Tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo nguồn thu ngân sách ngay từ đầu năm

Thứ Ba, 08/01/2019, 08:59
Là một trong 16 địa phương có số thu ngân sách lớn của cả nước, nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai năm 2018 chỉ ở mức 50.707 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 94% so với dự toán.

Trong đó thu nội địa đạt 33.707 tỉ đồng, bằng 88% so với số dự toán đầu năm và chỉ có lĩnh vực thu từ hoạt động XNK đạt 17.000 tỉ đồng, bằng 110% so với dự toán. Đây là vấn đề đang được Đồng Nai tìm cách tháo gỡ ngay từ những ngày đầu năm để đảm bảo nguồn thu ngân sách cho năm 2019.

Phân tích về lý do khiến số thu ngân sách năm 2018 không “cán đích”, ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, năm 2017 số thu từ DN tư nhân đóng trên địa bàn chỉ có 2.436 tỉ đồng, trong khi năm 2018, tỉnh được giao ở mức 3.060 tỉ, tăng 26%. Thu từ DN có vốn đầu tư FDI, năm 2017, Trung ương giao 11.800 tỉ đồng nhưng năm 2018, tỉnh được giao thu 15.500 tỉ, tăng hơn 30%.

Một góc khu trung tâm TP Biên Hòa với KCN Biên Hòa 2 đã được lấp đầy.

Với nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân, năm 2017, tỉnh được giao 4.200 tỉ, nhưng sang năm 2018, tỉnh đã phải thu 5.400 tỉ đồng. Năm nay, dù nguồn thu từ khu vực FDI đang phải đối mặt với thực trạng giảm thu do việc cắt giảm nhiều dòng thuế XNK từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhưng nguồn thu FDI đang chiếm 40% tổng thu ngân sách của Đồng Nai vẫn là nguồn được tập trung duy trì, khai thác.

Thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong các KCN, ông Mai Văn Nhơn, Phó Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay, năm ngoái, tỉ lệ giải ngân vốn FDI tại Đồng Nai đạt khá cao, chỉ thu hút được 1,77 tỉ USD nhưng đã giải ngân được 1,45 tỉ. Các KCN Đồng Nai đóng góp phần lớn vào xuất khẩu của địa phương và các DN trong KCN cũng chiếm phần lớn trong 2,6 tỉ USD xuất siêu của Đồng Nai năm 2018 vừa qua.

Về thu hút vốn đầu tư vào các KCN, năm nay tỉnh vẫn tiếp tục duy trì định hướng ưu tiên các dự án xanh, sạch; các dự án công nghệ cao, vật liệu mới, công nghiệp phụ trợ, các dự án có quy mô lớn và các dự án ít thâm dụng lao động. Hiện tại, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai về số lượng dự án và vốn đầu tư.

Trong định hướng cho năm nay và sắp tới, Đồng Nai vẫn sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư đến từ châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, để tận dụng Hiệp định CPTPP, năm 2019 này, Đồng Nai sẽ chú trọng đến thị trường châu Âu thông qua việc tiếp xúc nhiều hơn với các đối tác, Phòng Thương mại châu Âu và các tổ chức khác đến từ khu vực này.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai chia sẻ, nhìn lại năm 2018, xuất khẩu của Đồng Nai đạt 18,6 tỉ USD và xuất siêu 2,6 tỉ USD. Năm nay Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu suất khẩu trên 20 tỉ USD và xuất siêu trên 3 tỉ USD.

Để xây dựng mục tiêu này, ngay từ quý 3-2018, Sở Công thương đã tham khảo các DN FDI và DN trong nước thông qua lượng đơn đặt hàng còn kéo dài đến tháng 6-2019 để tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra con số tăng trưởng 10-12% về xuất khẩu, cao hơn so với mức tăng 9,1% của năm ngoái. Đi vào từng ngành nghề cụ thể, qua rà soát ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai tập trung vào sợi, dệt, da giày, điện tử cũng còn tiềm lực tăng trưởng tốt.

Ông Dũng cho biết, ngành mũi nhọn của Đồng Nai đặt ra hiện nay là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Tự tin vào thực tế xuất siêu của Đồng Nai nhiều năm qua, ông Dũng cho rằng chính việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu, lấy nguyên liệu đầu vào của DN này là sản phẩm của DN kia mà Đồng Nai đã làm tốt với nhóm các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã kéo giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh cho DN để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cũng theo ông Dũng, ngoài 35 KCN, đến nay đã có 32 KCN đi vào hoạt động và đã lấp đầy được 70%, Đồng Nai còn 27 cụm công nghiệp và hiện cũng đã có 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với 195 DN nên các cụm công nghiệp sẽ hỗ trợ rất lớn cho DN vừa và nhỏ tiếp cận đất đai, nhà xưởng để phát triển sản xuất, tạo đà cho xuất khẩu.

Để đẩy nhanh việc phát triển cụm công nghiệp, những năm qua Đồng Nai cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để gỡ khó cho các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp như hỗ trợ 20 tỉ để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải tập trung; hỗ trợ giải phóng mặt bằng…     

Theo ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó Cục trưởng Cục thuế Đồng Nai, để góp phần đảm bảo số thu ngân sách, Đồng Nai là địa phương tiên phong của cả nước trong việc đấu tranh, ngăn chặn với tình trạng chuyển giá. Năm ngoái, Cục thuế Đồng Nai đã lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng và đã tiến hành truy thu khoảng 310 tỉ đồng.

Tỉ lệ nợ đọng thuế ở Đồng Nai hiện chỉ ở mức 4,76% tổng thu, nhưng nợ có khả năng thu chỉ chiếm 2%. Để chống thất thu thuế, qua các đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2018, Cục thuế Đồng Nai cũng đã thu được khoảng 700 tỉ đồng nên năm nay công tác này tiếp tục được Cục thuế Đồng Nai đẩy mạnh triển khai.

Bảo Sơn
.
.
.