Đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới

Thứ Năm, 24/11/2022, 07:29

Nhiều vụ ngộ độc thuốc lá điện tử suýt cướp đi tính mạng của học sinh, sinh viên xảy ra trong thời gian qua là những lời cảnh báo róng riết đến giới trẻ. Song, hút thuốc lá điện tử, shisa đã trở thành thú vui  của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11 đã đưa ra nhiều giải pháp.

2.jpg -0
Một sinh viên nguy kịch tính mạng do sử dụng thuốc lá điện tử.

Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận học sinh vào cấp cứu trong tình trạng kích thích, loạn thần, ảo giác và suy hô hấp do ngộ độc các chất có trong thuốc lá điện tử. Gần đây nhất, một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đã đến Khoa Sức khoẻ vị thành niên khám trong tình trạng khó thở và co giật. Điều đáng nói là nam sinh này nghiện thuốc lá điện tử trong một thời gian dài mà gia đình không hề hay biết. Nguyên nhân do em hay tụ tập với các anh lớp trên, sau đó bị rủ rê hút thuốc lá điện tử và ngày càng sa đà. Về sau, học sinh này tự mua thuốc lá điện tử trên mạng về hút mà cha mẹ không biết, họ chỉ thấy con trở lên bướng bỉnh, cáu gắt, có hành vi chống đối bố mẹ.

Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nam sinh về chơi với bà nội ở Hoà Bình và tự do hút thuốc. Đến khi cậu xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở, co giật, gia đình đưa con tới bệnh viện mới biết nguyên nhân. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà học sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y quốc gia để tìm độc chất và kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện.

Trước đó, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn phải nhập viện do co giật, hôn mê, kích thích, đồng tử giãn sau khi hút thuốc lá điện tử, được bạn đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), xu hướng tiêu thụ thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử trong giới học sinh, sinh viên tăng lên, gây ra rất nhiều hệ luỵ trong giới trẻ. Tỷ lệ thanh, thiếu niên 15 - 24 tuổi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với tỉ lệ chung là 7,3%, tỉ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18. “Đây đang là sản phẩm bất hợp pháp, nhưng xu hướng tiêu thụ đã gia tăng, nếu trong điều kiện là sản phẩm tự do tiêu dùng thì tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng không biết sẽ tăng đến mức nào”, bà Trang nói.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, nếu tăng nhanh tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ. Tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp và chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử; tăng nguy cơ lạm dụng ma túy với thuốc lá điện tử. “WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ”, BS Lâm nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Trang cho biết, theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.

Hiện nay, thuốc lá thế hệ mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu và xách tay. Đồng thời, đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok… và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới. “Vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo trên các trang mạng xã hội, mời bán công khai các sản phẩm thuốc lá điện tử”, bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang đề xuất cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trong 2 năm. Nhưng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa có điều chỉnh đối với thuốc lá nung nóng và điện tử. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật chưa điều chỉnh đối với 2 thuốc thuốc lá trên. Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử…

“Với các vấn đề trên có nên thí điểm trên chính sức khoẻ của trẻ em, thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước hay không? Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe”, bà Trang nhấn mạnh.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2012, từ đó đến nay đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, song hiệu quả chuyến biến chưa cao. Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.

Trần Hằng
.
.
.