Tái cơ cấu - Bước đi tất yếu của ngành Nông nghiệp

Chủ Nhật, 04/01/2015, 19:40
“Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát báo cáo tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, sau hơn 1 năm thực hiện 12 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực và các nhóm giải pháp chính xuyên suốt, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. “Nhờ đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, trái cây. Sự gia tăng sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá cao đã đem lại lợi ích to lớn cho nông dân”, Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.

Có thể kể đến sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn (2,2%); sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng thêm được 250.000 tấn (4,8%) so với năm 2013; cà phê tăng 5,2%... Nhiều cây trồng đã đem lại cho các hộ nông dân giỏi thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm/ha như: hồ tiêu, cam, thanh long… Xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao.

 Sản lượng lúa tăng gần 1 triệu tấn.

Vượt qua nhiều khó khăn, khai thác thủy sản có chuyển biến mới theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, áp dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả khai thác. Sản lượng khai thác ước đạt 2,68 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2013. Chương trình đóng tàu vỏ sắt, cải hóa nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ đang được triển khai mạnh. Ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Khắc phục khá thành công khó khăn về dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển vượt bậc, tổng sản lượng đạt 3,62 triệu tấn, tăng 4%; trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt 660.000 tấn, tăng 112.000 tấn (20,4%) so với năm 2013. Năm nay, tôm lại đặc biệt được giá, đem lại siêu lợi nhuận cho người nuôi thành công. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, nhiều doanh nghiệp đã đứng vững, duy trì và mở rộng sản xuất; xuất hiện nhiều cơ sở mới, trong đó có một số chế biến sâu nông lâm thủy sản, công nghệ cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành Nông nghiệp. Kết quả cụ thể: Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiêu so với năm 2013, tương ứng là 3% và 2,64%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Chi Linh
.
.
.