DN vận tải "tố" cơ quan truyền thông thổi phồng sự việc chưa giảm giá cước!?

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:05
Mới đây, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đã viết bức tâm thư gửi tới Bộ GTVT, Bộ Tài chính “giãi bày” về việc giảm giá cước vận tải.

Bức thư nêu rõ: Thực chất từ ngày 21/1/2015 đến 3/9/2015 giá dầu diesel tăng 2 lần và giảm 7 lần bù trừ, thì tổng giá dầu diesel chỉ giảm 1.860đ chiếm 11,5% chứ không phải giảm 3.300đ/lít.

Mức nhiên liệu giảm 11,5% với chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40% giá thành vận tải thì tỷ lệ giảm giá vé chỉ từ 3,45-4,6%. Trong khi đó, tuyến vận tải hành khách cố định của các tỉnh chủ yếu có cự ly dưới 100 km, với giá vé chỉ từ 15.000đ - 50.000đ/hành khách thì mức giảm tương ứng từ 300đ-2.000đ/vé, nhưng một số cơ quan truyền thông thổi phồng sự việc gây bức xúc trong dư luận?

Bức thư cũng nêu rõ: Hiện nay kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến cố định rất khó khăn do cung vượt cầu, xe nhiều khách ít, phải cạnh tranh khốc liệt, sản lượng hành khách giảm từ 5-10%, cả tuần chỉ được 2 ngày thứ bảy và chủ nhật đủ khách, còn những ngày giữa tuần chạy xe lượng khách không nổi 50% số ghế, lợi nhuận không đủ để tích lũy phát triển?

Trong lĩnh vực vận tải hành khách theo tuyến cố định, các doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận tải giá thành cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực đồng thời một số chi phí khác tăng cao như: lương, BHXH, vật tư sửa chữa, vé cầu đường các tuyến BOT. Ngoài ra chỉ số lợi nhuận trong bảng kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải quá thấp chỉ từ 3-5% thì doanh nghiệp làm sao có khả năng tái đầu tư phương tiện mới, phục vụ tốt hơn cho hành khách. Với các nội dung trên, các doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước không nên dùng các biện pháp ép doanh nghiệp phải giảm giá cước vận tải, nên để doanh nghiệp tự điều tiết theo cơ chế thị trường cho lành mạnh.

Trao đổi với phóng viên, về bức “tâm thư” này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiệp hội hoàn toàn nhất trí và đồng tình với các thông tin, lập luận, căn cứ chính xác và khoa học của chủ nhân bức thư nói trên.  “Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp cung cấp kết hợp với một số thông tin khác, để phối hợp với Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, gỡ rối cho các đơn vị vận tải tuyến cố định”, ông Liên cho hay.

Tuy nhiên, mới đây, tại  một buổi tọa đàm bàn cách can thiệp giảm giá cước vận tải, khi giá xăng dầu giảm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã tổ chức, các diễn giả đều cho rằng biện pháp hành chính không thể thay đổi cơ bản giá cước mà cần thiết phải xây dựng một ngành vận tải mở rộng hơn, nhiều DN được tham gia vào ngành này để có giá cạnh tranh tốt hơn.

Có vị cũng cho rằng, khoản 5 điều 11 Luật Giá có quy định DN phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Do đó, việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của DN vận tải. DN không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt theo Nghị định 109/2013, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý.

Vị này cũng khẳng định, DN có thể không giảm giá cước nếu chứng minh được tuy giá xăng dầu giảm nhưng có những chi phí đầu vào khác tăng giá làm cho giá cước không thể giảm được, ví dụ có tăng lương. Nếu các yếu tố hình thành giá đều ổn định, mà trong đó có giá xăng dầu giảm, thì DN phải giảm giá tương xứng.

Đặng Nhật
.
.
.