Chuyện dài quanh chiếc xe máy

Thứ Hai, 14/09/2020, 10:29
Để từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố".


Cụ thể, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp.

Hiện UBNDTP Hà Nội đã giao các Sở Tài nguyên - môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và các quận có liên quan thống nhất ý kiến về thí điểm đo kiểm khí thải xe máy và hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới để báo cáo UBND TP trước ngày 15-9.

Ngay sau khi thông tin về việc Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí để các chủ xe máy cũ nát đổi xe mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những người ủng hộ chủ trương này thì cho rằng Hà Nội hiện nay có hơn 6 triệu phương tiện nhưng mới chỉ có 500.000 xe ô tô được kiểm soát khí thải, niên hạn sử dụng, còn xe máy gần như "thả nổi". Trong khi xe máy đang chiếm trên 80% lưu lượng trên đường, nếu không kiểm soát được khí khải, niên hạn sử dụng thì việc giảm ô nhiễm môi trường cho đến kiểm soát xe cá nhân rất khó thực hiện.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội tính tới việc thu hồi những chiếc xe máy cũ nát. Năm 2017, TP Hà Nội đã đưa ra phương án này. Tuy nhiên, sau khi các bộ, ngành, tổ chức cho ý kiến phản biện, cơ quan soạn thảo thấy rằng nội dung này còn phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nghị quyết dự kiến trình HĐND TP không có nội dung thu hồi phương tiện cũ.

Thực tế hiện nay, mỗi khi ra đường, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ kỹ tới mức nhiều không: không biển số, không còi, không đèn, không gương vẫn được những người chở hàng sử dụng. Nhìn những chiếc xe này, ngay cả người không có chuyên môn về kỹ thuật xe cũng thừa hiểu nó không đảm bảo an toàn và cần phải loại bỏ. Nhưng vẫn có người dựa vào cái lý đó là cần câu cơm của không ít người lao động để biện minh cho việc đưa những cái xe như đống sắt vụn chạy ra đường.

Không chỉ xe máy cũ, ngay cả xe máy mới hiện cũng đang là vấn đề nhức nhối với moi trường giao thông đô thị khi bới tốc độ tăng trưởng khoảng gần 10%/ năm hiện nay, xe máy đang là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường và tắc đường tại các đô thị. Hà Nội hiệncó khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó có 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000.Vì thế, năm 2019, Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo lộ trình 3 giai đoạn 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030. Theo đó, đến 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố tiến tới 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành.

Nhưng đến đầu năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Việc cấm xe máy cá nhân đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người. Xe máy đã trở thành phương tiện tiết kiệm, thuận tiện và linh hoạt nhất, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển.

Nhìn về tương lai xa, để xây dựng đô thị xanh, an toàn thì việc hạn chế xe cá nhân, trong đó hạn chế xe máy tại các trung tâm thành phố là việc cần làm. Tuy nhiên, điều cần thiết với các nhà hoạch định chính sách là cần có chiến lược tổng thể và thực hiện trong thời gian sớm nhất về xây dựng hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì mới có thể cấm được xe máy. Còn như hiện nay, khimà các tuyến đường sắt đô thị vẫn nằm trên giấy sau cả chục năm xây dựng, xe buýt cũng chưa đủ thì nói chuyện cấm xe máy sẽ là việc bất khả thi. Và chuyện hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới vẫn chỉ là "đẽo cày giữa đường". 

Tân Lương
.
.
.