Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng 6,2% là khả thi

Thứ Năm, 01/01/2015, 09:29
Đây là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tại báo cáo về tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015. 

Tại báo cáo, nhận định về triển vọng kinh tế năm 2015, UBGSTCQG cho rằng, tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong. Sở dĩ như vậy vì không chỉ tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2015, mà tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế.

Phân tích cụ thể hơn, về phía cầu, UBGSTCQG cho rằng, tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ giúp cải thiện sức mua của dân chúng. Với cầu đầu tư, UBGSTCQG dự báo, đầu tư tư nhân cũng sẽ được cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của DN và hộ gia đình.

Đặc biệt, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn với triển vọng TPP được ký kết trong năm 2015. Bên cạnh đó, việc sửa đổi và dự kiến sửa đổi nhiều luật quan trọng, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũng tạo điều kiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam...

Còn về phía tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế. Hơn nữa, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước.

Trên cơ sở tính toán về tỷ trọng của xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu trong tổng giá trị công nghiệp, với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, UBGSTCQG cho rằng, giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, UBGSTCQG cho rằng, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2015, như: giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách; kinh tế thế giới mặc dù phục hồi nhưng chậm và còn không ít bất trắc; giá hàng hóa thế giới được dự báo giảm không chỉ trong năm 2015, mà thậm chí ở những năm tiếp theo phần nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam...

Mặc dù vậy, đánh giá tổng quát, UBGSTCQG nhận định, năm 2015 sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng. Dựa trên phân tích định lượng, Cơ quan dự báo tốc độ tăng trưởng quý I-2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kì năm 2014. “Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi”, UBGSTCQG nhận định.

Mặc dù năm 2015 sẽ có những cải thiện về đầu tư tư nhân, nhưng nhìn chung, để duy trì được tốc độ tăng trưởng dài hạn thì nhất thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN, thị trường tài chính; có biện pháp nâng cao năng suất chung của nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, thì cần phải thực hiện tái cơ cấu từng ngành, từng DN.

Cùng với tăng trưởng, con số lạm phát luôn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của nền kinh tế. Nhận định về chỉ số này, theo UBGSTCQG, ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì trong năm 2015. Theo đó, lạm phát sẽ không có biến động lớn, do tổng cầu trong năm 2015 mặc dù cải thiện so với năm 2014 nhưng ở mức độ vừa phải và không gây áp lực lên lạm phát.

Trong khi đó, giá hàng hóa thế giới được dự báo sẽ giảm trong năm 2015, tạo điều kiện cắt giảm chi phí sản xuất và không tạo ra yếu tố lạm phát chi phí đẩy. Đồng thời, lạm phát tâm lí sẽ tiếp tục ổn định nhờ ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2014.

“Do đó, lạm phát trong năm 2015 phụ thuộc chủ yếu vào chính sách quản lý giá các mặt hàng cơ bản”, UBGSTCQG nhấn mạnh và dự báo: Lạm phát cơ bản (không tính đến giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) trong năm 2014 ở khoảng 3%. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán cũng được dự báo vẫn duy trì thặng dư. Mặc dù nhập khẩu có thể gia tăng do kinh tế phục hồi nhưng ổn định vĩ mô, nỗ lực cải cách thể chế và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là nền tảng duy trì sự ổn định của FDI, kiều hối, ODA và FII.

“Cán cân thanh toán thặng dư tạo điều kiện cho chính sách tỷ giá. Tuy nhiên, cần lưu ý một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá: Lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng sẽ giảm cơ hội duy trì mức chênh lệch cao giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ trong nước. USD nhiều khả năng tiếp tục đà tăng giá so với ngoại tệ khác, kéo theo VND lên giá so với ngoại tệ khác, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, UBGSTCQG lưu ý.

Nhóm PV
.
.
.