Khai giảng năm học 2021-2022: Ngổn ngang trăm mối

Chủ Nhật, 05/09/2021, 07:09

Năm học mới đã bắt đầu giữa không khí cả nước đang căng mình phòng chống dịch COVID-19. Ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, ngày 5-9 sẽ không có cờ hoa mừng ngày khai giảng, thiếu vắng khẩu hiệu chào đón trẻ đến trường. Nhiều trẻ đón năm học mới trong bệnh viện, khu cách ly.

Lễ khai giảng truyền thống vốn quen thuộc với nhiều thế hệ, nay sẽ được tạm thay thế bằng lễ khai giảng trực tuyến – một cách bước vào năm học mới với tâm thế thật khác, thật nhiều tâm tư, trăn trở.

Phụ huynh lòng rối như tơ vò

Chỉ còn vài ngày nữa là 2 đứa con nhà anh Đặng Hùng An ở quận Đống Đa, Hà Nội vào năm học mới. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên chắc chắn 2 đứa con anh sẽ phải học online, vậy mà nhà chỉ có một chiếc laptop. Máy tính để bàn thì không có camera nên không sử dụng để học online được. Anh lên mạng tìm mua thiết bị học cho con.

Thời điểm này chỉ có thể mua hàng online. Anh An tính mua Ipad với mức giá tầm 10 triệu đồng là có thể học được, vì mức tiền đó thì gần như không thể mua được laptop. Với một chiếc laptop “thường thường bậc trung” cũng có giá khoảng 15 triệu đồng.

1.jpg -0
Hà Nội sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến nên những ngày này trường học vắng lặng.

Thế nhưng, lang thang khắp các trang mạng tìm hàng, anh An không thể tìm được chiếc máy mua cho con như dự định. Cửa hàng nào cũng báo Ipad loại rẻ đã hết hàng. Cuối cùng thì anh phải quyết định mua máy tính xách tay với giá xấp xỉ 20 triệu đồng.

Cũng giống như anh An, chị Nguyễn Mai Trang ở quận Long Biên, Hà Nội có 2 con trai cần học online. Chị lên mạng “săn” laptop giá tầm hơn chục triệu nhưng cũng được trả lời là máy giá rẻ đã hết hàng. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác, chị đành đặt mua một chiếc với giá 17 triệu đồng. Thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh lòng rối như tơ vò khi lo cho con phương tiện học, rồi sách bút, thiết bị phụ trợ, ngoài máy tính còn cần cả smartphone. Trong khi dịch bệnh khiến cho thu nhập giảm sút, thậm chí nhiều gia đình lo lắng kiếm từng bữa ăn, thế nhưng, việc học của con phải cố gắng đáp ứng cho bằng chúng bạn.

Thiết bị học tập đã chuẩn bị xong rồi, nhưng các bậc phụ huynh cũng chưa hết lo lắng. Lúc này nhiều người phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội nên có thể giám sát việc học của con. Nhưng không thể lúc nào cũng theo sát bọn trẻ được. Một mình một máy tính, rồi điện thoại thông minh, những đứa trẻ hiếu động, khó tập trung theo dõi thầy cô giảng bài thì tất nhiên hiệu quả học tập sẽ không cao. Đó là chưa kể chúng lén lút dùng mạng Internet phục vụ thú vui, trò chơi… Rồi khi bố mẹ đi làm vắng nhà, chiếc máy tính, điện thoại thông minh sẽ là công cụ dẫn dắt bọn trẻ đi rất xa thế giới xung quanh của chúng. Ai biết được bọn trẻ sẽ tiếp nhận những độc hại hay cạm bẫy trên mạng như thế nào? Nhiều phụ huynh đành phải tặc lưỡi: “Thôi thì đành sống chung với lũ vậy!”.

Không chỉ phụ huynh lo lắng mà ngay cả các giáo viên cũng chịu áp lực của việc dạy học online. Một giáo viên tiểu học tâm sự với tôi: “Nếu học sinh đã biết cô giáo rồi thì chuyện dạy, học và sự tương tác giữa cô trò thuận lợi. Nhưng đối với học sinh lớp 1 hoặc cô giáo mới nhận lớp thì cô giáo đúng là người xa lạ, khó để học sinh nhỏ tiếp thu được trọn vẹn kiến thức của cô…”.

Ở nhà đã lâu, nhiều đứa trẻ hàng ngày sợ đi học thì giờ cũng thèm được cắp sách đến trường. Trên mạng xã hội đôi khi tôi bắt gặp hình ảnh những ông bố bà mẹ khoe ảnh con mình mặc đồng phục, đeo cặp sách để có cảm giác được đến trường. Có em bé tí teo thì cũng nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến lớp. Trong khi đó, các thầy cô giáo đã phải tất bật chuẩn bị cho một năm học mới đầy khó khăn với phương pháp dạy học dù đã khá quen thuộc trong thời gian gần 2 năm qua.

Tôi gọi điện trò chuyện với cô giáo cũ của con ở Hà Nội. Giọng nói cô ngập tràn tâm tư: “Mọi năm giờ này đã tập trung các con để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhưng nay thì sân trường không một bóng học trò. Các cô giáo vẫn phải đến trường để chuẩn bị cho các con đón ngày khai giảng bằng một hình thức hoàn toàn mới – khai giảng trực tuyến. Giáo viên phải chuẩn bị tư liệu, thông tin, rồi ảnh hoạt động những năm trước… làm video để phát trên máy cho các con trong lễ khai giảng online. Các con sẽ được xem các video, làm quen với cô giáo và thông tin về chương trình học sau lễ khai giảng trực tuyến”. “Mong một ngày khai giảng rộn ràng như trước quá chị ạ!” – câu nói của cô giáo như truyền cho tôi thêm chút tâm tư.

Linh hoạt để vượt qua thử thách

Tôi nhớ. Ngày 5-9 năm nào, sân Trường tiểu học Ngô Tất Tố (huyện Đông Anh, Hà Nội) rực rỡ cờ hoa, rợp bóng xà cừ. Nhạc quốc ca vang lên hùng hồn cùng với lời ca cất lên đầy rung động từ trong lồng ngực của những đứa trẻ ở cấp tiểu học: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”.

Tôi và nhiều phụ huynh khác bất chợt nhìn nhau hoà cùng cảm xúc. Lâu rồi chỉ nghe tiếng hát từ loa, đài, giờ được nghe quốc ca giữa ngôi trường với hàng trăm học sinh xếp hàng san sát, hồn nhiên, vô tư mà đầy hứng khởi, ai cũng thấy xúc động. Đó là ấn tượng mà có lẽ tôi sẽ không thể quên vào ngày khai trường mà tôi được dự cách đây hai năm. Giờ đây, giữa không khí dịch giã căng thẳng, cảm xúc về lễ khai giảng đó chợt dội về, tiếc nuối. Đó là một lễ khai giảng "xa xỉ" ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay nhiều tỉnh, thành khác lúc này.

5.jpg -0
Phụ huynh và học sinh Trường tiểu học Nậm Xé làm đường dẫn nước về trường chuẩn bị vào năm học mới.

Ở tỉnh Nam Định, kế hoạch tựu trường vào ngày 1-9 của huyện Hải Hậu đã phải dừng lại ngay phút chót. Ngày 31-8, sau khi tiến hành xét nghiệm cho đội ngũ quản lý, giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Hải Hậu đã phát hiện 10 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Vậy là, 60.000 học sinh đã phải nghỉ học để đảm bảo an toàn phòng dịch. Còn ở một số địa phương như ở Bắc Giang, nhiều trường học vẫn được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, con đường đến trường của nhiều học sinh vẫn còn xa xôi. Kế hoạch học tập trở lại bắt đầu từ đầu tháng 9 cũng phải áp dụng tuỳ từng khu vực theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kép, xây dựng các kịch bản chỉ đạo tổ chức dạy học phù hợp với từng cấp học, từng địa phương để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp.

Thời điểm này, một số địa phương có may mắn hơn khi chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì vẫn tổ chức khai giảng trực tiếp. Ngày 2-9, phóng viên gọi điện thoại với thầy giáo Lê Ngọc Tân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thầy giáo cho biết hiện nhà trường đang tập trung thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới. Vì địa phương chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên lễ khai giảng vẫn được tổ chức trực tiếp ngày 5-9, chỉ hơi khác năm trước một chút.

Trường tiểu học Nậm Xé có 198 học sinh ở 3 điểm trường là điểm trường Trung tâm và 2 phân hiệu Xi Tan, Tu Thượng. Mọi năm, lễ khai giảng được tổ chức tập trung tại điểm trường Trung tâm, nhưng năm nay sẽ tổ chức ở 3 nơi để tránh tập trung đông học sinh về một nơi. Từ ngày 24-8, nhà trường đã tập trung học sinh lớp 1, ngày 3-9 bắt đầu tập trung học sinh lớp 2,3,4,5. Em nào học bán trú sẽ ở tại trường luôn từ ngày đó. Trước ngày khai giảng, nhà trường đã huy động phụ huynh làm đường dẫn nước từ bản Tu Thượng về trường Trung tâm với quãng đường 2km. “Mặc dù ở đây chưa có dịch bệnh COVID-19 nhưng thầy trò nhà trường sẽ vẫn thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, từ việc khử khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang cho học sinh…” – thầy Tân cho biết.

Ở giữa núi rừng Tây Bắc, những học sinh thuộc các dân tộc Mông, Tày, Dao… như ở Nậm Xé vẫn được tung tăng cắp sách đến trường. Niềm vui bước vào năm học mới vẫn rạng ngời trên những đôi mắt, khuôn mặt trẻ thơ. Trong khi ở vùng dịch những ngày này, học trò thèm tiếng trống trường, thầy cô giáo thèm tiếng ồn ào náo nhiệt của lũ học trò nghịch ngợm giờ ra chơi, phụ huynh thèm được đưa con đến lớp khi chúng còn đang gà gật trên xe… Mong sao ở trên khắp đất nước ta, ở TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… sắp tới cũng sẽ tràn ngập tiếng cười, tiếng nô đùa trên sân trường, trong lớp học. Hi vọng cuộc sống bình thường mới ấy sẽ sớm diễn ra.

Trong công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức khai giảng và chuẩn bị cho năm học mới trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GDĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường biện pháp chống dịch, tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng dịch thì có thể tổ chức lễ khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình để học sinh thuộc khu vực đang phải giãn cách được hòa chung không khí khai giảng của địa phương và cả nước. Đối với nơi có dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ đạo có thể lùi lại thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Hà Nội tổ chức khai giảng duy nhất tại một điểm trường

Lễ khai giảng sẽ được tổ chức tại một trường trên địa bàn thành phố, phát trực tiếp trên sóng của Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh truyền hình H1, H2, kênh phát sóng FM) để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và Nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội theo dõi. Thời gian từ 7h30-8h30 ngày 5-9 (Chủ nhật). Buổi lễ sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Bộ, ban, ngành, lãnh đạo thành phố, một số học sinh cấp THCS và THPT, ngành học giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm đại diện cho học sinh thủ đô tham gia lễ khai giảng. Kết thúc lễ khai giảng truyền hình trực tiếp, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến trên hệ thống dạy học trực tuyến hiện có của trường. Từ ngày 6-9, các đơn vị, nhà trường tổ chức học trực tuyến theo kế hoạch.

Nhiều nơi không tổ chức khai giảng và tựu trường

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ vẫn triển khai học trực tuyến từ đầu tháng 9. Trước khi học kiến thức mới, thầy, trò sẽ có khoảng thời gian gần 1 tuần để làm quen, hướng dẫn và thống nhất phương pháp học trực tuyến. Học sinh TP Hồ Chí Minh đã có một khoảng thời gian rất dài ở nhà phòng chống dịch, việc khởi đầu năm học mới vào thời điểm này còn nhằm duy trì thói quen học tập cho học sinh. Khi được kết nối với bạn bè, thầy cô, các em sẽ có động lực học tập, suy nghĩ tích cực, giảm bớt căng thẳng trong thời gian qua…

Một số tỉnh thành khác ở phía Nam cũng không tổ chức lễ khai giảng. Còn các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… tổ chức khai giảng trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đề xuất tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 15-9 bằng hình thức trực tuyến và thực hiện dạy học trực tuyến từ ngày 16-9 đến 30-10-2021.

Sông Việt
.
.
.