Cách tự vệ của các tỷ phú thế giới

Thứ Ba, 06/10/2020, 10:16
Cách đây hơn một năm, thế giới lại đã có thêm một phen rúng động vì vụ bắt cóc nữ tỷ phú người Nam Phi có tên là Sandra Munsamy. Vào tháng 5 năm 2019, cô Sandra đang lái xe thì bị một nhóm người lạ mặt dùng súng chặn đường rồi bắt đi.


Cái cô “lắm tiền nhiều của” đó bị giam cầm liên tục trong suốt 162 ngày tại hang ổ của những kẻ bắt cóc. Chúng yêu cầu gia đình của vị nữ tỷ phú phải trả số tiền chuộc trị giá 7,8 triệu USD (hơn 180 tỷ VN đồng). Thật may mắn cho tỷ phú Sandra khi mà cuối cùng cảnh sát cũng khám phá ra nơi những kẻ bắt cóc lẩn trốn và giải thoát cho cô.

Điều đầu tiên mà các tỷ phú trên thế giới quan tâm đặc biệt để “bảo toàn tính mạng” cho bản thân, gia đình mình là thuê vệ sỹ. Những người được thuê tuyển làm vệ sỹ hầu hết từng làm việc trong ngành cảnh sát hay quân đội, đặc biệt là các cựu binh của các đơn vị lính đặc nhiệm. Tất nhiên là tiền lương trả cho họ phải ở giá cao ngất ngưởng, trung bình khoảng 1.000 USD/1 vệ sỹ/1 ngày.

Nhiều tỷ phú tìm đến các công ty vệ sỹ chuyên nghiệp để bảo vệ mình.

Tuy hiểu rằng vệ sỹ là để bảo vệ mình an toàn, ấy thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều vị triệu phú, tỷ phú vẫn không thật sự cảm thấy an toàn khi có người luôn kè kè bên cạnh. Họ cũng ngại không muốn khiến cho đối tác làm ăn cảm thấy như mình bị đe dọa trong khi đàm phán. Vậy nên ngành công nghiệp vệ sỹ cũng phải tự thay đổi. Số lượng vệ sỹ nữ đang tăng đều trong những năm gần đây. Một số công ty cung cấp dịch vụ vệ sỹ giả trang làm thư ký, người làm vườn, bồi bàn v.v… Những yêu cầu để trở thành một vệ sỹ chuyên nghiệp vì thế cũng đang tăng nhanh chả khác nào nhu cầu thị trường.

Các công ty như TorchStone còn cung cấp nhiều dịch vụ khác ngoài vệ sỹ. Ví dụ, họ có các chuyên gia khảo sát và xây dựng lịch trình cho khách hàng. Một người nổi tiếng khi xuất hiện trước công chúng thế nào cũng sẽ kích động đám đông. Nhiệm vụ của các chuyên gia này là giữ cho tình hình ổn định nhất bằng cách bố trí lịch trình làm việc của vị tỷ phú mà mình có nghĩa vụ bảo vệ. Giả dụ như khi vị tỷ phú ra nước ngoài công tác, các chuyên gia nói trên sẽ bố trí sao cho lúc ông ta rời khỏi văn phòng đối tác về khách sạn thì cũng trùng vào giờ thấp điểm.

Camera chỉ là một phần trong hệ thống an ninh nơi các tỷ phú sinh sống. Xu hướng gần đây là sử dụng các thiết bị sinh trắc học. Kể cả những loại khoá hiện đại, chắc chắn nhất vẫn có thể bị phá. Ngược lại, người lạ mặt gần như không thể qua mặt được thiết bị kiểm tra vân tay, kiểm tra tròng mắt. Hay thậm chí mới xuất hiện gần đây là thiết bị kiểm tra mạch máu dưới da tay.

Ông Al Corbi, Giám đốc công ty thiết kế hệ thống an ninh Safe (Mỹ), đã giới thiệu về giá trị sản phẩm của mình như sau: “Chỉ lắp đặt riêng hệ thống camera giám sát và vài thiết bị kiểm tra vân tay cho một toà biệt thự cỡ vừa cũng đã tốn khoảng 150.000 USD… Gần đây chúng tôi có một dự án trị giá đến hơn 10 triệu USD tại Los Angeles!”.

Với những tỷ phú chịu chi tiền nhất, họ có thể tự xây cho mình một cái lô - cốt hay hầm tránh bom. Các công trình này được xây dựng theo tiêu chuẩn quân đội và có khả năng chịu được những cuộc tấn công bằng thuốc nổ, hoá chất, mầm bệnh, hay thậm chí là cả bom hạt nhân nữa. Những người sống bên trong lô - cốt hay hầm ngầm sẽ có đủ thức ăn và những nhu yếu phẩm khác để sống hàng chục năm dưới lòng đất mà không cần phải ra ngoài.

Xin được trích catalog của một nhà thầu chuyên xây dựng công trình trú ẩn cho các biệt thự triệu đô: “Gói sản phẩm cơ bản: Một tầng hầm rộng 50m2 dành riêng cho việc trú ẩn. Tường làm từ bê - tông nung khối dày 30 cm. Trần, tường và sàn nhà được bọc lớp chống đạn đặc biệt. Cửa thép sử dụng công nghệ khoá tiên tiến của kho vàng tại Ngân khố quốc gia. Trong hầm có đủ các nhu yếu phẩm và nước sinh hoạt trong cả tháng trời… Trị giá sản phẩm: 150.000 USD!”.

Nếu đây mới chỉ là gói sản phẩm cơ bản thì thật khó để chúng ta tưởng tượng xem một sản phẩm cao cấp sẽ an toàn và đắt tiền đến mức nào nữa. Công ty này còn sẵn sàng cung cấp các hệ thống vũ khí tự động cho khách hàng của mình. Gia chủ chỉ cần quan sát qua màn hình camera để tìm ra kẻ đột nhập rồi bấm nút. Máy tính sẽ tự động triển khai súng săn giấu đằng sau đồ đạc trong nhà để tấn công kẻ đột nhập.

Hoặc trong trường hợp gia chủ không muốn đổ máu, họ có thể lắp máy phun sương tự động. Nhưng thay vì phun ra hơi nước, máy này lại phun khí gây mê. Kể cả những người khỏe nhất cũng sẽ gục xuống ngủ mê mệt trong vòng 5 phút kể từ khi hít phải loại khí có một không hai này.

Lại có không ít vị tỷ phú trên thế giới dành nhiều thời gian đi thuyền ngao du thế giới hơn là ở nhà mình. Bởi vậy, họ luôn phải đối mặt với mối nguy hiểm đến từ cướp biển. Mạng lưới cướp biển thế giới đang càng ngày trở nên manh động hơn bao giờ hết. Chúng sẵn sàng dùng vũ lực bắt cóc người trên du thuyền để đòi tiền chuộc.

Tỷ phú Mark Zukerberg chạy bộ tập thể dục cùng đội vệ sỹ của mình.

Để tự bảo vệ mình, các tỷ phú lại “vung tiền” thuê một đội ngũ vệ sỹ đông đảo, được trang bị vũ khí hẳn hoi. Tại các vùng biển quốc tế, họ sẵn sàng nổ súng trước nếu phát hiện ra cướp biển, trong khi hệ thống điện thoại vệ tinh trên tàu sẽ thông báo ngay cho lực lượng cảnh sát biển gần đó nhất. Nhờ vào những biện pháp này mà kể từ năm 2011 đến nay chỉ có đúng 4 chiếc tàu của các tỷ phú Mỹ bị cướp biển tấn công và chiếm giữ thành công trong số 31 vụ tấn công.

Máy bay cá nhân cũng là một thứ khiến cho giới triệu phú chi không biết bao nhiêu tiền để bảo vệ bản thân. Những báy bay cao cấp hạng sang nhất hiện nay đều được trang bị thiết bị chống tên lửa giống như là phi cơ chiến đấu vậy. Các máy bay này đều được đỗ và cất cánh, hạ cánh xuống những sân bay tư nhân, chứ không dùng sân bay thương mại nhằm mục đích tránh khả năng bị đặt bom. Bản thân các triệu phú cũng tự trang bị cho mình kỹ năng nhảy dù nhằm trong trường hợp xấu nhất vẫn có thể trốn thoát được.

Với tất cả những gì đã kể ra trên đây, liệu ngành công nghiệp bảo vệ tỷ phú liệu có thể mở rộng ra nữa không?! Câu trả lời là có. Xin hãy cùng làm thử một thí nghiệm như sau: dùng Google để tìm kiếm về những người có mặt trong danh sách 500 tỷ phú giàu có nhất thế giới của tạp chí Fortune. Ngoại trừ những trường hợp như các ông Bill Gates, Warren Buffett, Michael Bloomberg v.v… quý bạn sẽ tìm thấy rất ít thông tin về những tỷ phú “có số có má” còn lại. Kể cả những bức ảnh của họ cũng là ảnh cũ mà thôi.

Sở dĩ lại có điều đó là vì, nếu thông tin cá nhân của họ và gia đình bị lộ ra, những kẻ có ý đồ xấu sẽ dễ dàng theo dõi họ rồi gây án để kiếm chác tiền bạc. Thường thì các tỷ phú trên thế giới rất hiếm khi trả lời phỏng vấn. Và nếu vì một lý do khách quan nào đấy mà báo chí đưa tin về họ, ngay tức thì các tỷ phú sẽ sẵn sàng trả tiền cho Facebook, Google, hay các tờ báo, trang tin… để họ xoá ngay thông tin về mình đi. Trong thời kỳ mà thứ gì cũng có thể trên mạng Internet được, cách làm trên của các tỷ phú thế giới có lẽ là cách hiệu quả nhất để tự bảo vệ bản thân.

Với những người bình thường không có tiền bạc để thuê vệ sỹ, liệu có cách nào để phòng tránh việc bị cướp giật, bắt cóc không?! Chúng ta có thể học tập nhiều vị tỷ phú qua cách sống của họ. Một trong những “kinh nghiệm xương máu” của những người này như sau: không bao giờ phô ra sự giàu có của bản thân, dù chỉ trong chốc lát trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, người ta (tỷ phú) không đeo trang sức, vàng bạc trên người.

Còn với những chiếc xe họ (tỷ phú) sử dụng cũng đều là loại xe thông thường. Rồi nữa, họ hiếm khi xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật tại những cơ sở kinh doanh, vui chơi giải trí cao cấp. Bằng cách gạt đi thói sĩ diện vớ vẩn để “tự giấu mình đi” một cách khiêm nhường đầy khôn ngoan như thế mà rất nhiều tỷ phú trên thế giới dễ dàng hoà mình vào thế giới chung quanh một cách thân thiện nhất và tránh được mọi mối nguy hiểm đang rình rập. Xem ra cái cách tự làm cho mình “nhỏ đi” đầy thú vị nói trên của các tỷ phú thế giới rất đáng để chúng ta tham khảo đấy chứ?!.

Vũ Thịnh Quang (tổng hợp)
.
.
.