Gia tăng vi phạm về sở hữu trí tuệ

Thứ Năm, 26/02/2015, 08:14
Thiết lập quyền bảo hộ đối với thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… đã trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp khi mà tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp. Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, việc xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng diễn ra tinh vi, khó phát hiện hơn. Hơn ai hết, doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ mình.

Là một trong những công ty an ninh mạng lớn nhất Việt Nam với sản phẩm phần mềm diệt virut nổi tiếng trong nước và thế giới, công ty CP BKAV từng phải đau đầu vì việc nhãn hiệu “BKAV” bị xâm phạm. Công ty Cổ phần BKAV được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 118325 ngày 21/1/2009 cho nhãn hiệu “BKAV” bảo hộ cho sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm 09 và 42.

Xe đạp điện của công ty Đào Khôi vi phạm về nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, Công ty còn được bảo hộ tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Australia, Đài Loan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó, ông Đỗ Mạnh Thắng có địa chỉ tại 129 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội) đã chiếm giữ tên miền “bkav.vn” tại Trung tâm Internet Việt Nam để liên kết đến tên miền “simsodep.vn” có nội dung giới thiệu, bán các loại sim điện thoại di động. Trong khi đó, Công ty cổ phần BKAV hiện đang sử dụng tên miền quốc tế là bkav.com và tên miền trong nước là bkav.com.vn.

Căn cứ vào tài liệu và kết quả làm việc, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kết luận, việc ông Đỗ Mạnh Thắng đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền “bkav.vn” trùng với nhãn hiệu, tên thương mại “BKAV” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty cổ phần BKAV là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

Tập đoàn AIG là tập đoàn bảo hiểm và tài chính hàng đầu thế giới, hoạt động tại 130 nước với 88 triệu khách hàng. Tập đoàn AIG sở hữu 207 đăng ký nhãn hiệu chữ “AIG”, 1589 đăng ký nhãn hiệu chứa thành phần “AIG” tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, nhãn hiệu có thành phần “AIG” cho dịch vụ “bảo hiểm” được bảo hộ theo 17 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 1994 đến năm 2007. Tuy nhiên, phía Tập đoàn AIG đã phát hiện Công ty TNHH AIG Việt Nam sử dụng dấu hiệu “AIG” trong tên doanh nghiệp, có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “AIG”, “AIG VIETNAM” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho American International Group, Inc (Mỹ) theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 10939 (cấp ngày 28/1/1994), số 59544 (cấp ngày 6/1/2005) và số 126592 (cấp ngày 8/6/2009).

Không chỉ vậy, Công ty TNHH AIG Việt Nam còn đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền “aigvietnam.vn” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại “AIG” đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH AIG Việt Nam giải thích rằng, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không biết đến nhãn hiệu “AIG” đã được bảo hộ tại Việt Nam nên đã đăng ký và được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0311055869 ngày 10/8/2011.

Đối với tên miền “aigvietnam.vn”, Công ty TNHH AIG Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp đã đăng ký tên miền theo nguyên tắc ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước và đã được Trung tâm Internet Việt Nam cấp đăng ký tên miền ngày 27/9/2011. Công ty đăng ký với mục đích hoạt động chứ không phải để chiếm giữ tên miền.

Liên quan đến vụ việc này, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Công văn số 9572/SHTT-TTKN, kết luận việc Công ty TNHH AIG Việt Nam đăng ký và sử dụng tên doanh nghiệp “Công ty TNHH AIG Việt Nam”; đăng ký tên miền “aigvietnam.vn” chứa thành phần phân biệt “AIG” đã gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, nhãn hiệu và tên thương mại của tập đoàn AIG, cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp. Bởi lẽ nhãn hiệu “AIG”, tên thương mại “AIG” đã được Tập đoàn AIG sử dụng rộng rãi, được nhiều người Việt Nam biết đến.

Gần đây nhất, ngày 7/11/2014, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH xe đạp điện Đào Khôi có trụ sở tại số 6, đường Lê Quý Đôn, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Nguyên do là công ty này đã có hành vi sử dụng (gắn) dấu hiệu “BRIDGESTONE” trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh trùng với nhãn hiệu “BRIDGESTONE” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Bridgestone Corporation (Nhật Bản) theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 332 (cấp ngày 10/3/1986) và đăng ký quốc tế số 1105946 (ngày 27/7/2011) bảo hộ các sản phẩm, dịch vụ nhóm 12 trong đó có sản phẩm lốp, săm, bánh xe, xe đạp và phụ tùng… Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Với hành vi vi phạm này, Công ty TNHH xe đạp điện Đào Khôi phải nộp phạt 30 triệu đồng, đồng thời phải loại bỏ dấu hiệu “BRIDGESTONE” trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ khẳng định: “Trên thực tế, số lượng vi phạm về sở hữu trí tuệ còn lớn hơn rất nhiều do nhiều doanh nghiệp đã tự thương lượng với nhau khi phát hiện bị xâm phạm. Theo quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ chỉ tiến hành thanh tra khi có đơn yêu cầu”.

Ông Toàn cũng nói thêm, những tội phạm thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ thường có điều kiện kinh tế, trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nên khó bị phát hiện và khi bị phát hiện thường chỉ xử lí bằng các biện pháp hành chính hoặc dân sự. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên cấp bách.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ: Năm 2014, Thanh tra Bộ đã nhận được 64 đơn yêu cầu xử lí xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN, tăng mạnh so với năm 2013 (46 đơn). Qua thanh tra, đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với 42 cơ sở với tổng số tiền 1.652 triệu đồng, tịch thu để tiêu huỷ hàng trăm tấn sản phẩm vi phạm. Hiện Thanh tra Bộ đang giải quyết 6 đơn, chưa có kết quả xử lí.
Khánh Vy
.
.
.