Dưa hấu ế thừa: Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch nông sản

Thứ Hai, 13/04/2015, 08:59
Nông sản ế thừa dẫn đến chuyện nông dân bị ép giá, thương lái cũng “chết dở” vì thu mua nông sản chở lên biên giới xuất khẩu, nhưng lại bị ách hàng tuần trời, dưa hỏng phải bỏ đi. Bao năm nay, câu chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại nhưng không có phương án nào giải quyết.

Dưa hấu 5.000 đồng và câu chuyện về tinh thần tương thân, tương ái

Cộng đồng mạng những ngày qua nóng ran câu chuyện dưa hấu 5.000 đồng/kg. Người người, nhà nhà rủ nhau đăng ký mua dưa ủng hộ người dân miền Trung. Ngoài điểm bán dưa ủng hộ nông dân vùng lụt Quảng Nam với số lượng trung bình 20 - 30 tấn/ngày ở số 11 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội), còn có 2 điểm bán dưa Quảng Ngãi chở về từ cửa khẩu Tân Thanh, do một cá nhân khác đứng ra liên hệ với thương lái. Tuy nhiên, số lượng dưa về bao nhiêu hết bây nhiêu, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Rất nhiều người đăng ký mua dưa nhưng chờ cả tuần vẫn chưa mua được.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Như Quỳnh, người có ý tưởng thu mua dưa của bà con Quảng Nam với giá cao gấp 3 lần thương lái cho biết, tại ruộng, dưa của nông dân bị thương lái ép giá mua với mức 600 - 1.000 đồng/kg. Anh và bạn bè đã quyết định kêu gọi mọi người ở Hà Nội mua dưa ủng hộ, và đã tự bỏ tiền riêng để thu mua 185 tấn dưa chuyển ra Hà Nội. Sau khi mua của nông dân với giá 3.000 đồng/kg, cộng thêm các chi phí khác, giá dưa ra đến Hà Nội, bán đến tay người dân là 5.000 đồng/kg. Đây là mức giá phi lợi nhuận.

Mỗi ngày, trung bình có 2 xe ôtô loại 18 tấn lặc lè chở dưa ra. Nhưng hầu như không ai mua được dưa bán lẻ ở đây bởi số lượng người đặt hàng tấn dưa quá nhiều, số dưa chở ra một ngày không thể đáp ứng nhu cầu của mọi người nên khách mua lẻ 1-2 quả đều không có hàng. Ngoài các điểm bán dưa hấu tròn Quảng Nam, dưa hấu dài của Quảng Ngãi cũng được bán với giá khá rẻ 7.000 đồng/kg (giá thị trường 15-18k/kg).

“Mỗi trái dưa, một tấm lòng”, những ngày qua, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đang dồn hết tình cảm cho người dân miền Trung.

Trao đổi với chúng tôi ngày 11/4, anh Quỳnh cho biết, đến thời điểm này nhóm của anh đã tiêu thụ hết 185 tấn dưa của Quảng Nam và còn đang nợ đơn hàng 150 tấn dưa nữa.

Nông sản ế thừa dẫn đến chuyện nông dân bị ép giá, thương lái cũng “chết dở” vì thu mua nông sản chở lên biên giới xuất khẩu, nhưng lại bị ách hàng tuần trời, dưa hỏng phải bỏ đi. Bao năm nay, câu chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại nhưng không có phương án nào giải quyết.

Năm nào cũng xảy ra tình trạng ách tắc dài hàng kilomet xe chở dưa tại cửa khẩu chờ được thông quan, được mùa mất giá dưa liên tiếp xảy ra nhưng năm sau vẫn tiếp tục tái diễn câu chuyện của năm trước. Không chỉ có dưa hấu, hàng loạt nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, cà chua, hành, ớt… thường xuyên rơi vào tình trạng rớt giá, nông dân bỏ thối tại ruộng... mà nguyên nhân chính là việc trồng tự phát, phá vỡ quy hoạch.

Việc phát động, kêu gọi mua dưa ủng hộ người nông dân là một hành động thiết thực, nhưng không phải là phương án cốt yếu để giải quyết vấn đề nếu ngay tại vùng sản xuất, người nông dân không thay đổi nhận thức cũng như chính quyền địa phương không vào cuộc.

Chấm dứt “phá rào” quy hoạch mới hết tình trạng ế thừa, ép giá

Năm ngoái, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên và phía Nam cũng đã xuất hiện tình trạng người nông dân tự ý chặt bỏ cây cao su, cà phê vì rớt giá để trồng thay thế vào đó cây hạt tiêu, chôm chôm, măng cụt. Thống kê cũng cho thấy, diện tích các loại cây sắn, thanh long tăng rất nhanh, vượt xa so với quy hoạch.

Cụ thể như ở tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng thanh long đã lên tới 22.000ha, trong khi quy hoạch đến năm 2015 chỉ có 15.000 ha. Bộ NN&PTNT cũng thống kê, diện tích cây cà phê dự kiến đến năm 2015 chỉ ở khoảng 500.000ha, nhưng hết năm 2013, tổng diện tích cà phê cả nước đã tới 630.000ha. Hay như cây sắn ở Đắk Lắk năm 2010 có 27.500ha, đến đầu năm 2014 đã lên đến 35.000ha, trong khi quy hoạch chỉ có 15.000ha. Ồ ạt trồng, rồi ồ ạt phá bỏ cho thấy, nông nghiệp của chúng ta chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường, tự phát và manh mún.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cảnh báo việc phá vỡ quy hoạch nông sản, Bộ đã liên tục nhắc nhở các Sở NN&PTNT địa phương về vấn đề này. Nhưng thực tế, xé rào vỡ quy hoạch vẫn cứ xảy ra, không chỉ dưa hấu mà hàng loạt cây trồng khác như cao su, cà phê, thanh long…

Ông Định cho biết, cũng rất khó giải quyết vấn đề vì đất đai hiện đã giao quyền tự chủ cho nông dân sản xuất, vì vậy, ngành Nông nghiệp cũng chỉ đưa ra khuyến cáo về khả năng tiêu thụ và quy hoạch diện tích.

“Mọi quyết định vẫn nằm trong tay nông dân. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con hiện vẫn theo phong trào, thấy “hàng xóm” trồng cây gì có lãi là đồng loạt làm theo dẫn tới cung quá cầu, thay vì được giá lại là được mùa rớt giá. Trong vấn đề dưa hấu, hằng năm Bộ NN&PTNT đều khuyến cáo bà con tránh ồ ạt xuống giống, cần rải đều để tránh rơi vào tình trạng thừa thãi, nhưng… ế dưa hấu vẫn tái diễn”, ông Định cho biết..

Trở lại vụ việc hàng nghìn xe dưa dấu ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu nông dân được khuyến cáo, hỗ trợ để trồng dưa lệch vụ, sẽ kéo dài thời gian thu hoạch dưa, không bị quá tải về nhu cầu thì sẽ giải quyết được khâu ách tắc đầu ra. Hiện nay thu hoạch dưa chỉ đúng 1 tháng và sản lượng quá lớn, trong khi đó, việc xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc không phụ thuộc vào phía Việt Nam mà quan trọng nhất là phía Trung Quốc.

“Việc thông quan nhanh đến đâu đi nữa mà phía Trung Quốc chậm mua thì cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Ngay đầu năm, Bộ Công Thương đã có công văn để cảnh báo việc điều tiết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chúng ta đã không làm tốt”, ông Trần Thanh Hải phân tích.

Ngọc Yến
.
.
.