Câu cá ngừ đại dương thử nghiệm bằng trang thiết bị của Nhật Bản tại Bình Định:

Kết quả chưa được mong đợi

Thứ Bảy, 10/10/2015, 09:09
Sáng 9/10, 3 trong tổng số 25 tàu câu cá ngừ đại dương thuộc Đề án: “Thí điểm tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” đã cập cảng cá Quy Nhơn. Kết quả, sau 3 ngày 3 đêm thả câu, 3 tàu ra khơi chỉ đánh bắt được… 1 con cá ngừ đại dương.

Đây là chuyến đi thử nghiệm câu cá ngừ đại dương bằng trang thiết bị của Nhật Bản, có sự giám sát, hướng dẫn của 4 chuyên gia người Nhật đi cùng với ngư dân Bình Định. 

Con cá ngừ duy nhất sau chuyến đi thử nghiệm câu cá ngừ đại dương bằng trang thiết bị của Nhật Bản tại Bình Định.

Sở dĩ kết quả của chuyến đánh bắt thử nghiệm này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi do đây chưa phải mùa chính khai thác cá ngừ đại dương. Hơn nữa, vì thời gian ngắn nên công tác khai thác chỉ thực hiện ở gần bờ. Tuy nhiên, ngư dân lại đánh giá rất cao về ưu điểm trong việc vận hành các thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật. Việc sử dụng trang thiết bị này không quá khó khăn, thậm chí rất dễ.

 Ngư dân Nguyễn Quê, chủ tàu BĐ 96776 - TS nhận định, câu cá ngừ bằng thiết bị của Nhật khá dễ dàng. Ưu điểm lớn nhất của trang thiết bị vẫn là bộ phận Socker, bộ phận gây tê, làm cá tê liệt nhanh, không giãy giụa. Nhìn chung việc vận hành thiết bị này rất suôn sẻ, nhưng để đánh giá thì phải có thời gian, khi vào vụ câu cá ngừ chính.

Giáo sư Keigo Ebata - giảng viên Trường ĐH Kagoshima, nhận xét: “Nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam không khác biệt gì mấy so với ở Nhật. Song, để cá ngừ Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Nhật thì trước hết ngư dân phải sử dụng thuần thục thiết bị câu của Nhật trang bị và nắm vững cách bảo quản cá”.

Hoàng Nguyên
.
.
.