Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập

Thứ Năm, 19/09/2019, 12:46

Việc xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm đưa Việt Nam thoát ra nhóm nước thu nhập trung bình thấp, để bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Tại phiên thảo luận. 

Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả

Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Brookings Hoa Kỳ cho rằng, về tổng thể Việt Nam được nhận định là có mức độ pháp quyền tốt so với mức thu nhập và thu hút được nhiều vốn FDI. Tuy nhiên, đầu tư bằng nguồn trong nước còn thấp và khu vực tư nhân chủ yếu gồm cac DNVVN. Nghiên cứu về chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy thường thì xuất khẩu trực tiếp do các DN đa quốc gia thực hiện nhưng khu vực tư nhân trong nước có vai trò quan trọng nhằm tăng cường chiều sâu chuỗi giá trị và tạo ra việc làm ở quy mô lớn.

Theo ông David Dollar, để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt và để làm được điều này buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây trở thành là nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém, đơn cử quy trình phá sản còn phức tạp gây khó khăn để doanh nghiệp tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất doanh nghiệp. Việt Nam có thể nghiên cứu kết quả phát triển toàn cầu để ứng dụng vào phát triển đất nước, chẳng hạn như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc trong tăng cường giá trị xuất khẩu. Ngay nước láng giềng Trung Quốc cũng rất thành công trong việc tăng giá trị xuất khẩu của khu vực tư nhân, biến nó trở thành nguồn lực quan trọng đảm bảo thành công, tạo thêm nhiều việc làm.

Xét đến chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam là ví dụ điển hình trong mở cửa thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chế biến chế tạo và lâu nay chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện xu hướng xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm xuất khẩu thương mại và dịch vụ như tài chính, viễn thông, sản phẩm thông minh, phần mềm… Theo đó, ông David Dollar lưu ý Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa DNNN và tư nhân, mở cửa khu vực dịch vụ tài chính, viễn thông… cho đầu tư và thương mại nước ngoài.

Các đại biểu từ trong nước và quốc tế trình bày và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, cải cách và phát triển của Việt Nam.

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có những nền tảng kinh tế khá vững chắc nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư. Nói đến tự do hóa tài chính không phải là vấn đề đóng hay mở thị trường, mà nói đến quá trình giảm kiểm soát pháp lý với dòng vốn ra vào một quốc gia, đặc biệt là thu hút dòng vốn vào phát triển các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sản phẩm mới. Đổi lại, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý đảm bảo cho hoạt động thị trường.

Dẫn quan điểm của IMF, ông Alatabani cho rằng cần ưu tiên tự do hóa các dòng vốn ổn định hơn như FDI trước, cùng với đó là củng cố thể chế cho dòng vốn này, ban hành những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và chú trọng cải cách mạnh mẽ. Việt Nam thu hút được nhiều FDI, đặc biệt kể từ 2015. Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước…mở cửa thị trường tài chính và chứng khoán hơn nữa. Trước đây Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa nguồn vốn để “tiếp nhiên liệu” cho tăng trưởng kinh tế.

Hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định

TS Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng khó thực hiện. Bên cạnh đó là vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao như: vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh, đặc biệt vấn đề đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ...

Ngoài ra môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra. Theo đánh giá của VCCI về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018): 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.

Thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Hiện còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cồn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm... Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương.

Chia sẻ về sơ đồ tổ chức bộ máy hành chính của Việt Nam và hệ quả của việc áp dụng mô hình cũ kỹ đã và đang ảnh hưởng đến vai trò, chức năng và quy trách nhiệm của Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp. Với mô hình này, vai trò của nhà nước trong hoạch định rất quan trọng, và Trung Quốc đã theo mô hình này và phát triển như vũ bão. 

Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XNCH, TS Cao Viết Sinh cho rằng trước hết phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, đảm bảo đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội.

“Nhà nước cần xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích (xung đột nhóm lợi ích, cục bộ giữa các bộ phận quản lý khá rõ trong thời gian qua), cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp”, ông Sinh đề xuất.

Lưu Hiệp - Duy Tiến
.
.
.