Việt Nam - Thái Lan và nguồn cơn của sự e ngại hợp lý

Thứ Năm, 23/12/2021, 16:15

Hành trình bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup của đội tuyển Việt Nam đang đứng trước chướng ngại vật lớn hơn bao giờ hết mang tên Thái Lan. Câu chuyện "sợ người Thái" trên thực tế không chỉ diễn ra trong môn bóng đá, mà còn đến từ rất nhiều bộ môn khác. Thái Lan có thể chưa phải một cường quốc kinh tế, nhưng những gì họ làm được trong thể thao là một chặng đường dài khó bắt kịp.

Hơn từ nhịp chạm bóng

Ngày 24-8-2017, Thái Lan bước vào trận cầu sinh tử gặp U23 Việt Nam tại vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 2019. Đó là trận đấu mà đội tuyển Thái Lan buộc phải giành chiến thắng nếu muốn đi tiếp, trong khi đó Việt Nam chỉ cần một trận hòa. Màn trình diễn của Thái Lan ở giai đoạn đầu giải đấu cũng không thực sự thuyết phục, khi họ phải rất vất vả mới thắng Timor Leste với tỷ số tối thiểu.

Việt Nam - Thái Lan và nguồn cơn của sự e ngại hợp lý -0
Bóng đá Thái Lan luôn là đối trọng khiến Việt Nam e sợ ở mọi cấp độ.

Giữa vô vàn áp lực đè nặng lên vai, HLV trưởng U23 Thái Lan Worrawoot Srimaka khiến tất cả bất ngờ bằng tuyên bố chắc nịch: "Chúng tôi sẽ thắng Việt Nam và thắng đậm, bởi đây là đối thủ dễ chiến thắng nhất". Ai cũng nghĩ Srimaka, một người từng sút tung lưới Việt Nam 2 lần hồi còn làm cầu thủ, thực sự ngoa ngôn và không biết lượng sức mình. Nhưng cuối cùng, những gì ông nói lại trở thành sự thật.

Từ vị trí đầu bảng, thầy trò HLV Hữu Thắng tụt xuống thứ 3 và sớm bị loại. Chứng kiến U23 Việt Nam liên tiếp mắc những sai lầm ngớ ngẩn dẫn đến trận thua trắng Thái Lan, người hâm mộ xem qua truyền hình không hiểu nổi điều gì đang xảy ra. Chỉ có những người trong cuộc như cầu thủ thi đấu trên sân mới biết lý do vì sao họ sụp đổ dễ dàng như vậy. Họ thừa nhận mình sợ người Thái trước cả khi vào sân thi đấu.

"Cầu thủ Thái Lan hơn chúng ta ở từng nhịp chạm bóng, từng nhịp xử lý bóng. Nhìn cách họ kiểm soát bóng trong chân đủ để biết chúng ta dưới cơ", một cầu thủ bộc bạch. Điều đó cho thấy căn bệnh sợ người Thái của cầu thủ Việt Nam không xuất phát từ vấn đề tâm lý. Đội tuyển Thái Lan, dù ở thời điểm nào, cũng sở hữu dàn cầu thủ đồng đều và những cá nhân xuất chúng hơn hẳn đội tuyển Việt Nam.

Từ Kiatisuk, Dusit, Thonglao của ngày xưa đến Chanathip thời điểm hiện tại, bóng đá Thái Lan luôn có những ngôi sao vượt khỏi vùng trũng bóng đá Đông Nam Á. Khi bóng đá Việt Nam đang loay hoay tìm chỗ đứng cho cầu thủ xuất ngoại, Thái Lan đã đi trước chúng ta vài thập niên. Teerasil Dangda, chân sút vừa lập kỷ lục ghi bàn ở các kỳ AFF Cup, thậm chí đã sang Tây Ban Nha và thi đấu ở La Liga.

Bóng đá và nhiều môn khác nữa

"Tôi ngạc nhiên khi V.League có những sân bóng tệ như vậy. Chất lượng mặt cỏ tại sân vận động Việt Nam thậm chí còn kém sân tập của các đội hạng 3 Thái Lan". Đó là nhận xét của Diego Silva, cựu tiền đạo CLB Hải Phòng trong thời gian anh khoác áo đội bóng thành phố Cảng. Phát biểu ấy của Diego bị chỉ trích nặng nề lúc mới xuất hiện trên truyền thông, nhưng theo thời gian, chúng ta mới càng thấy anh nói đúng.

Việt Nam - Thái Lan và nguồn cơn của sự e ngại hợp lý -0
Panipak Wongpattanakit, võ sĩ taekwondo Thái Lan (bên phải) đánh bại Kim Tuyền của Việt Nam trước khi giành HCV tại Olympic Tokyo.

Sau 3 trận đấu thuộc vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á gặp ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình, các đội Australia, Nhật Bản và Saudi Arabia đều nói mặt sân rất tệ. Bên ngoài sân vận động quốc gia, chất lượng của những sân bóng khác cũng chẳng khá hơn. Tại buổi họp tổng kết mùa giải 2021, Chủ tịch CLB Quảng Nam còn nhận xét "giải hạng nhất có nhiều sân bóng mặt cỏ... rất kinh, không đá được".

Sân bóng, mặt cỏ chỉ là bề nổi cho thấy sự khác biệt trong cách làm bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan. Các CLB Thai League trên thực tế cũng chưa thể tự kiếm tiền từ bóng đá, nhưng họ đã hình thành ý thức chuyên nghiệp từ rất sớm. Bên cạnh chất lượng sân bãi, cơ sở hạ tầng, đội ngũ truyền thông và bán lẻ áo đấu, quà lưu niệm cũng được phân phối tận tay cổ động viên.

Bên cạnh bóng đá nam và nữ, Thái Lan cũng chú trọng phát triển nhằm duy trì vị thế cường quốc thể thao số một Đông Nam Á. Họ không phải quốc gia đầu tiên trong khu vực cử VĐV tham dự Olympic, nhưng lại là tên tuổi có vai vế ở các kỳ Thế vận hội với 10 HCV, 8 HCB và 17 HCĐ. Định hướng phát triển thể thao Olympic của Thái Lan rất rõ ràng khi họ tập trung vào các nội dung thế mạnh như cử tạ nữ, boxing hạng nhẹ nam - nữ và taekwondo.

Việc đội tuyển cử tạ Việt Nam giành vị trí quán quân ở SEA Games 2019 trên thực tế xuất phát từ việc Thái Lan không được tham dự do vướng bê bối doping. Xứ chùa vàng đã sản sinh 5 nhà vô địch cử tạ Olympic, thậm chí có nhiều nội dung cuộc đua giành HCB là màn đối đầu nội bộ giữa các VĐV Thái Lan. Kỳ Olympic gần nhất Thái Lan tham dự nhưng không có huy chương là Thế vận hội Munich 1972.

Ngoài nguồn vốn xã hội hóa, cũng như tập trung phát triển ở những bộ môn thế mạnh để hướng tới Olympic, thứ quan trọng nhất quyết định thành công của thể thao Thái Lan là tính kế thừa. Họ đã liên tục cử các vận động viên đến tham dự Thế vận hội kể từ năm 1952 đến nay, với số đại diện tăng dần theo từng năm. Họ thậm chí đã nghĩ tới việc lấn sân sang Thế vận hội mùa đông bằng việc cử VĐV tham dự 4/5 kỳ Olympic gần nhất.

Bao giờ Việt Nam vượt Thái Lan?

Thái Lan vượt trội ở mọi môn thể thao chứ không chỉ riêng bóng đá. Sự vượt trội đó xuất phát từ quy mô đầu tư, tập trung phát triển trọng điểm một vài môn và tính kế thừa liên tục theo thời gian.

Việt Nam - Thái Lan và nguồn cơn của sự e ngại hợp lý -0
Futsal Thái Lan đã vươn tầm thế giới trước Việt Nam, nhưng giờ đang bị chúng ta thu hẹp khoảng cách.

2 năm trước, trang tin điện tử Siam Sports có một bài viết rất hay với nội dung "Thái Lan nên cẩn trọng để không bị thể thao Việt Nam vượt mặt trong tương lai". Bài viết đó xuất hiện ở giai đoạn sắp bế mạc SEA Games 2019, thời điểm Việt Nam bất ngờ vượt qua Thái Lan để chiếm vị trí nhì toàn đoàn. Người Thái có vẻ hoàn toàn nghiêm túc nghĩ đến một viễn cảnh bị thể thao Việt Nam dần bắt kịp và vượt qua trong bài viết đó.

"Thành tích của Thái Lan vượt xa Việt Nam không phải vì chúng ta mạnh, mà bởi nước bạn đã trải qua rất nhiều khó khăn khách quan", tác giả viết. "Thái Lan giữ được nền hòa bình ổn định trong thời gian dài, còn Việt Nam chỉ mới thoát khỏi chiến tranh ở giữa thập niên 70. Bên cạnh đó, khí hậu ở miền Bắc Việt Nam với mùa đông lạnh cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tập luyện, sinh hoạt. Bất chấp những trở ngại như thế, Việt Nam vẫn tiến bộ vượt bậc trong thời gian ngắn".

Trong bài viết ấy, tác giả cũng không quên chỉ ra những môn thể thao Olympic thế mạnh của Việt Nam như cử tạ, bắn súng, điền kinh, bơi... Sự kiện xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV ở Olympic Rio 2016 thực sự trở thành một cú hích thúc đẩy thể thao Việt Nam hướng ra tầm quốc tế, thay vì những giải đấu cấp độ trong nước và khu vực. Đó là điều người Thái e sợ về một viễn cảnh bị thể thao Việt Nam vượt mặt trong tương lai.

Vì lý do đó, SEA Games 31 không đơn thuần chỉ là một giải đấu Việt Nam hướng đến ngôi vị nhất toàn đoàn. Đây là dịp để các vận động viên chứng tỏ họ không hề e sợ đối thủ Thái Lan, Singapore hay các quốc gia khác có nền thể thao phát triển hơn. Chỉ có cạnh tranh và vượt qua những đối thủ mạnh mới giúp thể thao Việt Nam phát triển, và Thái Lan luôn là rào cản lớn nhất.

Khi bóng đá Thái Lan cố tránh... Việt Nam ở AFF Cup

"Chúng tôi không nghĩ mình sẽ phải gặp Việt Nam ngay vòng bán kết", HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, ông Mano Polking chia sẻ sau khi biết tin Việt Nam đứng nhì bảng B. Đội trưởng ĐT Thái Lan Chanathip Songkrasin cũng nhận định tương tự. Cả đội tuyển Thái Lan thậm chí đã đến theo dõi trận đấu của Indonesia vì xác định đây mới là đối thủ của họ. Điều đó cho thấy ngay cả Thái Lan cũng muốn tránh  đụng độ Việt Nam ở thời điểm này, nhưng đây không phải lần đầu tiên họ nghĩ thế.

23 năm trước, họ từng làm điều tương tự ở giải đấu diễn ra trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam. Tại Tiger Cup 98, thầy trò HLV Alfred Riedl kết thúc vòng bảng ở vị trí nhì bảng B. Điều đó khiến Thái Lan và Indonesia, 2 đội chắc suất giành vé đi tiếp sau 2 lượt trận đầu bảng A, đều không muốn... nhất bảng. Tâm lý e ngại giành chiến thắng khiến cả Thái Lan và Indonesia đều thi đấu rất hời hợt ở trận đấu cuối cùng.

Đến phút bù giờ cuối hiệp 2, khi tỷ số đang là 2-2, trung vệ đội trưởng của ĐT Indonesia dâng chiến thắng cho Thái Lan bằng việc dẫn bóng về sút tung... lưới nhà. Trận đấu phản cảm đó khiến 2 đội tuyển bị FIFA phạt 40.000 USD, và trở thành vết nhơ lớn nhất lịch sử các kỳ AFF Cup. Cả Thái Lan và Indonesia sau đó đều bị loại ở vòng bán kết. Thái Lan thậm chí còn thua đậm chủ nhà Việt Nam 0-3 trên sân Hàng Đẫy.

An Khánh
.
.
.