Khó kiểm soát dịch vụ đấu giá tài sản

Thứ Bảy, 12/11/2011, 11:11
Chuyện cạnh tranh không lành mạnh để giật mối cũng đã xuất hiện: Để lôi kéo khách hàng, DN sẵn sàng trả hoa hồng cho người đưa tài sản đến nhờ bán đấu giá hoặc thỏa thuận mức chi phí tổ chức thấp nên những loại tài sản phải bán thi hành án, tài sản cầm cố… đều được chuyển dần sang cho DN bán đấu giá...

Cùng với xu thế đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực công chứng, thi hành án… nhằm giải quyết vấn đề bức thiết cho người dân, lĩnh vực bán đấu giá tài sản cũng được mở cửa. Tuy nhiên, trong khi vấn đề xã hội hóa các hoạt động tư pháp đòi hỏi phải có lộ trình, thì hoạt động dịch vụ tổ chức bán đấu giá lại được làm một cách ồ ạt trong khi nhu cầu về bán đấu giá tài sản chưa đến mức quá tải. Thực trạng này đã khiến hoạt động dịch vụ tổ chức bán đấu giá tài sản tại thành phố TP Hồ Chí Minh dần rơi vào thế khó kiểm soát.

Quy định mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 trung tâm dịch vụ bán đấu giá của Nhà nước; bản thân doanh nghiệp (DN), cơ quan, tổ chức có tài sản không được tự ý thực hiện bán đấu giá mà phải thông qua đơn vị làm dịch vụ bán đấu giá chuyên nghiệp… đã tạo ra lĩnh vực kinh doanh mới mẻ đối với DN.

Mức phí đơn vị tổ chức đấu giá tài sản lại được thu khá cao, tới 18,5 triệu đồng cho tài sản có giá 1 tỷ đồng và 2 triệu đồng cho mỗi tỷ tiếp theo. Trong khi điều kiện được cấp thẻ đấu giá viên trước đây tương đối đơn giản: không cần phải qua đào tạo, bồi dưỡng; chỉ cần có bằng đại học trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có thể trở thành đấu giá viên và nghiễm nhiên có thể đại diện pháp luật của DN đăng ký kinh doanh ngành nghề tổ chức dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Vì vậy, trước khi Nghị định số 17 của Chính phủ quy định về hoạt động bán đấu giá có hiệu lực vào ngày 1/7/2010, tại TP Hồ Chí Minh, DN đua nhau đăng ký kinh doanh ngành nghề này. Hiện tại, đã có trên 1.000 DN đăng ký hoạt động và số DN thực sự có tổ chức bán đấu giá trên địa bàn khoảng 40-50 DN. Đăng ký kinh doanh ồ ạt theo kiểu tay ngang, đa ngành nghề như vậy, trong khi giấy phép đăng ký hoạt động ngành nghề dịch vụ bán đấu giá tài sản thì do Sở KH&ĐT cấp. Còn quản lý trong quá trình hành nghề của DN lại do Sở Tư pháp đảm trách nên trừ những DN thường xuyên hoạt động, những đơn vị lâu lâu mới tổ chức được một cuộc bán đấu giá và không báo cáo tình hình hoạt động thì Sở Tư pháp khó nắm hết. 

Về chất lượng đấu giá viên, tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm cho biết: Viên chức của trung tâm phải qua làm việc, cọ sát thực tế với hoạt động tổ chức bán đấu giá từ 3-4 năm mới được trung tâm đề xuất cấp chứng chỉ đấu giá viên. Trong quá trình làm việc, mỗi tháng đấu giá viên xử lý tới vài chục hồ sơ. Còn với DN hành nghề tổ chức dịch vụ bán đấu giá, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây dù chẳng học luật, “đùng một cái” đã được cấp chứng chỉ đấu giá viên.

Khách tham gia ngồi chờ tới phiên đấu giá.

Từ sau ngày 1/7/2010 trở lại đây, dù điều kiện để được cấp chứng chỉ là phải có bằng cử nhân luật và phải đi học lớp đào tạo đấu giá viên, song trong quá trình hoạt động có khi cả tháng đấu giá viên của DN mới có một vài hồ sơ đấu giá tài sản, nên khó có thể nói chuyện chuyên nghiệp.

Mặt khác, với trung tâm đấu giá của Nhà nước, đấu giá viên là viên chức hoặc được quản lý theo quy định của viên chức trong quá trình hoạt động. Với đấu giá viên của DN, việc quản lý chỉ bó hẹp trong phạm vi DN, chế tài ràng buộc hiện nay là đấu giá viên của DN phải tự tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp, chỉ đến khi phát hiện vi phạm mới bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.      

Dù chỉ mới có vài chục DN thực sự có hoạt động bán đấu giá thường xuyên. Các DN này cũng không được phép “nhúng tay” vào thực hiện đấu giá tài sản của các cơ quan, tổ chức Nhà nước… Nhưng khi hoạt động dịch vụ bán đấu giá ít việc, ngay Trung tâm dịch vụ tổ chức bán đấu giá, một năm cũng mới chỉ nhận được hơn 320 hợp đồng tổ chức bán đấu giá tài sản.

Chuyện cạnh tranh không lành mạnh để giật mối cũng đã xuất hiện: Để lôi kéo khách hàng, DN sẵn sàng trả hoa hồng cho người đưa tài sản đến nhờ bán đấu giá hoặc thỏa thuận mức chi phí tổ chức thấp nên những loại tài sản phải bán thi hành án, tài sản cầm cố… đều được chuyển dần sang cho DN bán đấu giá... 

Theo ông Phạm Văn Sỹ, với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trước khi đưa ra đấu giá một tài sản có giá trị trên 30 triệu đồng, trung tâm phải qua một loạt thủ tục nhưng việc tổ chức bán đấu giá thành công tài sản cũng không hề đơn giản. Từ đầu năm tới nay, dù nhận được 326 hợp đồng nhưng trung tâm cũng chỉ mới thực hiện được 240 vụ đấu giá thành công. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, với một số DN, việc thông tin về tài sản cần bán đấu giá chỉ được đăng trên những tờ báo ít người đọc cho có lệ.

Việc cố tình ém nhẹm thông tin, ít người biết để tới tham gia phiên đấu giá, DN tổ chức càng đỡ phức tạp và tài sản dễ dàng bán. Chưa kể việc thẩm định giá tài sản trước khi đưa ra đấu có sát thực hay không, thiệt hại cũng luôn thuộc về phía chủ tài sản, bởi ít người đấu, giá bán gần như đã được định trước, không nhích hơn giá khởi điểm là mấy

Đ.T.
.
.
.