Chút tình gửi theo hoa rơi hữu ý

Thứ Sáu, 04/08/2017, 08:00
Nhà báo - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn là một cây bút quen thuộc với bạn đọc cả nước. Ngoài lĩnh vực truyền thông, anh còn hoạt động sáng tác và nghiên cứu văn học. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn phê bình "Hoa rơi hữu ý" của Lê Thiếu Nhơn.


Phê bình thơ là một thể loại không đơn giản, rất kén người đọc và càng kén người viết. Thế nhưng, sau tập phê bình "Thi ca nết đất" in năm 2011, Lê Thiếu Nhơn vẫn kiên trì và tận tụy đọc thơ của các đồng nghiệp mình một cách nghiêm túc.

Trong lời mở đầu "Hoa rơi hữu ý", tác giả xác định: "Xã hội càng tiến bộ, thơ càng được in ồ ạt. Tín hiệu ấy đáng mừng chứ không phải đáng lo, bởi ai cũng được bày tỏ niềm riêng, ai cũng được dự phần sáng tạo. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho độc giả, đòi hỏi phải chọn lọc hơn, đòi hỏi phải tinh tế hơn.

Trước bao nhiêu vần điệu du dương một cách thỏa mãn, người đọc lương thiện sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều sự thật ê chề và nhiều trắc ẩn chênh vênh bị xua đuổi khỏi những trang thơ tán tụng đong đưa. Quá trình đô thị hóa hối hả, nhiệm vụ nặng nề của thi ca là níu giữ giùm cộng đồng chút giá trị ít ỏi của những vẻ đẹp thoáng qua như những nỗi mơ mộng hắt hiu".

"Hoa rơi hữu ý" viết về 22 gương mặt nhà thơ Việt Nam, trong đó có những người đã khuất như Văn Cao, Phùng Cung, Đông Hồ, Hữu Loan, Tường Vân, Chim Trắng… và cũng có những người đang thăng hoa trên văn đàn như Dư Thị Hoàn, Thanh Tùng, Lê Thành Nghị, Y Phương, Trần Thị Huyền Trang…

Đặc biệt, trong cuốn sách, tác giả dành nhiều tình cảm khi viết về hai nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng và Lê Đình Hòa. Qua hai số phận, một người bị mù từ năm 3 tuổi (Huỳnh Duy Siêng) và một người bị mù từ năm 20 tuổi (Lê Đình Hòa) ít nhiều tác giả giúp độc giả hiểu được thi ca có sức mạnh nâng đỡ cho con người giữa mệnh kiếp trớ trêu!

Bìa sách “Hoa rơi hữu ý” của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Cái hay của "Hoa rơi hữu ý" không chỉ nằm ở sự tinh tế và sự sắc sảo, mà còn nằm ở sự thẳng thắn. Phê bình thường ngại đụng chạm, nhưng Lê Thiếu Nhơn đã vượt qua được trở ngại ấy. Ví dụ, viết về thơ Thi Hoàng: "Thao tác làm thơ của Thi Hoàng chẳng khác gì một người câu cá chuyên nghiệp.

Có khi cao hứng, Thi Hoàng cứ mài giũa lưỡi câu sao cho thật nhọn hoắt, sao cho thật sáng choang, khiến bao đồng nghiệp vị nể mà đàn cá cũng... hoảng sợ.

Và khi một lưỡi câu có nét lóng lánh của một... cây kim, chắc chắn không câu được con cá nào", hoặc viết về thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Vừa trọng âm vận vừa trọng nhạc tính, nên lời thơ thường tràn qua cả ý thơ. Hoàng Nhuận Cầm luôn muốn dùng một bài thơ để kể một câu chuyện nên khoảng trống thẩm mỹ lẽ ra được ưu tiên có mặt giữa những câu thơ hoặc những đoạn thơ, đành phải nhường chỗ cho ngôn từ cảm thán!".

Với tư cách một nhà phê bình, Lê Thiếu Nhơn quan niệm rất rõ ràng về công việc sáng tác thơ: "Thế kỷ 21, dù áp dụng ẩn dụ mạnh mẽ và dù theo đuổi trường phái tân kỳ, thì vai trò nhà thơ sẽ lu mờ dần trong tài sản tinh thần hiện đại, nếu không học cách bênh vực sự chân thành lặng lẽ đang chới với giữa sự toan tính khéo léo và sự hào nhoáng tráo trở.

Đức tin dành cho thi ca vẫn còn nguyên, nếu từ run rẩy chữ nghĩa mong manh nhói lên giọng thơ u uẩn buồn góp phần hóa giải tổn thương thời đại!". Vì vậy, đọc "Hoa rơi hữu ý", điều đáng trân trọng là tác giả đã xác lập được giá trị cho nhiều nhà thơ mà xưa nay ít được công chúng quan tâm. Bằng những câu thơ trích dẫn thuyết phục, Lê Thiếu Nhơn mang đến sự cảm mến cho người đọc về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Thực, Hải Kỳ, Tường Vân…

Với Trần Quốc Thực, anh nhận định: "Tuổi thơ mồ côi gian khó cộng với bao nhiêu tháng ngày lầm lũi gian nan, thơ Trần Quốc Thực như những vệt sáng lóe qua số phận anh và nâng đỡ cho số phận anh… Tạng người của nhà thơ Trần Quốc Thực hầu như không có khả năng chống đỡ bất kỳ sóng gió nào của thời cuộc. Từ bước chân đến tâm hồn của Trần Quốc Thực đều chực nghiêng về đổ vỡ và đắng cay.

Trần Quốc Thực tồn tại bằng sự bơ vơ và sự cô độc. Anh chỉ có thể là anh, khi ngồi một mình để thả hồn vào mông lung vô tận". Với Hải Kỳ, anh đánh giá: "Thơ Hải Kỳ không có nhiều đột phá về ngôn ngữ cũng như cấu trúc. Chuyến mạo hiểm duy nhất mà thi sĩ Hải Kỳ muốn tung tẩy khỏi nhịp điệu quen thuộc, là học theo cách của tiền bối Bích Khê viết "Tỳ bà" toàn vần bằng, để có bài thơ "Trăng xa" gửi gắm chút lãng đãng hư không: "Đêm đen nhiều nên tôi yêu trăng. Đa mang nhiều nên lòng băn khoăn. Ngày mai rồi mây giăng muôn hàng. Ngày mai rồi tìm đâu trăng vàng".

Thế nhưng, chỉ những câu thơ chậm buồn cũng đủ cho thi sĩ Hải Kỳ nôn nao về đời mình, và cũng đủ cho đọc giả yêu mến thi sĩ Hải Kỳ!". Còn với Tường Vân, anh chia sẻ: "Một giá trị không thể phủ nhận được của thi ca là độc giả nhìn thấy được tâm tính của tác giả. Không ai che giấu được bản ngã trước thơ và cũng không ai che giấu được tâm trạng trong thơ. Tường Vân không mong thành danh với thơ, nhưng nhờ thơ mà thế hệ sau đã hiểu được những ngày tháng ân cần và xa vắng mà Tường Vân từng trải Tường Vân viết không nhiều, trong lầm lũi cơm áo và trong liêu xiêu men rượu. Lúc Tường Vân còn sống, thơ anh nảy nở ở vỉa hè. Và lúc anh mất rồi, thơ anh vẫn tồn tại ở vỉa hè một cách đáng ngạc nhiên!".

Có những nhà thơ quen thuộc bạn đọc, ngỡ không còn chỗ nào để khen - chê thêm, thì Lê Thiếu Nhơn vẫn có phát hiện của riêng mình. Chẳng hạn, với nhà thơ Y Phương: "Trong tiến trình phát triển văn hóa Việt, tác phẩm các nhà thơ dân tộc thiểu số góp phần giảm bớt độ chênh lệch của những trực cảm về những giá trị tinh thần khác biệt. Nhà thơ Y Phương có mặt thật mới mẻ trên một bút pháp quen thuộc: khai thác mối quan hệ ngoại cảnh và nội tâm.

Đời sống muôn màu đổ bóng vào trang thơ mà trình bày cái tình ngổn ngang của tác giả. Cái tình ở thơ Y Phương khi trầm khi bổng, khi bâng khuâng khi nghẹn ngào ít nhiều chứng minh rằng, nhà thơ nhạy cảm bao giờ cũng giống như một ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa xã hội xô bồ, nhưng lại thường trực nhu cầu giao tiếp với những mảnh hồn lênh đênh!", hoặc với nhà thơ Thanh Tùng: "Không được mài giũa bởi bản lĩnh thẩm mỹ và năng lực trí tuệ, Thanh Tùng trình bày một lối thơ nguyên sơ được vọt khởi tùy hứng, triển khai tùy hứng và kết thúc tùy hứng.

Thơ Thanh Tùng phi kỹ thuật, cấu trúc mỗi bài mông lung thường được cộng hưởng bởi câu thơ đột ngột tinh tế và ý nghĩ quyết liệt đớn đau, thỉnh thoảng lại thêm lời cảm thán não nùng… Thơ Thanh Tùng thưa vắng sự chiêm nghiệm. Ông cứ áp sát cuộc sống để từng va đập đền bù cảm xúc thi ca…

Thơ Thanh Tùng hơi rối rắm, nhưng nếu bỏ công gọt giũa và chọn lọc lại khoảng 40 bài, thì những tác phẩm được viết từ "một trái tim chưa hề mệt mỏi" sẽ có được một vóc dáng nhà thơ mà không ít kẻ cầm bút bon chen hưởng nhiều phúc lộc và xưng tụng, ắt cũng phải ganh tỵ đấy!".

Nhà báo - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh các năm 2007-2009-2010. "Hoa rơi hữu ý" là tập phê bình thứ hai của Lê Thiếu Nhơn, sau tập "Thi ca nết đất" in vào năm 2011. Cuốn sách không dày, chỉ vỏn vẹn 170 trang, nhưng "Hoa rơi hữu ý" phác thảo được một diện mạo thơ Việt hôm nay.

Và quan trọng hơn, "Hoa rơi hữu ý" thể hiện tấm lòng của một nhà báo - nhà thơ: "Người Việt muốn hội nhập văn hóa thế giới, điều trước tiên phải làm là tự soi rọi tâm hồn mình, để suy nghiệm tâm hồn Việt nắng mưa nhẫn nại, tâm hồn Việt gió mây chịu đựng, tâm hồn Việt dằn vặt yêu thương, tâm hồn Việt bãi bờ tha thứ, tâm hồn Việt đại ngàn khoan dung. Thi ca có thể gánh vác sứ mệnh ấy, nếu công chúng chia sẻ được những thao thức của nhà thơ chưa bao giờ khô cạn trên từng dòng bản thảo xanh xao.

Tập sách này được hoàn thành không có tham vọng gì lớn lao, ngoài mục đích truy vấn một câu hỏi vừa âm thầm vừa sốt ruột: Nhiều nhà thơ đã thả ưu tư vào bộn bề hôm nay như hoa rơi hữu ý, lẽ nào bạn đọc như nước chảy vô tình...?".

Nguyễn Thái Sơn
.
.
.