Khi người Việt trẻ sáng tạo

Thứ Hai, 20/11/2023, 15:08

Album “Gieo” của nhóm nhạc Ngọt do Duy Đào thiết kế được lọt vào top 5 đề cử giải Grammy 2024 ở hạng mục thiết kế - Best Boxed or Special Limited Edition Package (Thiết kế ấn phẩm đẹp).

Đó là một thông tin đáng tự hào của Việt Nam trong những ngày này và cái tên Duy Đào trở thành từ khóa được tìm kiếm trên mạng xã hội. Anh khẳng định, năng lượng sáng tạo của cộng đồng những người trẻ đang rất mạnh.

bìa album gieo c%3fa ng%3ft.jpg -0
Bìa album “Gieo”.

Niềm tự hào của thiết kế Việt Nam

Duy Đào nói, anh rất bất ngờ khi lọt vào top 5 đề cử của giải thiết kế ấn phẩm đẹp vì hạng mục này hiếm khi có người châu Á. Album “Gieo” ra đời lúc ban nhạc không hoạt động một thời gian, sau dịch COVID-19.

tk album gieo c%3fa ng%3ft.jpg -1
Thiết kế album “Gieo” của Ngọt.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế, Duy Đào cho biết album thứ 4 của Ngọt “được gieo kín trong một chiếc ‘hộp thời gian’. Trái với ngoại hình giản dị, bên trong đó là một lễ hội, nơi mà những cảm xúc được hữu hình hóa, nơi những lời nhắn nhủ được gửi gắm tới tương lai. Nó cũng là cánh cổng để mời người nghe đến với những điều thú vị trong thế giới “Gieo” của Ngọt, nơi mà màu sắc, âm nhạc và cảm xúc mang đậm chất psychedelic của những thập kỉ trước được tái diễn”.

Khác với thiết kế truyền thống, boxset của “Gieo” gồm có rất nhiều thành phần, như poster, thẻ lời bài hát, CD, photobook, giấy ghi chú, sticker, hạt giống, mút xốp để gieo hạt…, với ý tưởng album như một chiếc hộp mà chúng ta sẽ chôn xuống đất để giao tiếp với tương lai trong nhiều năm nữa. Đây là ý tưởng mang cảm giác viển vông nhưng lại được truyền tải qua ý niệm gần gũi qua lời nói, chất liệu và thiết kế. Ngọt cũng tiết lộ chính Duy Đào là người đặt tên cho album này.

nhà thi%3ft k%3f t%3f duy ðào.jpg -0
Nhà thiết kế trẻ Duy Đào.

Đó là thành quả của sự không ngừng khai phá bản thân trên con đường thực hành sáng tạo của Duy Đào. Duy Đào có tên thật là Đào Đức Duy, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật tại Art Center College of Design - trường Đại học tư thục ở California (USA) và có 10 năm sống và làm việc tại Mỹ. Hiện tại, Duy đã về Việt Nam, sáng lập studio riêng và làm việc ở cả Mỹ lẫn Việt Nam.

Trước khi kết hợp với Ngọt và được đề cử ở Grammy 2024, Duy Đào làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu: Google, Facebook, Pinterest, Twitter, Oppo, Apple Music,, Logitech, Spotify, Bảo tàng đương đại The Broad (USA) và Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Los Angeles (USA),... Các tác phẩm của anh được xuất bản và nhận nhiều giải thưởng uy tín thế giới trong lĩnh vực thiết kế như: 3 lần đoạt giải thưởng của Art Director Club (Hiệp hội Nghệ thuật), 2 lần đoạt giải thưởng International Design Award (Thiết kế Quốc tế Toàn cầu), 4 lần đoạt giải thưởng của Type Director Club (Hiệp hội Thiết kế Nghệ thuật Chữ), và 2 lần đoạt giải Adobe Achievement Award (Giải thưởng Thành Tựu Adobe),...

hình %3fnh trong tk album.jpg -0
Hình ảnh trong thiết kế album.

Nhưng Duy Đào chia sẻ, lúc ở Mỹ, anh có một mơ ước, mở một studio thiết kế ở Việt Nam vươn tầm quốc tế, được thế giới biết đến vì thiết kế Việt Nam đang phát triển. Và bây giờ ước mơ đó của anh đã thành hiện thực. Duy Đào cũng chính là giám đốc nghệ thuật của bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk đã làm bão Facebook trong thời gian qua khi thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam quyết định thay đổi toàn bộ bao bì. Những thiết kế của Duy Đào đều đi từ đặc trưng của văn hóa Việt, từ câu chuyện của người Việt. “Uớc mơ toàn cầu nhưng vẫn giữ bản sắc Việt”, đó là con đường mà anh lựa chọn.

Thành công với bộ nhận diện thương hiệu của Vinamilk cũng là dự án lớn nhất tại Việt Nam được anh và cộng sự thực hiện trong sự kết nối toàn cầu. Duy Đào giữ vai trò là giám đốc sáng tạo và tạo ra một mạng lưới toàn cầu. Anh tự tin, ngành thiết kế sáng tạo tại Việt Nam cũng như khu vực đang phát triển. “Năng lượng sáng tạo ở Việt Nam và khu vực đang rất mạnh mẽ, tôi mong rằng, chúng ta sẽ biết đón đầu con sóng đó trong quá trình hội nhập với thế giới”.

Những năng lượng sáng tạo trẻ rất mạnh mẽ

Niềm tin của nhà thiết kế tài năng Đào Duy không phải không có căn cứ. Năm 2019, Hà Nội tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế của Unesco. Đó cũng là một điểm nhấn để khơi nguồn sự sáng tạo của những người trẻ tại Hà nội nói riêng và cả nước nói chung trong sự kết nối với thế giới.

Cũng trong những ngày này, tại Hà Nội, “Lễ hội Thiết kế sáng tạo” đang được tổ chức với không gian trưng bày mới mẻ. Hơn 60 hoạt động sáng tạo diễn ra tại Hà Nội với các tác phẩm đặc sắc như triển lãm “Thủy Phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến; triển lãm “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần; triển lãm “Chuyển động Ngoại biên” của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật - MAP 2023 của Heritage Space; triển lãm “Như ta đã từng” của nhiếp ảnh gia Phan Đan và nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hoàng; triển lãm “Quá áp” của nghệ sỹ Vy Trinh. Đó là lực lượng sáng tạo trẻ đang làm nên diện mạo mới của đời sống thiết kế, sáng tạo ở Việt Nam.

b%3f suu t%3fp ratla xuan c%3fa nguy%3fn khai tâm..jpg -0
Bộ sưu tập “Ratla Xuân” của Nguyễn Khai Tâm.

Trước đó, vào tháng 9/2023, cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 (lần thứ tư) đã bế mạc với lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi Designed by VietNam. Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế” (Embracing Constraints), cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư được phát động từ cuối tháng 4/2023 và nhận được 150 tác phẩm dự thi.

Tác phẩm “Ratla Xuan” của tác giả Nguyễn Khai Tâm trong lĩnh vực thiết kế trang phục đã xuất sắc đoạt giải Nhất. Với mong muốn tận dụng những nguyên liệu có sẵn, đem lại sức sống mới cho những tấm vải bỏ đi, nhà thiết kế đã tạo ra vải mới từ chỉ thừa, vải vụn, các hoa văn được khâu tay, đắp nổi tạo bề mặt, tôn vinh sáng tạo từ thủ công. Nguyễn Khai Tâm cho biết: “Là người theo đuổi thời trang bền vững, nên việc tái sử dụng hoặc tái chế hàng tồn, phế thải thời trang là điều quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi muốn góp tiếng nói của mình cho phong trào thời trang bền vững và mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam theo đuổi, tạo nên những dấu ấn riêng cho ngành thời trang bền vững tại nước nhà và thế giới”.

Nhóm tác giả Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Hồng Phúc, tận dụng vỏ trứng để tạo thành nguyên vật liệu cho sản phẩm, mang lại nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, kết cấu vững chắc, linh hoạt và thân thiện với môi trường với tác phẩm “Đèn trang trí Soli”. Còn Đào Mạnh Khang lại mong muốn khơi nguồn cảm hứng từ những điều thân quen và khám phá chất liệu mới từ vỏ bọc cũ với tác phẩm “One More Seat” (chiến dịch truyền thông).

Vũ Thảo cũng là một cái tên ấn tượng trong cộng đồng thiết kế sáng tạo. Chị cũng là người sáng lập ra Kilomet 109 mang ý nghĩa về dòng thời trang bền vững, chất liệu thân thiện với môi trường.

Trước khi cho ra đời Kilomet 109, Vũ Thảo có kinh nghiệm làm việc cho các công ty thời trang nước ngoài tại Hà Nội, trong đó có thương hiệu Victoria Roe (Anh, từ năm 2008 - 2010) và trở thành nhà thiết kế, quản lý chất lượng của  A.D.Deertz (Đức, từ năm 2010 - 2012). Mong muốn mang đến những sản phẩm may mặc hiện đại, thân thiện với môi trường, quy trình thiết kế của Kilomet 109 khép kín từ trồng cây bông, cây gai dầu, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải và nhuộm thủ công từ các loại nguyên liệu hữu cơ hoa lá cỏ cây. Vũ Thảo muốn đóng góp, cộng tác cùng các doanh nghiệp nhỏ, thợ thủ công, nghệ nhân bản địa để gìn giữ, sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên, dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống.

Các thiết kế của Kilomet 109 lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai, nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mong… ở Mai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng. Mới đây, trong Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2023, Vũ Thảo đã trưng bày triển lãm mang tên “Thiên, Thủy, Thổ: Những cuộc giao thoa” nhằm tôn vinh di sản, trao đổi thiết kế đa văn hóa giữa Anh quốc và Việt Nam, phối hợp với các thợ thủ công Mông Dua của bản Pà Cò đến từ tỉnh Hòa Bình và thương hiệu thời trang bền vững Kilomet. Chị đã khám phá chủ đề thiết kế và tính bền vững thông qua các nhân tố ẩn dụ: Thiên, Thủy, Thổ.

Có thể nói, một đội ngũ sáng tạo trẻ đang không ngừng sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng. Điều quan trọng, cũng như nhà thiết kế Duy Đào chia sẻ đó là nguồn mạch cho những sáng tạo ấy đều bắt rễ từ truyền thống, từ cội nguồn dân tộc. “Ước mơ toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc Việt”, đó là cơ hội để cộng đồng sáng tạo trẻ ở Việt Nam vươn ra thế giới.

Việt Linh
.
.
.