Lamine Diack hay ranh giới của huyền thoại và tội đồ

Thứ Hai, 20/12/2021, 12:47

Nhà vô địch nhảy xa; Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Senegal; Thị trưởng Dakar; Chủ tịch Liên đoàn điền kinh quốc tế. Tất cả những thành tích và danh hiệu này có thể biến chủ nhân của chúng thành một người hùng của Senegal. Vậy nhưng với Lamine Diack thì khác.

Từ chỗ là huyền thoại trong làng thể thao thế giới, ông đã trở thành tội phạm quốc tế vì những vụ tham nhũng “bạc tỷ”. Vừa mới đây, vào ngày 3-12, Lamine Diack đã qua đời trong khi đang sống tại Dakar. Ông ta đem xuống mồ một di sản bị vấy bẩn và những bí mật kinh động trời đất.

Một quá khứ vẻ vang

Cậu bé Lamine Diack sinh ra tại thủ đô Dakar của Senegal, khi đó còn là thuộc địa của Pháp. Lamine mất cha từ năm 10 tuổi. Để vượt qua cái nghèo khó của gia đình, cậu ta đã dành hết tâm trí cho việc học. Cũng vào thời điểm này, Lamine khám phá ra tài năng thể thao của mình, đặc biệt là trong môn bóng đá. Tuy vậy, cậu lại lựa chọn con đường làm luật sư. Sau khi đỗ bằng thành chung, Lamine nhận được học bổng sang Paris (Pháp) để học đại học.

Như một sự tình cờ, các chuyên gia thể thao Pháp phát hiện ra hai tài năng điền kinh đang sống ở Paris. Đó là, huyền thoại chạy 200m Abdoulaye Seye, người từng dành được huy chương đồng trong Thế vận hội 1960. Và Lamine Diack. Chẳng lâu sau khi Lamine chuyển sang thi đấu nhảy xa chuyên nghiệp, ông đã giành được huy chương vàng tại Đại hội Thể thao các nước Châu Phi nói tiếng Pháp. Rồi thì chức vô địch nhảy xa toàn Pháp. Thật đáng tiếc là ngay trước khi khởi hành sang Rome để tham dự Olympics 1960, Lamine Diack bị chấn thương và phải rời khỏi đội tuyển. Tuy vậy, “ngọn lửa” đam mê thể thao đã được thắp lên trong ông.

a2.jpg -0
Lamine Diack đã đem rất nhiều bí mật xuống mồ.

Khi Lamine Diack trở về Senegal vào năm 1960 của thế kỷ trước, đất nước này mới chỉ dành được độc lập từ Pháp có mấy tháng. Chính phủ Senegal rất cần những trí thức từ nước ngoài trở về góp công gây dựng đất nước. Vì vậy mà Lamine Diack liên tục được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, trong đó có cả chức Bộ trưởng Bộ Thể dục - Thể thao. Ông nhận được nhiều sự ca ngợi vì đã đem mô hình tổ chức thể thao chuyên nghiệp về được Senegal.

Từ năm 1978, Lamine Diack tạm thời gạt thể thao qua một bên để đảm nhận chức thị trưởng Dakar và Phó chủ tịch Quốc hội Senegal. Phải đến đầu thập niên 1990 ông mới quay trở lại lĩnh vực quản lý thể dục thể thao. Lamine được các thành viên Liên đoàn điền kinh quốc tế bầu giữ chức chủ tịch với số phiếu 168/169. Ông đã đi vào lịch sử vì là người Châu Phi đầu tiên lãnh đạo một tổ chức thể thao liên lục địa.

Ung nhọt

Với nhiều người, Lamine Diack là “anh hùng” vì đã đưa điền kinh đến với đông đảo công chúng. Những “huyền thoại” điền kinh như Usain Bolt và Carl Pistorius nổi tiếng đến vậy một phần lớn nhờ các chiến dịch truyền thông do Lamine chỉ đạo. Tuy vậy, trong làng điền kinh luôn có những tiếng “xì xào” về ông ta. Họ nói nhiều đến những hình phạt “nhẹ như không” đối với vận động viên và đội tuyển sử dụng doping. Họ nghi ngờ sự can thiệp của con trai Lamine là Papa Massata Diack, một người có quan hệ chặt chẽ với những thế lực chính trị - tài chính ở nhiều nước. Họ bàn tán về những chiếc đồng hồ Seiko đắt tiền được Lamine “phân phát” cho các thành viên khác của Liên đoàn điền kinh thế giới ngay trước ngày khai mạc Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2015 tại Bắc Kinh.

Cuối cùng thì không ai khác ngoài Lamine Diack nói ra sự thật. Trong một bài phỏng vấn với tờ Le Monde (Pháp) vào tháng 11 năm 2015, vị chủ tịch thừa nhận mình đã nhận hối lộ để bỏ qua việc các thành viên đội tuyển điền kinh Nga sử dụng chất kích thích. Theo lời ông ta thì 23 vận động viên Nga đã trả khoảng từ 100.000 - 600.000 EUR để được miễn lệnh cấm thi đấu Thế vận hội Luân Đôn năm 2013 và Giải vô địch thế giới năm 2013 ở Moscow. Ngoài ra Lamine còn nhận 1,77 triệu bảng Anh để “vận động hành lang” các nước châu Phi bỏ phiếu cho Brazil được quyền đăng cai Thế vận hội năm 2016.

a1.jpg -0
Ít người hiểu được quy mô các vụ tham nhũng trong nội bộ những tổ chức thể thao quốc tế.

Lamine Diack và những người liên quan bị đưa ra tòa án Pháp. Phải đến tận cuối năm ngoái ông ta mới bị kết án bốn năm tù giam và hai năm quản thúc. Con trai Massata Diack của ông ta cũng bị kết án 5 năm tù, phạt một triệu EUR. Và bị cấm tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến thể thao trong vòng 10 năm. Massata tuy vậy hiện đang sống tự do tại Dakar, và chính phủ Senegal đã nhiều lần từ chối yêu cầu dẫn độ của Pháp. Cũng không biết vì lý do gì mà chính phủ Pháp cho Lamine Diack được nộp tiền bảo lãnh và chuyển về sống tại Senegal.

Những bị cáo khác không được may mắn như thế. Nguyên chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil Carlos Arthur Nuzman bị tòa án Brazil kết án 30 năm tù vì tội hối lộ, tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế, và tội phạm có tổ chức. Nuzman là người đã “kết nối” Lamine Diack với cựu thị trưởng Rio de Janeiro Sérgio Cabral để hai bên làm việc mua bán phiếu. Vì tội này và những tội danh không có liên quan khác, Cabral hiện đang phải lãnh án tù giam 200 năm.

Vẫn chưa yên

Vài tuần trước khi cha mình mất, Massata Diack bắt đầu đăng tải lên Twitter những dòng post “mập mờ” chuyện mình còn đang giữ rất nhiều bí mât về ngành thể thao thế giới, và ông ta sẵn sàng “tung hê” hết mọi chuyện. Một lãnh đạo cấp cao giấu tên của Uỷ ban Olympic thế giới đã nói với phóng viên tờ The Guardians rằng: “Cái chết của Lamine Diack như “cởi dây trói” cho Massata. Ông ta chắc hẳn đang nghĩ: “Bố mình thì chết rồi, còn mình thì đang an toàn ở Senegal, vậy việc gì không nói hết sự thật?” Tôi biết rất nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới đang “nín thở” chờ xem Massala sẽ nói gì!”.

Tất nhiên là công chúng có lý do nghi ngờ bất kỳ điều gì Massata - một người đã bị tòa tuyên án - nói ra. Vấn đề là ông ta quả thực nắm giữ những bí mật mà Liên đoàn điền kinh thế giới hẳn muốn giấu kín. Sau khi Lamine Diack trở thành chủ tịch liên đoàn, Massata được bổ nhiệm làm cố vấn tiếp thị cho tổ chức. Lúc này Massata đang là giám đốc công ty marketing Pamodzi.

a3.jpg -0
Lamine Diack giữ bí mật gì về cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter vẫn là câu hỏi lớn.

 Nhà báo thể thao người Pháp Romain Molina cho biết: “Khách hàng của Pamodzi không chỉ có các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Nike, Sony, American Express, v.v… mà còn có chính phủ một số quốc gia như Nga, Ấn Độ, Croatia, Brazil, Peru, v.v…Ngay từ thời Lamine Diack còn làm chủ tịch, người ta đã đồn đại rằng, những hợp đồng chục triệu USD của Pamodzi chỉ là vỏ bọc che đậy mối quan hệ giữa Lamine, Massata và các quốc gia muốn gây ảnh hưởng lên Liên đoàn điền kinh và Ủy ban Olympic.”.

Về phần mình, Massata Diack tuyên bố: “Ngày tôi mở miệng ra là ngày không chỉ Liên đoàn Điền kinh thế giới và Ủy ban Olympic quốc tế mà cả FIFA cũng sẽ sụp đổ. Bố tôi là người biết hết mọi chuyện được sắp xếp như thế nào sau cánh gà. Bố tôi là người đứng ra sắp xếp mọi chuyện!”. Đến nay vẫn chưa rõ Massata Diack biết gì về FIFA, nhưng đúng là Padmozi có một số đối tác là các đội bóng châu Âu. Trong khi Lamine Diack là bạn thân của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Vấn đề dai dẳng

Vụ scandal Lamien Diack chỉ là một trong nhiều trường hợp tham nhũng “khủng” được phát hiện trong các tổ chức thể thao quốc tế. Chỉ mới đây thôi các nhà điều tra đã phanh phui hàng loạt các vụ tham nhũng, hối lộ, che đậy, v.v…trong nội bộ Liên đoàn cử tạ thế giới. Có thông tin cho biết, cựu chủ tịch liên đoàn Tamas Ajan từng gọi điện cho liên đoàn cử tạ Albania và yêu cầu họ trả cho ông ta 100.000 USD không thì mất quyền tham dự Thế vận hội Rio 2016. Vụ việc chỉ bị phanh phui khi bốn quan chức Albania, mỗi người cầm một tờ séc 25.000 USD để tránh bị nghi ngờ, bị bắt gặp khi đang đi vào trụ sở của liên đoàn cử tạ tại thủ đô Budapest của Hungari.

a4.jpg -0
Người ta sẽ còn tranh cãi về di sản của Lamine Diack trong nhiều năm tới.

Một nhà điều tra Hungari cho biết: “Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1976, Tamas Ajan coi Liên đoàn cử tạ thế giới như “cái ví” của mình. Ngoài việc mua bán phiếu bầu nhân các dịp bầu cử, ông ta còn che giấu cho 40 vụ sử dụng chất cấm để nhận được tổng cộng 10 triệu USD. Tất cả số tiền này đều được gửi vào tài khoản của liên đoàn rồi bị chính Tamas Ajan rút ra mà không có bất kỳ sổ sách kế toán nào ghi lại”.

Các liên đoàn thể thao quốc tế nằm trong số ít những tổ chức phi chính phủ nắm giữ quyền lực ghê gớm nhưng lại không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai cả. Vì vậy cũng dễ hiểu thôi khi ban lãnh đạo các liên đoàn đặt việc làm giàu cho bản thân lên trên lợi ích của nền thể thao quốc tế. Đã có không ít kiến nghị được đưa ra để phòng chống tham nhũng và tăng tính minh bạch của các liên đoàn thể thao quốc tế như giới hạn nhiệm kỳ giữ chức, công khai hồ sơ tài chính, thành lập ủy ban thanh tra độc lập, v.v…Câu hỏi đặt ra là: liệu giới lãnh đạo ngành thể thao quốc tế có sẵn sàng đưa chúng vào thực hiện không. Hay là họ vẫn muốn kéo dài tình trạng tham nhũng - hối lộ tràn lan để làm dày cái ví của mình?

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.