Bộ nói tiêu thụ khả quan, dưa vẫn ùn ứ trên đồng

Thứ Ba, 14/04/2015, 08:20
Mới đây, Bộ Công Thương đã dẫn lời ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: “Theo thông tin báo cáo của các địa phương có liên quan, tính đến thời điểm này, việc sản xuất, tiêu thụ và thu mua dưa hấu của bà con nông dân vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan”. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nước mắt nông dân vẫn đang đổ trên các cánh đồng dưa.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, dưa hấu được trồng tại Nam Trung Bộ tập trung chủ yếu 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với tổng diện tích vào gần 4.000ha, sản lượng năm 2015 đạt trên 100 nghìn tấn.

Ông Võ Văn Quyền cho hay, năm nay, mặc dù vụ dưa hấu đến sớm hơn những năm trước khoảng 2 tuần nhưng theo thông tin Vụ Thị trường trong nước nắm bắt được thông qua báo cáo cũng như làm việc trực tiếp với Phòng Kinh tế - Sở Công Thương các địa phương này, nhìn chung, việc tiêu thụ vẫn diễn ra tương đối tốt. Nhiều địa phương đã tiêu thụ được gần 80%, trong đó cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết.

Riêng Quảng Nam có khoảng 700 – 800ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan. Giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, tùy chất lượng quả.

Bà con nông dân đang thu hoạch dưa để các nhóm thiện nguyện chuyển ra Hà Nội.

Tuy nhiên, trái với thông báo lạc quan này, hiện vẫn còn rất nhiều người dân miền Trung điêu đứng từ dưa. Ngay khi việc tiêu thụ dưa cho vùng lụt Quảng Nam đã đạt những thành công lớn (cơ bản tiêu thụ hết dưa của vùng này) và được người dân Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc hưởng ứng, nhóm thiện nguyện (bao gồm nhiều thành phần, có công chức Bộ Công thương, doanh nghiệp, nhà báo, cán bộ nhân viên một số cơ quan...) với nòng cốt là anh Đặng Ngọc Quỳnh (người tiếp tục bỏ ra thêm 1 tỷ đồng để thu mua thêm 200 tấn dưa cho Quảng Ngãi, sau khi bỏ 1 tỷ đồng thu mua 185 tấn dưa Quảng Nam) đã tiếp tục vào Quảng Ngãi để tiêu thụ dưa cho vùng này.

Tại xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh), nhóm thiện nguyện đã lập tức mua gom được 100 tấn dưa trong vòng 2 ngày, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Những ngày vừa qua, dưa ở đây hoàn toàn ế ẩm, không biết bán cho ai. Nhiều người nông dân đã khóc khi biết tấm lòng của người dân cả nước.

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, theo chị Hà Thị Anh Thư – Bí thư Tỉnh đoàn, cũng đã thu gom được 160 tấn. Theo PV có mặt tại hiện trường, riêng xã Tịnh Trà vẫn còn 300 tấn dưa trên đồng chưa thu hoạch được.

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân chiều 13/4, ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Quảng Ngãi hiện còn tồn khoảng 250/1.105ha dưa của toàn tỉnh, tương đương 6.200 – 7.000 tấn dưa. Vào đầu mùa, thương lái thu mua cho bà con khoảng 4.000 -  5.000 đồng/kg, nhưng ngay khi tin dưa hấu ách tắc tại Lạng Sơn được tung ra, giá thương lái thu mua đã lập tức giảm xuống 1.000 – 1.200 đồng/kg đối với loại dưa tròn sọc xanh (địa phương gọi là dưa An Tiêm – Mai An Tiêm).

Như vậy, có thể thấy việc tiêu thụ dưa không “hoàn toàn bình thường” như Bộ Công thương đề cập. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều dưa nằm đồng đợi thối, lên tới hàng chục ngàn tấn và là mồ hôi nước mắt của hàng ngàn người dân, chứ không phải con số lạnh lùng trên báo cáo của Bộ. Với việc ra thông báo cho biết con số trên là dựa trên báo cáo của các Phòng Kinh tế, Sở Công Thương các tỉnh...

Bộ Công Thương đang cho thấy một kiểu làm ăn rất “hành chính”. Đó là lý do vì sao thông tin được đưa ra rất lạc quan, trong khi thực tế, hàng nghìn người nông dân có thể lâm vào cảnh nghèo đói, trắng tay vì dưa. Nếu việc tiêu thụ vẫn “hoàn toàn bình thường” như báo cáo của Bộ, đã không có cảnh người Hà Nội phải lũ lượt mua dưa ủng hộ như vừa qua.

Được biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản nói chung, mặt hàng dưa hấu nói riêng, các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với phía Trung Quốc.

Theo đó, hiện phía Trung Quốc đã quyết định dành riêng một kho bãi trong hệ thống kho bãi tại cửa khẩu cho mặt hàng dưa hấu Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã thông tin đến doanh nghiệp về sức chứa của cửa khẩu Tân Thanh cũng như khuyến cáo thương lái không ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu. Chính vì vậy, việc ùn tắc đã phần nào được cải thiện. Tại địa phương, đã thấy dấu hiệu thương lái mua dưa trở lại, và giá cũng đã nhích dần lên. 

Theo ông Đào Minh Hường, tại Quảng Ngãi, tư thương đã có dấu hiệu mua dưa trở lại. Tại huyện Mộ Đức, dưa đã bán được khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân hoặc hoà vốn hoặc có lãi một chút. Được biết, trong buổi chiều cùng ngày, UBND tỉnh cũng đã triệu tập một cuộc họp bàn về cách tiêu thụ dưa cho nông dân.

Ông Hường cho rằng việc dưa đang được các nhóm thiện nguyện từ Hà Nội vào thu mua và việc Tỉnh đoàn đứng ra hỗ trợ bà con tiêu thụ, đẩy mạnh vận động bà con trong tỉnh mua dưa dù là hành động rất tốt, nhưng không đủ sức để tiêu thụ lượng dưa khổng lồ của Quảng Ngãi. Đây chỉ là giải pháp tình thế. Hiện UBND tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, thông tin để bà con nông dân không bán tháo dưa với giá rẻ, chứ việc tiêu thụ vẫn tiếp tục phải đợi vào xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hơn 1.000ha dưa ở Quảng Ngãi
hoàn toàn là trồng tự phát ngoài quy hoạch

Điều đáng nói hơn sau việc ún ứ dưa lần này, vẫn tiếp tục là việc quy hoạch cây trồng và tiêu thụ. Theo ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, vụ dưa này toàn tỉnh Quảng Ngãi trồng khoảng 1.105ha dưa hấu, với sản lượng khoảng 25-28 tấn/ha. Như vậy, toàn Quảng Ngãi đã có khoảng 27.000-31.000 tấn dưa. Tuy nhiên, toàn bộ số dưa này đều là do bà con nông dân trồng tự phát, không hề có quy hoạch.

“Quảng Ngãi không quy hoạch dưa vào cây trồng chính, hơn cả nghìn hécta dưa trên hoàn toàn do bà con nông dân trồng tự phát và đánh cuộc với thời tiết, với thị trường. Tình trạng dưa ùn ứ, giá rẻ thế này không phải năm nay mới diễn ra, năm ngoái cũng vậy. Dưa nhiều như vậy, các tỉnh miền Bắc mà không tiêu thụ được, xuất sang Trung Quốc mà ách tắc là coi như phá sản hoàn toàn. Địa phương đâu có tiêu thụ được bao nhiêu. Tuyên truyền hoài cũng không được. Chúng tôi đã có những chương trình khuyến nông hỗ trợ bà con trồng ngô lai, lạc, vừng... không có chương trình nào hỗ trợ cho cây dưa hết, nhưng bà con vẫn trồng. Một phần vì thời tiết miền Trung rất thích hợp với cây dưa. Nền nông nghiệp của chúng ta còn bất cập rất nhiều thứ, chứ không riêng gì cây dưa hấu” – ông Hường chia sẻ.

Vũ Hân - Ngọc Yến
.
.
.