Có hay không chuyện doanh nghiệp “phá sản hàng loạt” vì một nghị định?

Chủ Nhật, 04/01/2015, 11:46
Thông tin về việc lùi thời hạn thực hiện 2 tiêu chuẩn về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng đến hết năm 2015 đang được dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra philê quan tâm. Có phải những quy định này (trong Nghị định số 36/2014/NĐ-CP) sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa?

Tạm dừng để tiêu thụ hàng tồn

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cho biết, rất đồng tình với Nghị định số 36/2014/NĐ-CP, nhưng nhận định: Quy định về tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng độ ẩm 83% “chưa phù hợp”. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, sau khi Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ra đời, công ty đã cố gắng thương thảo, nhưng các nhà nhập khẩu không chấp nhận nâng giá và... ngưng mua.

Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (TP Cần Thơ) thông báo, công ty sẽ đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc từ ngày 1/1/2015, vì áp dụng theo quy định mới sẽ không bán được hàng. Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng cho biết, “có 7 công ty sẵn sàng đóng cửa từ 1/1/2015” nếu vẫn áp dụng quy định về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng như trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận lùi thời gian thực hiện quy định đối với sản phẩm cá tra philê xuất khẩu “đảm bảo hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh” và “tỷ lệ mạ băng trên trọng lượng tổng phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%” đến hết ngày 31/12/2015 (lùi 1 năm so với quy định).

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp còn hàng tồn được tiêu thụ đến hết năm 2015, vì “việc rã đông, tái chế sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cảm quan, không đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp” - đại diện Bộ NN&PTNT nêu tại phiên họp Chính phủ.

Từ chuyện “không nhập khẩu nước mạ băng”
Dù đã tạm dừng thực hiện nhưng sắp tới, 2 tiêu chuẩn về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng sẽ là điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. (Ảnh minh họa).

Theo Bộ NN&PTNT, việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã có những bước phát triển vượt bậc trong 10 năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, sản lượng cá tra nuôi là 1,1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đã có những biểu hiện thiếu bền vững do quy hoạch nuôi trồng, chế biến, cân đối cung cầu…  Thêm nữa, chất lượng sản phẩm cá tra philê không đảm bảo, dẫn đến nhiều lúc giá thu mua cá nuôi thấp hơn giá thành. 

Trong khi đó, cảnh báo của thị trường nhập khẩu về chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày một nhiều. Cộng hòa Liên bang Đức còn công bố hàm lượng nước trong cá tra philê cao bất thường. Tại hội nghị của Liên minh Thanh tra thủy sản thế giới tại Hoa Kỳ năm 2012 và gần đây tại Diễn đàn về gian lận thực phẩm của Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban châu Âu) ngày 23-24/10/2014 tại Rome (Italy), cá tra philê đông lạnh đã trở thành một ví dụ về việc lạm dụng phụ gia tăng trọng và mạ băng. Thậm chí, đã có quan chức Liên bang Nga phản ứng về tỷ lệ mạ băng trong cá tra philê, “nước Nga nhập khẩu cá, chứ không cần nhập khẩu nước mạ băng”.

Đến việc đảm bảo uy tín của “cá tra Việt Nam”

Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước nêu trong Nghị định được quy định dựa trên yêu cầu về công nghệ chế biến cá tra theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng tỉ lệ mạ băng không quá 10% là đủ để bảo vệ sản phẩm, chống cháy lạnh và khả thi trong thực hiện, Bộ NN&PTNT nhận định.

Về hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra philê đông lạnh, kết quả nghiên cứu cho thấy, ngâm quay theo phương án phù hợp, sẽ cải thiện chất lượng cảm quan, đi kèm tăng trọng từ 10%-30%. Phương án sử dụng phụ gia cải thiện chất lượng cảm quan tương ứng tăng trong 15% sẽ đảm bảo được sản phẩm cá tra philê chất lượng cao, có uy tín về lâu dài. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận, tại thời điểm hiện tại sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp trong thương lượng với khách hàng ký hợp đồng và quan ngại sản phẩm chất lượng cao sẽ khó cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác như cá Minh Thái, cá rô phi.

Lộ trình áp dụng quy định về hàm lượng nước

Kéo dài thời gian chuyển tiếp áp dụng Nghị định 36/2014/NĐ-CP đến ngày 31/12/2015, nhưng với hàm lượng nước trong cá tra philê không quá 84,5% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc 85,5% xử lý mẫu theo Codex tương ứng mức tăng trọng 30%.

Từ ngày 1/1/2016, áp dụng quy định về hàm lượng nước theo đúng Nghị định 36/2014/NĐ-CP: 83% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc 83,6% xử lý mẫu theo Codex tương ứng với mức tăng trọng 15%.

Chi Linh
.
.
.