Tạm đóng cửa quán bar, vũ trường phòng dịch COVID-19:

Cơ hội để chấn chỉnh hoạt động giải trí

Thứ Năm, 19/03/2020, 08:53
Việc TP HCM và một số tỉnh, thành đóng cửa vũ trường, quán bar, karaoke, massage… để phòng ngừa dịch COVID-19 là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, được người dân đồng tình.

Bởi những nơi này không chỉ là địa điểm tập trung đông người, tiếp xúc gần mà còn thu hút du khách vốn dễ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đối với “dân bay chuyên nghiệp” thì đó là một thông tin như “sét đánh ngang tai”. Nhưng đây chính là cơ hội để chấn chỉnh hoạt động giải trí, loại trừ mầm mống phát sinh tội phạm...

TP HCM chỉ có 10 vũ trường hoạt động có giấy phép, số còn lại với hơn 150 vũ trường, quán bar hoạt động “chui”, đó là chưa kể đến hàng trăm quán cà phê, karaoke biến tướng thành bar. 

Chủ doanh nghiệp xin thành lập nhà hàng, khách sạn, cà phê… có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini. Nói là mini nhưng nhiều nơi có sức chứa lên đến hàng trăm người. Số lượng quán bar, vũ trường có nhiều ở khu vực trung tâm thành phố (quận 1,3,5,10); ở vùng ven, ngoại thành số lượng ít và nhỏ.

Từ hàng trăm lượt kiểm tra vũ trường, quán bar trong thời gian vừa qua cho thấy, mỗi quán bar, vũ trường khi bị kiểm tra bình quân có 100 người thì phân nửa trong số này là dương tính với chất ma túy. 

Dân đi bar, vũ trường chỉ có số ít là khách du lịch, còn lại là các “cậu ấm cô chiêu”, con nhà giàu có nhưng chơi bời lêu lổng, đối tượng tội phạm, giang hồ, gái mại dâm cao cấp, tiếp viên nhà hàng… “đốt” tiền để mua “cảm giác mạnh” từ tiếng nhạc chát chúa, xập xình. 

Sau đó là những buổi tiệc “quẩy tới bến” với ma túy và cuối cùng là những cuộc “mây mưa” trong khách sạn, nhà trọ. Điều đáng nói là số lượng đối tượng nghiện ma túy đá mới góp mặt trong các quán bar, vũ trường cứ tăng theo thời gian, cho thấy sự “lây nhiễm” còn hơn bất cứ dịch bệnh nào.

 “Lấy lời khai nhiều người nghiện ma túy ở các quán bar, vũ trường các đối tượng này đều cho biết vướng vào ma túy từ sự rủ rê của bạn bè. Nhiều đối tượng được bạn bè rủ đi chơi bar, đến nơi, được bạn mời “cắn” thuốc. Lúc đầu từ chối, nhưng khi bạn bè xúi giục thử một lần cho biết rồi khích nào là “nhát”, “dân quê”, không đẳng cấp… thì tự ái, muốn chứng minh mình và rồi không dứt ra được”, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Anh Vũ (Phó Đội trưởng Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM) cho biết…

Dân “bay lắc” được phát hiện trong bar 030X8.

Nếu tính một cách sơ bộ, trung bình mỗi ngày, số lượng con nghiện tìm đến 160 quán bar, vũ trường và hàng trăm điểm trá hình khác cũng phải trên dưới 10.000 người. Khi TP HCM đóng cửa tất cả các quán bar, vũ trường thì số con nghiện này vẫn còn đó. Từ thực tế lâu nay cho thấy, mỗi khi có vũ trường, quán bar nào bị kiểm tra và tạm đóng cửa thì dân “bay lắc” lại dồn sang địa điểm khác. 

Khi lực lượng chức năng thành phố rầm rộ ra quân kiểm tra thì dân “bay lắc” lại dạt sang các quán bar, vũ trường ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. 

Một số khác thì chọn thuê khách sạn, biệt thự rồi trang bị máy móc, thiết bị âm thanh để tiếp tục cuộc vui vì khi đã nghiện “bay lắc” thì họ khó lòng mà cưỡng lại được. Do vậy, các địa phương cần quản lý tốt địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý con nghiện thuê biệt thự, khách sạn để “sống bầy đàn” là việc cần làm trong thời điểm này.

Về những khó khăn, bất cập, nghịch lý trong xử lý các vũ trường, quán bar, Báo CAND đã rất nhiều lần đề cập nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì chuyển biến. Tính đến thời điểm này, ở TP HCM chỉ duy nhất có 1 chủ quán bar bị xử lý hình sự là đối tượng Lê Văn Tiến, một Việt kiều Mỹ, chủ quán bar 030X8 nằm trên đường Nam Quốc Cang, quận 1. 

Còn tất cả các cơ sở khác bị kiểm tra phần lớn xử phạt hành chính, có một số vụ có xử lý hình sự (như ở quán bar 212 Nguyễn Trãi, quận 1; bar 86 Hùng Vương, quận 5…)  nhưng chỉ là quản lý, nhân viên, khách chơi bị bắt quả tang khi tàng trữ, mua bán ma túy. 

Việc xử phạt hành chính vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng chẳng đáng là bao so mới mức thu nhập kếch xù mà người chủ quán bar thu được. Một nghịch lý nữa là quán bar dù có bị xử phạt một lần hay 20 lần thì cũng như nhau vì sau đó vẫn hoạt động, thách thức dư luận, chính quyền. Lý do đơn giản là vì các sai phạm trong hoạt động của quán bar không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2014.

Đã vậy, để lách luật, các chủ quán bar, vũ trường còn nghĩ ra hàng loạt “độc chiêu” để biến mình thành người vô tội. Một số người chủ bị phạt hành chính nhiều lần, để an toàn hơn, họ chuyển doanh nghiệp sang tên cho người thân rồi tiếp tục hoạt động như chẳng có chuyện gì xảy ra. 

Tiếp đến họ làm một giấy ủy quyền giao cho người quản lý toàn quyền điều hành quán và chịu trách nhiệm trước pháp luật những việc mình làm. Nên trong trường hợp có vi phạm pháp luật hình sự xảy ra thì người chủ đều thoát tội. 

Còn về con nghiện bị phát hiện trong quán bar, vũ trường, phần lớn có nơi cư trú ổn định ở TP HCM chỉ bị xử phạt hành chính rồi được ra về. Chỉ có số ít người có hộ khẩu ngoài thành phố mới đưa đi cai nghiện bắt buộc ở các trung tâm. Vì luật đã quy định thế nên cơ quan Công an không thể làm khác hơn.

Kẽ hở của pháp luật đã rõ; chiêu đối phó của người kinh doanh quán bar, vũ trường cũng đã tường, nhưng vì sao những hoạt động phức tạp, biến tướng của bar, vũ trường vẫn tồn tại? 

Chúng tôi hy vọng rằng trong khoảng thời gian tạm ngưng hoạt động này, cơ quan có thẩm quyền các cấp cần có sự đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của quán bar, vũ trường để đề ra giải pháp hiệu quả, xử lý mạnh tay, ngăn chặn nguồn “lây nhiễm” ma túy cũng như xóa sổ các “bầu sữa” nuôi nấng tội phạm này.

Mã Hải
.
.
.