Vận tải thủy lao đao trong "bão dịch" COVID -19

Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:33
Tính đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã diễn ra được gần 4 tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này cũng đang khiến các doanh nghiệp vận tải thuỷ, vận tải biển lao đao không kém các doanh nghiệp đường bộ, hàng không. Dự kiến lỗ có thể vượt ngoài con số 500 tỷ đồng và nguy cơ phải dừng hoạt động đội tàu là khó tránh…

Đại diện Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2020, vận tải thủy gặp khó sau nhiều năm tăng mạnh. Trong đó, lĩnh vực vận tải khách du lịch bị tác động nặng nhất do dịch COVID-19. Gần như toàn bộ hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa tạm ngưng hoạt động.

Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng cho biết, thông thường tháng 2-3 là mùa cao điểm trong năm, mỗi tuần có 7-10 chuyến tàu du lịch, chiếm 1/3 doanh thu của cả năm. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, cả 3 tàu du lịch sông Hồng của Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng (Hà Nội), với sức chở 40-150 khách, giá trị lên tới 3 tỷ đồng chưa một lần rời bến Chương Dương vì không có khách. Điều này chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, thu nhập cả năm của người lao động.

“Chúng tôi đang cho 30% nhân sự nghỉ không lương, sắp tới số người nghỉ có thể tăng lên 50%”, ông Thành nói và cho biết, doanh thu gần như không có, trong khi doanh nghiệp đang phải gánh thêm nhiều chi phí, trong đó có tiền thuê đất hơn 50 triệu đồng/tháng, lương nhân viên… Cũng trong lĩnh vực vận tải khách, từ tháng 3-2020 đến nay, hơn 100 tàu khách du lịch ở hồ thủy điện Hòa Bình đều dừng hẳn, hàng nghìn lao động không có việc làm, thu nhập.

Vận tải thủy “lao đao” theo dịch COVID-19.

Một chủ tàu than vãn, năm trước vay mượn được hơn 1 tỷ đồng để đóng tàu mới, nhưng chỉ chạy được 2 chuyến đã phải nghỉ, giờ không có việc nên không còn cách nào khác ngoài việc khất nợ. Tất cả các tàu nghỉ hoạt động nên Cảng thủy du lịch Thung Nai - cảng lớn nhất ở đây, cũng phải đóng cửa theo. Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II tại Hòa Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tất cả tàu du lịch đều neo đậu một chỗ khiến hàng trăm hộ gia đình không có việc làm, mất thu nhập.

Trong khi vận tải thuỷ chở khách phải dừng hẳn thì vận tải hàng hoá hoạt động trong tình cảnh cầm chừng. Lãnh đạo Công ty Vận tải Hải Nam cho biết, đơn vị có 5 tàu pha sông biển (tàu SB) chạy tuyến Bắc - Nam đang phải thay nhau nghỉ vì không có hàng và còn bị tàu biển chạy tuyến quốc tế quay về cạnh tranh.

“Mặt hàng sắt thép, bột đá, clinker và hàng tiêu dùng giảm khoảng 30%, lại thêm tàu biển chạy tuyến quốc tế không có việc, quay về hoạt động nội địa khiến các tàu SB gặp khó. Dù giảm giá cước 10-15% vẫn ít đơn hàng. Trung bình chi phí cho mỗi tàu nằm bờ khoảng 15 triệu đồng/ngày nên đơn vị buộc phải giảm 30% lương tất cả lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn này”

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp vận tải thuỷ nội địa mà còn tác động tiêu cực tới vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Lãnh đạo Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, ngoài việc ảnh hưởng đến các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc, dịch bệnh còn ảnh hưởng chung đến toàn bộ thị trường vận tải biển khu vực cũng như trên toàn thế giới, khan hiếm nguồn hàng, tiền cước, sự gia tăng ngày tàu chờ/chạy rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí… Đối với lĩnh vực được xem là “con gà đẻ trứng vàng” là khai thác cảng biển, như cảng Quy Nhơn, từ sau khi xảy ra dịch bệnh, thời gian dỡ hàng của tất cả các tàu đều lâu hơn do thời gian kiểm tra của phía Trung Quốc kéo dài hơn.

“Thời gian phát sinh khiến sản lượng chuyên chở của các tàu vận tải giảm từ 10 - 15%, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cảng cũng bị giảm với tỷ lệ tương đương. Nếu thời gian trước, cảng Quy Nhơn khai thác 30/30 ngày, hiện tại số giờ làm việc của cảng chỉ còn 20 ngày”- đại diện Vinalines nói.

Các hãng tàu lớn trên thế giới như Maersk, MSC, CMA-CGM, ... đều cắt giảm sản lượng do phải loại bỏ các cảng của Trung Quốc trong hành trình, dẫn tới giảm 30-40% sản lượng bốc xếp tại cảng. Hoạt động logistics của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với các khách hàng Trung Quốc hiện đang tạm dừng. Hoạt động tạm nhập tái xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí lưu kho đặc biệt là kho lạnh tăng cao.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng khối cảng biển toàn Tổng công ty ước tính giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận. Sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines giảm 10-15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng và lỗ toàn đội tàu sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, đặc biệt là đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay - việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ và các ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn.

Trước thực trạng trên, Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, nguồn hàng; kiến nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp của Tổng công ty; Thực hiện cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoanh nợ gốc khi chưa xử lý nợ… nhằm hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID- 19 gây ra.

Còn phía doanh nghiệp vận tải thuỷ  cũng đề đạt nguyện vọng: Nhà nước cần có đánh giá để chia sẻ khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, trong đó có thể tính đến việc giãn, giảm nộp thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng.

Đặng Nhật
.
.
.