Giá dầu giảm và hiệu ứng hai chiều của thị trường tài chính

Thứ Hai, 01/12/2014, 09:11
Giá vàng lao dốc, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, trong khi giá USD tự do lại liên tục tăng… là những phản ứng của thị trường tài chính Việt Nam trước thực trạng giá dầu thô thế giới liên tục “bốc hơi”. Xăng dầu giảm giá, hầu hết người tiêu dùng đều vui mừng, dù thực tế, giới chuyên gia vẫn còn nhiều băn khoăn.

Sau khi thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giữ nguyên sản lượng được công bố hôm 27/11, giá dầu tiếp tục lao dốc. Phiên giao dịch ngày 28/11 tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 7,54 USD/thùng, tương đương mức giảm trên 10%, chốt ở 66,15 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu ngọt nhẹ kể từ tháng 3/2009. Sau khi thị trường đóng cửa và chuyển sang giao dịch điện tử, giá dầu tiếp tục giảm xuống 65,69 USD/thùng, thấp nhất trong 4 năm.

Sự sụt giảm mạnh của “vàng đen” đã gây thêm áp lực giảm giá lên thị trường vàng, được cộng hưởng bởi đồng USD mạnh và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ. Chốt phiên giao dịch cuối tuần tại New York, giá vàng giao ngay mất 21,3 USD/oz, tương đương mức giảm gần 1,8%, còn 1.169,5 USD/oz. Ba phiên giảm giá liên tiếp vừa qua đã kéo giá vàng xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. Tính chung cả tuần, giá vàng đã giảm gần 2,8%.

Người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ giá xăng dầu giảm.

Với thị trường trong nước, giá vàng cũng giảm theo thị trường quốc tế nhưng mức giá khá cầm chừng, chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/lượng. Việc giảm “lệch pha” này lại một lần nữa kéo giãn khoảng cách giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, đứng cao hơn 4,7 triệu đồng mỗi lượng. Hiện giá vàng giao dịch quanh mốc 34,96 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Tính chung cả tuần, giá vàng SJC giảm khoảng 400.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá USD tự do lại liên tục tăng, thêm khoảng 60-65 đồng trong tuần, lên mức 21.460-21.470 đồng (mua vào) và 21.485-21.495 đồng (bán ra).

Không chỉ tác động lên giá vàng, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần điều chỉnh mạnh trên cả hai sàn. Đặc biệt, phiên giao dịch cuối tuần ngày 28-11, tâm điểm chú ý của giao dịch tập trung vào PVD vì lần đầu tiên trong năm nay, cổ phiếu này bị bán tháo tới tận giá sàn. Tuy đến thời điểm đóng cửa, PVD thoát khỏi giá sàn, giảm 6,21%, nhưng đây vẫn là mức giảm một phiên mạnh nhất từ đầu năm. Cùng với PVD, GAS cũng trong hoàn cảnh tương tự: Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều tăng cường độ cắt lỗ… Ngoài hai cổ phiếu trên thì các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí khác cũng bị bán mạnh trong tuần. Áp lực từ nhóm dầu khí đã lan sang hầu hết các cổ phiếu khác. Mặc dù đà hồi phục đã dần xuất hiện trong hai phiên cuối tuần, nhưng nhìn chung tâm lý ngại rủi ro vẫn đang bao trùm thị trường.

Thực tế, việc giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm sâu đang được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Hiện, giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 20% và vẫn có khả năng tiếp tục giảm. Bên cạnh nhóm ngành vận tải, thì các ngành khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, luyện kim... cũng được “thơm lây” do vốn giá xăng dầu chiếm tới 20% đầu vào. Riêng với từng hộ gia đình, việc xăng dầu giảm đã giúp giảm chi phí đi lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại nguy cơ giảm thu ngân sách khi giá xăng dầu giảm. Phản ứng của thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế là một dấu hiệu. Hơn nữa, hiện nguồn thu từ khai thác dầu thô chiếm tới ¼ ngân sách hằng năm, và việc xuất khẩu dầu mỏ cũng mang về một lượng ngoại tệ không nhỏ, qua đó cân đối cán cân thương mại, thì việc giảm giá dầu khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, đến cân đối vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hằng năm Việt Nam cũng phải nhập một lượng không nhỏ xăng dầu thành phẩm, riêng xăng chịu thuế 20%, thì việc giảm giá cũng sẽ là khiến bị hụt thu tương đối lớn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, sở dĩ chứng khoán giảm điểm vì trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp dầu khí chiếm một phần lớn, mà khi các giá sản phẩm của họ giảm, thì lợi nhuận sẽ giảm theo, đẩy giá cổ phiếu giảm, khiến cho thị trường mất điểm, tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề trước mắt, còn lâu dài không đáng lo, vì các doanh nghiệp khác được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu nhờ chi phí giảm, thì lãi sẽ lớn hơn, giá cổ phiếu tăng theo sẽ kéo thị trường tăng lên. “Tương tự như thế với khoản thuế xuất nhập khẩu hụt thu, ở Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, hiện hằng năm chúng ta tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng dầu, trong đó 70% là do nhập khẩu. Vì vậy, nếu giá giảm, thì nguồn thu thuế cũng giảm. Nhưng cũng chỉ trước mắt, còn về lâu dài, khi giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp khác, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu sẽ được lợi, vì chi phí đầu vào giảm, họ sẽ được hưởng lãi lớn. Đây là sẽ nguồn thu tốt để bổ sung vào sự hụt thu của nhóm ngành dầu, nên không đáng lo ngại khi giá xăng dầu giảm”.
Lệ Thúy
.
.
.