Sân khấu hóa cuộc chiến đặc biệt

Thứ Hai, 20/02/2023, 11:47

Sau 6 lần nhặt sạn, chỉnh sửa, bổ sung... cuối cùng, vở kịch nói tựa đề “Cận vệ” đã kịp ra mắt công chúng Thủ đô đúng vào lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh vệ CAND anh hùng. Lần đầu tiên cuộc chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ của Cảnh vệ CAND được sân khấu hóa. Trong 90 phút, câu chuyện về cuộc chiến đấu đặc biệt, những góc khuất đời thường cùng sự hy sinh thầm lặng của lính cảnh vệ đã được khắc họa khá tường tận, chạm vào trái tim khán giả.

Góc nhìn mới về người lính Cảnh vệ CAND

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập lực lượng Cảnh vệ CAND, tối 16/2, vở kịch nói tựa đề “Cận vệ" đã ra mắt công chúng Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Vở diễn được đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản của Thượng tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch CAND trình diễn, dưới sự chỉ đạo về nội dung của Thiếu tướng, TS Trần Hải Quân - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; chỉ đạo nghệ thuật là Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND.

Chia sẻ về quá trình sáng tác kịch bản "Cận vệ", tác giả Đào Trung Hiếu kể kịch bản này được anh viết trong thời gian tham dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài "Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND" do Bộ Công an tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Lực lượng Cảnh vệ CAND.

Sân khấu hóa cuộc chiến đặc biệt -0
Quang cảnh buổi duyệt vở.

“Thú thực, viết về cảnh vệ rất khó vì công việc của họ có tính khu biệt và chỉ tương tác với đời sống xã hội trong phạm vi hẹp, nên rất ít chất liệu để xây dựng hình tượng. Khác với cánh trinh sát hình sự, ma túy thường có quá trình thâm nhập, xã hội hóa để phá án, nên sẵn có các tình tiết đắt giá để đưa vào truyện, lính cảnh vệ chủ yếu là canh gác mục tiêu trọng yếu hay tiếp cận bảo vệ yếu nhân, vì vậy mà sự tương tác nghề nghiệp với đời sống thường nhật không nhiều, trong khi điều đó lại là chất liệu của văn học, nghệ thuật. Bởi thế mà lâu nay văn học nghệ thuật về đề tài người lính cảnh vệ được khai thác chủ yếu về hoạt động bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những năm kháng chiến trước đây. Như vậy là đã có độ lùi rất sâu về thời gian. Hầu như chưa có tác giả nào khai thác hình ảnh người lính cảnh vệ trong đời sống đương đại. Tôi cho rằng, cuộc chiến đấu của người lính cảnh vệ hiện nay có những đặc điểm rất khác biệt so với lịch sử và để mô tả nó thì thể loại bút ký, ghi chép là phù hợp hơn cả. Rất khó để tìm ra một cách tiếp cận văn chương về chủ đề này. Nhưng rồi trong khó khăn, tôi bật ra một ý tưởng mới” - tác giả Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Cách tiếp cận đề tài xuất phát từ một giả định, rằng trong thời điểm Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với không ít vụ việc đã bị phanh phui đã làm lộ ra nhiều nhóm lợi ích của doanh nghiệp và quan chức thoái hóa, biến chất. Khi sắp bị "sờ gáy" thì những người vi phạm thường sẽ tìm cách “chạy án”. Chúng nhắm tới các người gần gũi, thân cận nhất với các lãnh đạo cấp cao để tìm cách mua chuộc, hối lộ, biến họ trở thành cầu nối dẫn đến lãnh đạo nhằm xin xỏ, chạy chọt để khoanh án, không mở rộng điều tra.

Và, trong câu chuyện đó thì người sĩ quan tiếp cận chính là mục tiêu để các quan chức biến chất nhắm đến, bởi người chiến sĩ (nhân vật) này có ơn cứu mạng lãnh đạo và đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì con mắc bệnh hiểm nghèo, cần tiền chữa trị.

Chính thái độ ứng xử trước cám dỗ vật chất của người lính trong câu chuyện này, đã làm bật lên phẩm chất kiên trung, nhân cách trong sáng của người lính, không gì có thể làm vẩn đục. Bên cạnh đó, với mưu lược của một người lính tinh nhuệ, nhân vật trong chuyện đã có những đóng góp lớn vào quá trình phá án. Sự hy sinh của nhân vật để bảo vệ người dân ở kết truyện đã dựng tượng đài về lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung và của người lính cảnh vệ nói riêng.

Tác giả Đào Trung Hiếu cho biết, không chỉ ủng hộ ý tưởng viết kịch bản, Tư lệnh Trần Hải Quân còn thường xuyên trao đổi với tác giả mọi vấn đề có liên quan, như cung cấp thông tin, tư liệu để mọi người cùng hiểu sâu về công tác cảnh vệ. Khi hoàn thành bản thảo, ông đã cần mẫn đọc, nhận xét góp ý, bổ sung, điều chỉnh nội dung, thậm chí từng lời thoại của nhân vật trong kịch bản cũng có ý kiến của ông. Có chuyến tháp tùng bảo vệ nguyên thủ sang Nhật công tác, ông đã mang theo tập bản thảo để tranh thủ sửa từng chữ, đưa ra một số gợi ý để tác giả tư duy thêm.

Sân khấu hóa cuộc chiến đặc biệt -0
Tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát CAND tham gia diễn vở “Cận vệ”.

Sau 5 lần chỉnh sửa, kịch bản được chuyển cho Nhà hát CAND nghiên cứu, dàn dựng. Với bàn tay tài hoa của NSND Lê Hùng - một bậc thầy trong làng kịch sân khấu, vở kịch “Cận vệ” đã được “chạy thử” cho lực lượng cảnh vệ xem để góp ý. Sau 6 lần chỉnh sửa từ những nhận xét xác đáng của lãnh đạo Bộ Tư lệnh và tác giả kịch bản, vở kịch đã dần hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí về chính trị, nghiệp vụ và nghệ thuật.

Những cảm xúc từ ghế khán giả

Tối 16/2, vở kịch “Cận vệ” được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cùng đông đảo người dân Thủ đô và anh em cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Tham gia “kể” câu chuyện này có các nghệ sĩ tên tuổi như Quốc Thắng, Đăng Hòa, Bảo Thanh, Hồng Tuấn, Thu Hà, Trịnh Huyền, Trần Tuấn, Trung Tuấn, Việt Tùng, cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên khác của Nhà hát CAND.

Kết thúc mỗi màn diễn, khán phòng lại vang dội tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Sự thích thú của khán giả đã tiếp thêm năng lượng, niềm hưng phấn cho các nghệ sĩ trên sân khấu. Họ diễn như “lên đồng”, hóa thân trôi chảy và thăng hoa trong từng hành động, lời thoại, tạo nên một sự bùng nổ cảm xúc.

Vở kịch có nhiều trường đoạn lấy nước mắt của khán giả. Chẳng hạn, khi chàng sĩ quan tiếp cận Hoàng Năm buộc sợi dây cột mình với đối tượng cảnh vệ trong đêm tàu đắm trên biển dông bão, khán giả hiểu thông điệp người lính đó là xác định sống cùng sống, chết cùng chết, sẵn sàng hiến dâng mạng sống để bảo vệ mục tiêu bình yên. Sau đó, dù đang kiệt sức sau một đêm vật lộn với sóng dữ để cứu thủ trưởng, anh đã yêu cầu tổ cứu hộ lấy máu của mình truyền cho ông để đẩy lùi cái chết cận kề. Các nghệ sĩ đã diễn tả rất thành công tình huống này. Rồi khi vợ chồng Năm đứng trước khó khăn ngập tràn khi đứa con mới sinh mắc bệnh tim bẩm sinh ở thể hiếm gặp, gia đình anh không biết trông cậy vào đâu để có tiền chữa trị cho con thì nhận được tấm lòng sẻ chia chan chứa nghĩa tình của đồng đội. Những giọt nước mắt đã lăn dài vô thức trên má người xem, khi trước mắt họ là cuộc sống đời thường của lính cảnh vệ với những góc khuất mấy ai thấu tỏ. Cảnh cuối, khi Hoàng Năm nằm đè lên quả lựu đạn đang xì khói để cứu những người dân đi đường, sau tiếng nổ lớn, anh vĩnh viễn ra đi, đã để lại mối cảm thương nghẹn lòng từ khán giả.

Chia sẻ bên “cánh gà” sân khấu, đạo diễn, NSND Lê Hùng nói: "Trước nay tôi chưa từng đạo diễn vở kịch nào về người lính cảnh vệ. Quá trình dàn dựng vở này đã giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về nhiệm vụ cao cả của họ. Những cán bộ, chiến sĩ với đồng lương hạn hẹp nhưng luôn hoàn thành trọng trách của mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ an toàn cho đối tượng cảnh vệ. Lòng cảm mến lính cảnh vệ đã giúp ê-kíp sáng tạo và các nghệ sĩ khắc phục mọi khó khăn để dựng vở. Có nhiều lần tưởng vở sẽ bị “đổ” - (không diễn được) vì dù đã cố gắng nhưng sao mãi chưa đạt yêu cầu về yếu tố chính trị, nghiệp vụ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ yêu cầu. Nhiều phiên bản đã được diễn thử không đạt đã tạo ra áp lực tâm lý rất lớn, cũng có người thấy nản. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, tôi đã động viên các nghệ sĩ làm đi làm lại cho bằng được, thực hiện đúng các yêu cầu của đơn vị đặt ra”.

Điều này cũng đúng như suy nghĩ của Thượng tá, NSND Thúy Hiền - chỉ đạo nghệ thuật vở kịch. Bà cho biết, sự hài lòng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ khi duyệt vở là yêu cầu cao nhất. Phải diễn sao để câu chuyện trên sân khấu khiến người lính ngồi xem thấy có mình trong đó. Mặc dù thời gian luyện vở không nhiều, lại bị chi phối bởi các công việc khác, nhưng anh chị em nghệ sĩ Nhà hát CAND đã rất quyết tâm làm bằng xong vở diễn. Cả một tập thể cùng cố gắng nên cuối cùng tác phẩm đã mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc sâu sắc.

Sân khấu hóa cuộc chiến đặc biệt -0
Sân khấu hóa cuộc chiến đặc biệt -1
Một số hình ảnh trong vở diễn.

Kết thúc vở diễn, nghệ sĩ Quốc Thắng (thủ vai nam chính) chia sẻ: “Rất khác các vai diễn công an mà tôi từng hóa thân, vai sĩ quan tiếp cận Hoàng Năm trong vở này có đời sống và số phận rất đặc biệt. Đầu vở kịch, anh sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu sống đối tượng cảnh vệ. Kết thúc câu chuyện, anh lại xả thân cứu người dân khỏi cái chết cận kề. Qua tất cả những tình huống đó, đã dựng nên một tượng đài về lòng quả cảm, kiên trung, vì Đảng, vì nhân dân phục vụ của người lính Cảnh vệ CAND. Về nghệ thuật, vào vai Hoàng Nam, tôi không mặc sắc phục công an, đúng như nguyên mẫu sĩ quan tiếp cận ngoài đời thực. Tuy mặc thường phục nhưng cách diễn phải làm sao vẫn toát lên được sự uy nghi, phong cách, phẩm chất của người chiến sĩ CAND. Để làm được điều đó, tôi phải nghiền ngẫm, nghiên cứu kỹ tư liệu, lắng nghe tư vấn, hướng dẫn của anh em trong lực lượng này.

Theo dõi vở kịch, bà Hoàng Thị Hạnh (nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) đánh giá "Cận vệ" là vở diễn hay từ tư tưởng chủ đề, đến các tình huống kịch, lời thoại cùng khả năng diễn xuất rất “đều tay” của các diễn viên, chứng tỏ họ đã lao động nghệ thuật rất nghiêm túc. Về tổng thể, vở kịch khá gọn gàng, chặt chẽ, không tham quá nhiều chi tiết hay nhân vật, để tập trung vào mạch truyện chính. “Tôi thích vở kịch này ở chỗ mặc dù mang nội dung ngợi ca phẩm chất, bản lĩnh, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, nhưng lại không khai thác quá sâu vào các vấn đề nghiệp vụ, cũng không khen theo kiểu lên gân, tô hồng, mà chuyện được kể một cách giản dị, chân thực nhất về người lính thông qua những góc khuất đời sống riêng tư của họ. Dù thiếu thốn, khó khăn, chật vật nhưng người lính vẫn đủ bản lĩnh vượt lên sự cám dỗ của đồng tiền để bảo vệ chính nghĩa. Sự hy sinh cao cả của người lính khiến vở diễn mang một gam mầu trầm buồn, nhưng không bi lụy, bởi cái chết đã ươm mầm cho sự sống sinh sôi và sự tiếp nối truyền thống hào hùng giữa các thế hệ trong một gia đình” - bà Hạnh nhận xét.

Nhật Nam
.
.
.