Vẫn cần thận trọng khi khoai lang “sốt” giá

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:42
Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó khoai lang được xác định là cây trồng chủ lực. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bên cạnh việc tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ứng dụng kĩ thuật, nông dân cần tổ chức lại sản xuất để giảm bớt rủi ro.

Hiện tại giá khoai lang tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long), vùng trồng khoai lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long tăng gấp 3-4 lần so với cách đây 2 tháng. Khoai lang tím Nhật rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, dao động từ 800.000-900.000 đồng/tạ (60kg). Có thương lái trả 1 triệu đồng/tạ nhưng nông dân không còn khoai để bán. Với giá này, trừ chi phí nông dân còn lời khoảng 10 triệu đồng/công đất (1.000m²). Giá khoai lang tăng do vào cuối vụ nông dân không còn khoai để bán.

Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết, mỗi ngày nông dân chỉ thu hoạch trên 10ha. Trong số 1.300ha diện tích trồng khoai lang của huyện Bình Tân, hơn 2/3 diện tích mới xuống giống, số còn lại phần nhiều chưa tới ngày thu hoạch. Do giá khoai tăng, người dân đồng loạt xuống giống, thiếu vệ sinh đồng ruộng.

Theo ông Ngô Văn Tua, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (xã Thành Đông, huyện Bình Tân), từ tháng 4 đến tháng 8-2015, giá khoai lang rớt thê thảm, chỉ còn từ 100.000 - 200.000 đồng/tạ. Những loại khoai không đúng kích cỡ, thương lái không mua, bán trong nước chỉ còn chừng 50.000 đồng/tạ khiến hàng loạt nông dân thua lỗ. 

Ông Trần Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông cho biết: “Thời gian này, có 1 vị nguyên phó chủ tịch xã đã đi thuê 100 công đất trồng khoai lang đã lỗ hơn 1 tỉ đồng”. Chính vì vậy, nhiều hộ phải chuyển từ trồng khoai lang sang trồng lúa hoặc cây màu khác, nên hiện nay vào cuối vụ khoai lang, nông dân không còn khoai để bán.

Tình trạng khi vào mùa thu hoạch rộ khoai lang, nông dân bị ép giá làm giá khoai giảm. Cuối vụ thì giá tăng lên, bà con lại bỏ lúa trồng khoai, vòng lẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc chỉ tập trung thu mua giống khoai lang tím Nhật và luôn có sự thay đổi về quy cách làm cho người sản xuất khoai lang không thể nắm được thị trường tiêu thụ, đầy rủi ro. Nông dân sản xuất theo kiểu tự phát, tập trung trồng nhiều giống khoai lang tím Nhật nên gặp lúc thu hoạch, sản lượng nhiều bị ứ đọng phải bán với giá rẻ, thua lỗ nặng.

Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó khoai lang được xác định là cây trồng chủ lực. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bên cạnh việc tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ứng dụng kĩ thuật, nông dân cần tổ chức lại sản xuất để giảm bớt rủi ro.

Văn Vĩnh
.
.
.