Căn bệnh trầm kha

Thứ Ba, 12/05/2015, 16:00
Mấy ngày nay, báo chí khá ồn ào về một công trình xây dựng hoành tráng ở huyện Hoài Đức, một huyện ngoại thành Hà Nội. Mặc dù không có giấy phép xây dựng nhưng công trình vẫn lừng lững mọc lên khiến người bốn phương tám hướng nhìn nhức mắt. Chính quyền và cơ quan quản lý có biết không? Tất nhiên họ quá biết công trình này trước và sau khi thi công.
Thế nhưng, như có "phép lạ", sau khi các đoàn kiểm tra đến hiện trường rồi ra quyết định đình chỉ thi công, xử phạt hành chính cách đây 3 năm, công trình vẫn được tiến hành bình thường và tới thời điểm này đã xong phần thô và đang hoàn thiện mặt ngoài. Chuyện nực cười chưa dừng lại ở đó. Diện tích tầng 1 của công trình là 125m² nhưng từ tầng hai tới tầng 13, diện tích mỗi tầng đã là 182m², nghĩa là công trình "nở thiên" gần 60m².

Vâng, căn bệnh trầm kha mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là việc xây dựng không phép, trái phép tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên cả nước nói chung. Đất không sinh sôi nhưng người thì càng ngày càng đông và thời nào cũng vậy, tấc đất luôn là tấc vàng.

Các thủ tục để cấp giấy phép xây dựng không chỉ tốn kém, mất nhiều thời gian nên một số người chấp nhận "đi tắt" với sự bật đèn xanh của các vị quản lý xây dựng. Chưa hết, có giấy phép rồi thì lại tìm mọi cách xây để diện tích sử dụng dôi ra trông thật "quái dị", bất chấp các quy chuẩn xây dựng, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người khác và bất chấp cả pháp luật.

Những con số này hẳn sẽ "vênh" nhiều so với thực tế: Trong năm qua, Sở Xây dựng Hà Nội cấp 19 giấy phép xây dựng;  UBND quận, huyện cấp 5.138 giấy phép xây dựng;  UBND xã cấp 494 giấy phép xây dựng. Qua thực tế thanh, kiểm tra, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã phối hợp với UBND các cấp kiểm tra 7.653 công trình, đã xử lý 1.162 trường hợp.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Trong đó có 642 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép và 34 trường hợp vi phạm khác. Cán bộ thanh tra xây dựng thật ra họ nắm hết các công trình như thuộc lòng bàn tay. Nhưng rồi nhiều công trình vẫn đi vào hoàn thiện ngay cả khi có hàng xấp đơn khiếu nại các cấp, bởi trước đó nó đã bị phạt cho có lệ hoặc nhận được "sự im lặng quý hơn vàng" của các nhà quản lý.

Rất nhiều đoàn công tác được cử đi nước ngoài hằng năm, tốn không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước những mong mang về các kinh nghiệm quý báu trong quản lý đô thị để áp dụng vào thực tế nước nhà. Vậy mà văn minh, trật tự đô thị vẫn luộm thuộm, nhà cửa nhom nhem trồi ra, thụt vào, không có một quy hoạch thống nhất. Đó là chưa nói tới thành phố quá nhiều "đường cong mềm mại", vừa phản cảm, vừa ảnh hưởng chung tới việc đi lại của người tham gia giao thông.

Nếu ai từng đặt chân tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc một lần sẽ không khỏi ngạc nhiên về chuyện văn minh đô thị cũng như môi trường thân thiện nơi đây. Đi cả ngày trời trên đường phố, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ được nhìn thấy những ngôi nhà có ban công lao ra hay những mái hiên di động đủ màu sắc lòe loẹt choán hết vỉa hè.

Còn tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, người đi bộ được ưu tiên nhất với vỉa hè rộng rãi, thoáng đãng. Liền với vỉa hè là những thảm cỏ xanh mướt, tiếp đến là hàng cây lưu niên rồi mới đến các khu chung cư. Người ta giải thích cần phải có những "khoảng lùi" như vậy, không chỉ tạo cảm giác mát mẻ trong ngày hè oi nồng, mà khi thành phố cần mở đường sẽ không bị ảnh hưởng đến khu vực nhà dân.

Bệnh nào rồi cũng có thuốc chữa. Với những công trình không phép hay sai phép, rất cần các cơ quan hữu quan mạnh tay xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu, sai phạm tới đâu xử lý đến đó và quan trọng hơn cả, mọi vi phạm đều bị xử lý. Mặt khác, các bộ quản lý nếu "bảo kê" công trình, vi phạm quy trình công tác, gây bức xúc dư luận địa phương dẫn tới những hậu quả khó lường thì cũng phải bị xử lý nghiêm khắc.

Chỉ có vậy, kỷ cương phép nước mới được giữ vững và văn minh đô thị được thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả.

Tuấn Nguyễn
.
.
.