Xuất khẩu muốn bền vững phải giảm phụ thuộc

Thứ Hai, 07/12/2015, 08:16
Chiếm đến gần 80% tổng kim ngạch của cả nước, nhóm hàng công nghiệp đang đóng một vai trò rất quan trọng trong bức tranh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thành tích chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng tốt của nhóm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi Việt Nam vẫn chưa có một nền sản xuất với các sản phẩm có thương hiệu khiến tăng trưởng thiếu bền vững và lợi ích thu được rất eo hẹp.


Nhiều năm nay, vấn đề này đã được mang ra bàn luận, nhưng chưa biết khi nào mới thực sự tìm được giải pháp.

Tham luận về chính sách, giải pháp phát triển bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng tại một cuộc hội thảo gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xét riêng hoạt động thương mại quốc tế, trong 9 tháng đầu năm 2015, nhóm công nghiệp chế biến chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số này đã chứng minh, xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với xuất khẩu chung của cả nước. 

Trong những năm qua, một số ngành như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải đều có sự tăng trưởng khá cao và bền vững. Tuy nhiên, trong số đó đóng góp chủ yếu có thể kể đến những “ông lớn” Samsung, Intel… với đóng góp cho xuất khẩu vài chục tỷ USD hàng năm. Ngoài những "ngoại binh", các DN Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, hưởng lợi ít ỏi và phụ thuộc lớn vào đơn hàng của các DN nước ngoài. 

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, thời điểm hiện nay có nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường, có thêm nhiều đối tác kinh doanh. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế cũng giúp Việt Nam gia tăng được danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu với nhiều ưu đãi. 

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ cũng là yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, tiềm năng không tự nó biến thành lợi ích, điểm cốt yếu vẫn là các DN tận dụng các cơ hội đó ra sao?

Gia công và phụ thuộc nguồn nguyên liệu là những lý do khiến xuất khẩu trong nước không bền vững dù kim ngạch đạt cao.

Chia sẻ kinh nghiệm của DN mình, ông Bùi Việt Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty May Sông Hồng, cho biết, trong 3 năm trở lại đây, May Sông Hồng đã chuẩn bị cho việc phát triển và hội nhập, đặc biệt là đón đầu TPP. Từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực tay nghề cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động và quản lý chất lượng đều được chú trọng để từng bước nâng cao sức cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, công ty này cũng đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn dệt may lớn trên thế giới, trong nước và khu vực, tuyển dụng những nhân sự giỏi, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng sở hữu trí tuệ, đầu tư các thiết bị may chuyên dùng tự động hóa. 

Đối với thách thức lớn nhất về vấn đề xuất xứ, May Sông Hồng sẽ làm việc với các nhà sản xuất vải trong nước và các nước thành viên để hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất may, nhà cung ứng vải và nhập khẩu. Điều mà cách DN quan tâm hiện nay, ngoài nỗ lực tự thân, là Nhà nước sẽ có những chính sách gì để tiếp sức cho DN.

Ngược lại với dệt may là ngành được dự báo đứng trước những cơ hội lớn, ngành thép lại gặp muôn vàn khó khăn trong hội nhập. Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, cho biết, Campuchia là thị trường chủ lực của Thép miền Nam, nhưng chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan, Trung Quốc. 

Nhận định 2016 sẽ là một năm khó khăn cho xuất khẩu sang Campuchia vì thị trường này nhận được nhiều vốn ODA từ Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Phúc kiến nghị Nhà nước cần xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép, quản lý chặt “sân nhà”, tránh sự xâm lấn của thép Trung Quốc.  

Một khó khăn lớn khác của các DN trong nước là việc không chủ động được nguồn nguyên liệu, mà phụ thuộc vào nhập khẩu (phần lớn từ Trung Quốc), đặc biệt đối với những ngành công nghiệp cơ bản và mũi nhọn như hóa chất, kim loại, cơ khí chính xác. Nhiều DN đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Nam Phương
.
.
.