chắc chắn là có rất nhiều sinh viên thuộc làu thi tình ấy. Nhưng người con gái trong thi tình ấy là ai? Là ai mà lại khiến một thi sĩ nổi tiếng là điềm đạm, mực thước như Vũ Quần Phương cũng phải xao xuyến thốt lên: "Anh cháy thành tro em biết không?".

Thông thường, các thi sĩ hay nói một câu rất "ngụy biện" rằng: "người con gái trong thơ tôi là một người con gái - một nàng thơ mang ý nghĩa biểu tượng, chứ không phải một cô gái cụ thể nào". Nhưng nếu không có một cô gái cụ thể nào thì thế gian này đã không thể xuất hiện những thi tình đầy sức sống, đầy rung động. Vì thế tôi tìm gặp Vũ Quần Phương để truy cứu tới cùng: Rốt cuộc người con gái trong thi tình "Áo đỏ" là ai?

Từ một con phố, đến một thi tình

- "Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh cháy thành tro em biết không?". Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, linh cảm mách bảo tôi rằng đã từng có một "cô áo đỏ" nào đó làm ông nhức mắt - một cô áo đỏ bằng xương bằng thịt, chứ không phải một "nàng thơ" chung chung, vô phương hướng.

+ Đúng là có một cô áo đỏ như thế thật. Nhưng tôi không biết tên cô ta. Cũng chẳng biết cô ta đến từ đâu, đi về đâu. Nói nghiêm túc thì mãi đến tận lúc này, cô ta vẫn là một bí ẩn với tôi.  

- Thật lòng, tôi rất sợ các nhà thơ trừu tượng hoá vấn đề…

+ Không trừu tượng, chuyện thật đấy. Vào một ngày đầu năm 1973, tôi ngồi đợi cắt tóc ở phố Khâm Thiên (Hà Nội). Quán cắt tóc đông người nhưng trầm lặng. Tuy nhiên, khi có một cô áo đỏ đạp xe đi qua thì tất cả ồ lên, xôn xao lạ lùng. Tôi nhớ là có nhiều anh khi đạp xe đi qua cô ấy, còn cố ngoái đầu nhìn lại cô ấy nữa.

- Cô gái này là một mĩ nhân?

+ Mĩ nhân hay không thì hậu xét, nhưng cái màu đỏ mà cô ấy mang trên mình thì mới mẻ quyến rũ lắm. Thời chiến tranh, tôi nhớ là các cô gái cùng lắm cũng chỉ mặc những chiếc áo màu lòng tôm (nghĩa là một màu hồng phơn phớt - PV). Nhưng riêng cô này thì mặc hẳn một chiếc áo đỏ rực rỡ. Vì thế cô ấy là một sự khác lạ.

Cậu cũng nhớ là sau trận bom năm 1972, phố Khâm Thiên bị tàn phá kinh khủng. Đến năm 1973 thì ở đó toàn những ngôi nhà lợp mái dầu. Một con phố với những ngôi nhà lợp dầu sau bom đạn tạo cảm giác ảm đạm lắm.

Cho nên sự xuất hiện bất ngờ của một cô gái với một chiếc áo đỏ rực khiến cả con phố như bừng sáng. Khi tôi viết "Em đi lửa cháy trong bao mắt" thì có nghĩa tôi muốn nói màu đỏ của cô ấy đã làm rực cháy sức sống, rực cháy khát vọng của không biết bao nhiêu con người. 

- Cháy tới mức "Anh cháy thành tro em biết không". Tôi ngờ là lúc ấy, có lẽ chính ông cũng… thành tro mất rồi?

+ (Cười lớn…) Câu này hoàn toàn là do "tình thế chữ nghĩa" dẫn dắt nhé. Thực ra lúc đầu tôi chỉ muốn mượn hình ảnh một màu áo, một cô gái để nói về những đổi thay của cuộc sống, chứ không có ý làm một bài thơ tình. Nhưng chẳng biết chữ nghĩa dẫn dắt thế nào mà sang câu cuối tôi lại "thi tình hoá" cái ý ban đầu.

- Nhưng chính nhờ thế mà "Áo đỏ" từng được một nhà phê bình đánh giá là một trong những "bài thơ tán gái" xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại…

+ Nói là "thơ tán gái" cũng được, vì xét cho cùng thơ tình nào chả là thơ tán gái. Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ có thế, các bạn trẻ đã không yêu bài thơ đến vậy. Bài thơ của tôi cũng có một triết lý của nó chứ. Cậu nghĩ xem: "Anh cháy thành tro em biết không" -  trong tình yêu phải mãnh liệt, phải dám chết tới mức "thành tro" kia mà.

- Tôi tò mò muốn biết trong đời thường, nhà thơ Vũ Quần Phương có yêu mãnh liệt tới mức dám… "thành tro" như những gì mình viết hay không?

+ (Tủm tỉm cười…)

Có một "lũ rồ" thời xa vắng 

- Thôi, không làm khó ông nữa. Tôi muốn đặt vấn đề thế này: nói tới màu đỏ trong thi ca Việt Nam, người ta thường nhớ "Cuộc chia ly màu đỏ" của Nguyễn Mĩ - một bài thơ với một màu đỏ say mê, ám ảnh: "Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Mãi là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh cao vẫy gọi đoàn người…". Không biết là khi viết "Áo đỏ", ông có bị ảnh hưởng bởi màu đỏ của Nguyễn Mĩ không?

+ Không! Thời tôi người ta nhắc tới "Cuộc chia ly màu đỏ" ít lắm. Nhưng cảm ơn Đăng đã nhắc tới Nguyễn Mĩ, vì nhắc tới Mĩ là nhắc tới một ký ức thơ ca thời trai trẻ. Tôi nhớ là trước khi Mĩ ra chiến trường, cậu ấy rủ tôi và Xuân Quỳnh tới Văn Miếu chụp ảnh.

Tôi nhớ mãi hình ảnh cậu ấy dang rộng hai cánh tay rồi hỏi chúng tôi: "Mình có giống Hemingway (nhà văn chiến tranh nổi tiếng của Mĩ - PV) không này?". Xuân Quỳnh chọc lại: "Giống lắm, chỉ khác mỗi cái tài". Ai ngờ đâu, sau lần ấy Mĩ vào chiến trường và mãi mãi không trở lại. 

Trước đó thì tôi, Nguyễn Mĩ, Tô Hà cùng nhiều bạn thơ khác vẫn hay có thói quen lang thang với nhau vào các buổi tối để nói chuyện thơ ca một cách hồ hởi, một cách say mê, một cách bất cần, cứ như thể cả thế giới này chỉ có một nhúm nhỏ chúng tôi vậy. Giờ nghĩ lại thấy ngày ấy tụi tôi như một "lũ rồ", nhưng chính "lũ rồ" ấy, chính những buổi lang thang nói chuyện văn chương ấy lại kích thích chúng tôi sáng tạo.

- Trong những buổi tối "điên rồ", "lũ rồ" thi sĩ các ông chắc cũng nói nhiều tới những thần tượng thi ca?

+ Hồi ấy chúng tôi ngưỡng mộ lớp thi sĩ thơ mới như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận... Đứa nào được gặp một trong các anh ấy, rồi về khoe: "Anh Xuân Diệu bảo tớ thế này…", "anh Huy Cận dặn tớ thế kia…" thì cái cảm giác tự hào là rõ lắm.

Cá nhân tôi vẫn đặc biệt ngưỡng mộ Xuân Diệu. Có những câu thơ của anh ấy mà cho đến tận bây giờ đọc lại tôi vẫn rùng mình. Không thể cắt nghĩa nổi là nhờ nguồn cảm xúc nào, tư tưởng nào mà anh ấy có thể viết những câu thơ thiên tài như thế này: "Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người…".

- Nhưng đấy là khi những "gã trẻ điên rồ" nhắc đến thần tượng như nhắc đến những con người xa xôi, vĩ đại. Sau này tiếp xúc với họ rồi, cá nhân ông còn giữ được sự yêu mến ban đầu hay không?

+ Thú thật là sau này ra công tác, tôi bị nhiều người trong số ấy đối xử ác lắm. Tôi cũng làm việc với những người mà khi đọc thơ thì hay, nhưng sống gần thì khó chịu vô cùng.

Cậu nghĩ xem, thời bao cấp, mỗi năm mỗi người chỉ được bốn thước vải may áo, thế mà có ông thi sĩ nổi tiếng nọ cứ có thói quen mượn áo rồi… không trả. Không cho mượn thì ông ấy dỗi hờn, trách cứ, mà cho mượn thì coi như… mất áo. Nhưng tôi có thói quen là đã chơi với các nhà thơ thì cũng phải tự học cách dọn dẹp những cái xấu, những cái bừa của họ, để chỉ nhớ những cái tốt.

Ngoài ra, với những ai không cần phải tiếp xúc sâu thì cũng nên giữ khoảng cách. Tôi rất mê nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng hồi ông Sơn còn sống, ra Hà Nội chơi, bạn bè rủ tôi qua thăm mà tôi có qua đâu. Tôi sợ là qua rồi, chén chú chén anh rồi thì lại mất hết những sự yêu mến về nhau.

- Với ngay cả Xuân Diệu - người mà ông tuyệt đối ngưỡng mộ, ông cũng giữ khoảng cách như vậy?

+ Thoạt tiên đúng vậy. Đến mức mà khi Xuân Diệu bảo tôi: "Cậu ở lại đây, tôi muốn chia sẻ với cậu", tôi còn thốt lên "thế á", khiến chính Xuân Diệu cũng bất ngờ. Tuy nhiên sau này thì tôi gần gũi Xuân Diệu hơn.

- Cá nhân tôi cũng mê thơ Xuân Diệu. Nhưng tôi lớn lên ở một thời đại mà những hiểu biết về "một Xuân Diệu đời thường" chỉ có thể được khúc chiếu qua cảm nhận của những người khác cùng thời với Xuân Diệu. Và tôi thấy có 2 luồng cảm nhận khác xa nhau: Một Xuân Diệu say mê, hết mình; một Xuân Diệu tính toán, nhỏ nhen. Ý kiến của ông về chuyện này thế nào?

+ Tôi chợt nhớ những lần Xuân Diệu đi đọc thơ và cứ hay hỏi BTC xem hôm nay sẽ cho mình ăn gì. Nhiều người nhìn vào những thứ đại loại thế để nói Xuân Diệu nhỏ nhen. Nhưng Xuân Diệu từng bảo tôi rằng ông ấy ở nhà ăn uống đủ chất, nên khi đi nói chuyện, ít ra cũng phải được ăn như ở nhà.

Ông ấy hỏi thế để xem nếu họ không có tiền, ông ấy sẵn sàng đưa tiền cho họ. Với Xuân Diệu, nói chuyện thơ không phải để lấy tiền hay thỏa mãn ăn uống, mà để được thấy mình đang sống.

Một lần khác, Xuân Diệu viết bút ký cho Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng lại đòi phải tự mình đọc tác phẩm của mình. Thế là giữa trưa hè oi bức, Xuân Diệu cởi trần vào phòng thu âm. Mà lúc ấy Xuân Diệu già rồi, bụng phệ, thịt thừa nhiều rồi. Cho nên nhìn "Hoàng tử của thơ tình Việt Nam" cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, hì hà hì hục trong phòng đọc nhiều người thấy… kinh. Nhưng cá nhân tôi lại nghĩ đấy là  biểu hiện của một con người luôn sống chết với nghề.

- Nghe ông nói, tôi chợt có cảm nhận rằng: Cuộc sống đáng yêu hay không một phần phụ thuộc vào bản thân nó, nhưng phần quan trọng khác phụ thuộc vào cách ta tư duy về nó. Thành ra, bên cạnh việc mong mỏi cuộc sống vận động theo ý mình, thì mình cũng phải học cách tư duy về cuộc sống một cách tích cực - như thế mới thanh thản được.

Cảm ơn ông về cuộc nói chuyện hôm nay!

Giá trị của... sáo ngữ

"Ngoài bài "Áo đỏ", thế giới thơ tôi thực sự rất nghèo nàn màu sắc. Nói về màu sắc thì tôi khoái hai câu "Vài chàng tuổi trẻ sầu biêng biếc/ Mộng nở trong lòng sắc đỏ hoe" của Lưu Trọng Lư. Giờ đọc lại mấy chữ "sầu biêng biếc" thấy nó sáo quá. Mà thơ mới có nhiều chỗ rất sáo. Nhưng sáo cũng có giá trị của nó chứ, bởi nó gây ấn tượng, nó nâng hiện thực lên. Thi ca nói riêng và sự sống nói chung chỉ đáng sợ khi một lúc nào đó người ta không sáo được nữa…".

Giá trị của... thiếu thốn

"Hồi chúng tôi 20, lũ thi sĩ chúng tôi ai cũng nghèo, cũng thiếu thốn như nhau, vì thế mà chơi với nhau thoải mái lắm. Hồi ấy chỉ từ một bài thơ mà có thể kết thân với nhau. Nhưng các bạn trẻ bây giờ không như vậy. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì: "Người ta khó chơi với người nhà quê chúng mình". 

Thế mới biết sự thiếu thốn ngày xưa cũng có giá trị riêng của nó, ít nhất thì nó cũng giúp cho cuộc sống hoà đồng hơn, công bằng hơn bây giờ…".

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.