Chuyện người quản lý

Quá nhiều lúng túng, kẽ hở trong chính sách thuế

Thứ Bảy, 18/07/2015, 11:20
Vụ việc truy thu 345 tỷ đồng thuế tạm nhập – tái xuất của các đầu mối xăng dầu lùm xùm suốt từ năm 2013 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, cùng với vụ việc truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt gần đây của Sabeco có những điểm chung lớn là đều xuất phát từ sự không rõ ràng của văn bản và đều hứa hẹn sẽ kéo dài chưa có hồi kết. Hai vụ việc này cũng tiêu biểu cho sự lúng túng trong quản lý thuế của cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính.

Nhắc lại vụ việc của các DN đầu mối xăng dầu, từ năm 2009 cho đến năm 2012, thực hiện Thông tư 194 (2010) hướng dẫn Nghị định 154, xăng dầu tạm nhập – tái xuất nếu có nhu cầu chuyển tiêu thụ nội địa sẽ không phải mở tờ khai mới mà chỉ cần nộp thuế nhập khẩu tại thời điểm mở tờ khai cũ.

Tuy nhiên, vào năm 2012, khi chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng dầu thay đổi liên tục do biến động giá thất thường của mặt hàng này, Bộ Tài chính bỗng có Công văn số 17060 do Chánh văn phòng Bộ ký ngày 7/12/2012, yêu cầu Hải quan các địa phương khi làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa cho DN xăng dầu “phải thay tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 154 và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế” và hồi tố cho cả năm 2012.

Với quyết định này, các DN phải nộp thuế bổ sung cho cả năm 2012 với con số 345 tỷ đồng đã nêu ở trên. Quyết định này có 3 điểm khiến các DN đầu mối xăng dầu (mặc dù sau đó đã nộp đủ số thuế theo yêu cầu), nhưng cho đến nay vẫn không phục, thậm chí đã có DN uỷ quyền cho Hiệp hội Xăng dầu mang vụ việc ra giải quyết trước pháp luật. Thứ nhất, các DN đầu mối cho rằng, từ trước đến nay họ vẫn tuân thủ pháp luật, thực hiện nộp thuế theo hướng dẫn của Thông tư 194 của Bộ Tài chính, không hề có vi phạm.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan bỗng dưng lại truy thu thuế năm 2012, còn các năm từ 2011 trở về trước coi như làm đúng. Mặt khác, các DN cho rằng Văn bản số 17060 ngày 7-12-2012 không đề cập đến truy thu, hồi tố; như vậy nếu có áp dụng cách tính mới, thì áp dụng từ ngày văn bản có hiệu lực trở đi, chứ không thể truy thu của năm 2012 như cách Bộ Tài chính làm.

Theo Petrolimex, riêng năm 2012, ngoài việc họ phải nộp bù 170 tỷ đồng, thì ngược lại ngân sách cũng phải trả họ 20 tỷ đồng đã nộp thừa. Nếu áp dụng hồi tố cho cả năm 2009, 2010, Bộ Tài chính cũng phải trả họ 60 tỷ đồng. Điểm thứ 3 là Văn bản 17060 là văn bản không đúng luật, và sau này Bộ Tư pháp cũng đã bác công văn này, vì Chánh văn phòng Bộ Tài chính không thể ký một văn bản điều chỉnh Thông tư. Như vậy, cái sai thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, do Thông tư 194 hướng dẫn sai tinh thần Nghị định 157, nhưng sau đó lại bắt DN gánh chịu.

Vụ việc Sabeco cũng có những biểu hiện tương tự, khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng Thông tư 05 của Bộ Tài chính có “kẽ hở”, dẫn đến tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco 408 tỷ đồng, và cũng chỉ đề nghị truy thu của năm 2013, trong khi Sabeco (và nhiều DN khác) đã áp dụng cách tính này từ năm 2008. Trong cả 2 vụ việc này, tiền đều không phải là vấn đề, vì Sabeco cũng như nhiều DN đầu mối xăng dầu bị truy thu đều là DN nhà nước, tiền đều là tiền nhà nước cả, chỉ rút từ túi nọ đút vào túi kia. Tuy nhiên, cách làm của các cơ quan quản lý Nhà nước khiến họ không phục.

Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật đã lên tiếng phản đối việc “bắt DN phải gánh chịu hậu quả và chi phí phát sinh do kẽ hở của luật pháp” này, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước mới là người gây ra kẽ hở, chứ không phải DN.

Hai vụ việc trên là những ví dụ tiêu biểu cho thấy cách quản lý thuế hiện nay rất có vấn đề. Báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến thuế giai đoạn 2011-2014 mới đây cũng cho biết: chính sách thuế không hề ổn định, vì chỉ trong 4 năm này, đã sửa đổi, bổ sung 8 luật về thuế. Bên cạnh đó, một số nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các luật về thuế còn chậm, chưa kịp thời gây khó khăn cho tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Vũ Hân
.
.
.