Phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Thứ Tư, 05/05/2021, 06:21
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. 

Do vậy, để chủ động và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) trong nước thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng trước sức ép hội nhập.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá XK của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Việt Nam chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Ảnh minh hoạ internet

Lý giải về xu thế gia tăng này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, lý do chính gia tăng của các vụ việc PVTM áp dụng với hàng XK từ Việt Nam là do XK của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của đại dịch COVID-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân. Trong khi đó, nhờ sự quyết liệt trong phòng, chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có XK. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra PVTM để bảo hộ sản xuất, đặc biệt là với các nước vẫn duy trì XK tốt như Việt Nam.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Tính đến hết quý I/2021, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường…

Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. 

Có thể thấy, các biện pháp PVTM đã mang lại những kết quả rất lớn. Trong đó, các biện pháp PVTM được nhận định là đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực liên quan.

Theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính đang đóng góp khoảng gần 6% GDP của cả nước (theo GDP Việt Nam năm 2019). Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Qua theo dõi tác động của các biện pháp, Cục PVTM nhận thấy hiện tượng nhập khẩu ồ ạt những sản phẩm là đối tượng áp dụng biện pháp PVTM đã giảm đi đáng kể. Như đối với mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm. Nhờ công cụ PVTM, một số DN đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Đặc biệt, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

 Để hỗ trợ các DN hạn chế những rủi ro, trong năm 2021, Cục sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM để hỗ trợ DN trong việc chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng. Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra PVTM đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Phan Đức
.
.
.